2. Viết một bài văn nghị luận về đề tài: Khuyên các bạn học sinh không nên cúp tiết, bỏ học, mê game
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển đã và đang đáp ứng được những nhu cầu căn bản của con người mà một trong số đó là giải trí. Game ra đời cũng vì mục đích ấy. Tuy nhiên, việc quá chìm đắm, say mê vào game online đã dẫn đến hiện tượng nghiện game của một bộ phận không nhỏ học sinh ngày nay.
Game là những trò chơi trên máy tính, được sáng tạo với mục đích giúp con người giải trí, thư giãn đầu óc sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng. Bản chất của game không xấu, tuy nhiên, nếu chơi quá nhiều sẽ dẫn đến nghiện game, phụ thuộc vào game và khó có thể dứt ra được.
Hiện nay, hiện tượng nghiện game trở nên vô cùng phổ biến, đặc biệt là ở giới trẻ. Ta có thể bắt gặp các hàng net mọc lên như nấm với đa phần là học sinh. Những học sinh này có thể ngồi hàng giờ để chơi game, quên ăn quên ngủ. Thậm chí, nhiều trường hợp, bố mẹ phải đến tận quán game để bắt con về. Người nghiện game thì luôn trong tình trạng mệt mỏi, uể oải vì thiếu ngủ, đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch.
Game cũng như một loại cám dỗ, để lại những hậu quả khôn lường. Trước hết, nó ảnh hưởng đến sức khỏe của người chơi. Chơi nhiều có thể bị cận thị, thiếu ngủ, đầu óc không tỉnh táo, tinh thần mệt mỏi, lâu ngày còn có thể sinh trầm cảm. Hơn nữa, chơi game còn tốn thời gian và tiền bạc. Vì dành quá nhiều thời gian cho game, học sinh dễ chểnh mảng, sa sút trong việc học hành, ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Nghiện game cũng là nguyên nhân sinh ra nhiều thói hư tật xấu, làm suy đồi nhân cách, đạo đức của người học sinh. Không có tiền chơi game, nhiều bạn nói dối, ăn trộm tiền của bố mẹ, trốn học để chơi game. Tình cảm gia đình, thầy trò vì thế mà rạn nứt, để lại vết thương khó có thể hàn gắn.
Vậy nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên là do đâu? Trước hết, đó là do bản tính tò mò, ưa khám phá của người học sinh, dễ bị lôi cuốn, cám dỗ bởi những thứ mới mẻ. Đó còn là do học sinh không chú tâm vào việc học hành, bị bạn bè lôi kéo, sa đà vào con đường nghiện game. Một phần khác, là do gia đình, nhà trường chưa quan tâm, quản lí chặt chẽ thời gian học tập, sinh hoạt của con em mình.
Mỗi học sinh để không sa chân vào con đường nghiện game cần có ý thức trong việc học hành, tích cực rèn luyện đạo đức, coi học là nhiệm vụ chính, chơi game chỉ để giải trí, giải tỏa áp lực và có thời gian chơi phù hợp. Phụ huynh cần quan tâm hơn đến thời gian sinh hoạt của con cái, nhà trường cũng cần phối hợp với gia đình khi thấy học sinh có những biểu hiện bất thường như thường xuyên mệt mỏi, thiếu ngủ. Các cơ quan chính quyền nên có những biện pháp cụ thể để quản lí thời gian hoạt động của các quán game, tổ chức nhiều sân chơi bổ ích, thú vị cho học sinh tham gia.
Những lợi ích của game là không thể phủ nhận, tuy nhiên nó tốt hay xấu hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Nếu chơi có điều độ và thời gian hợp lí, game sẽ là món ăn tinh thần để chúng ta giải tỏa những muộn phiền, căng thẳng thường ngày. Thậm chí, chơi game còn giúp cải thiện tư duy, phản xạ tay và mắt nhanh hơn. Còn ngược lại, một khi đã trở thành nô lệ của game, nó sẽ làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống thường ngày của chúng ta.
Nghiện game là một hiện tượng đáng báo động ngày nay. Mỗi chúng ta hãy là một người chơi khôn ngoan, đưa game trở về mục đích tốt đẹp ban của nó.
Vấn đề nghiện game online hiện này vẫn đang trở nên bức thiết đặc biệt đối với các bạn học sinh khi suy nghĩ còn chưa chín chắn vẫn chưa nhận thức được tác hại và lợi ích của chơi game và cũng chưa biết cân bằng giữa giải trí và nghiện nên kéo theo rất nhiều hệ lụy khác nhau. Bên cạnh đó nghiện game trên điện thoại cũng trở nên đáng báo động. Thực tế việc chơi game bây giờ đa số đều tốn thời gian chứ ít mang tính chất giải trí vì người dùng sử dụng quá nhiều thời gian vào việc chơi game mà quên đi việc học tập hoặc lao động. Vì thế nếu có thể ban không nên chơi bất kỳ game nào mà hay lo học hành ra ngoài chơi các trò thể thao vận động sẽ tốt hơn