Lễ hội Đền vua Đinh, Đền vua Lê (Lễ hội Trường Yên) được tổ chức hằng năm tại Cố đô Hoa Lư (thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), nơi tọa lạc của hai ngôi đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành, cùng các nhân vật lịch sử có liên quan đến hai triều đại Đinh - Tiền Lê.
Tương truyền, sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ trên nền móng cũ của cung điện để tưởng nhớ công đức của hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Lễ hội Trường Yên được cộng đồng dân cư nơi đây tổ chức cũng nhằm mục đích ghi nhận những công lao to lớn của vua Đinh, vua Lê trong công cuộc dựng nước và giữ nước.
Xưa kia, việc chuẩn bị lễ hội hết sức công phu, những người tham gia lễ hội cùng nhau đóng góp công sức, nên mâm lễ tế vua tấm long tri ân của cộng đồng. Ngày nay, khi điều kiện vật chất được cải thiện, mỗi người tham gia lễ hội đều chuẩn bị một mâm lễ riêng để tế vua, khiến cho việc sắp lễ chung của làng không còn được cầu kỳ như trước.
Lễ hội diễn ra từ ngày 8 - 10 tháng 3 (Âm lịch), gồm những nghi thức chính sau:
- Lễ mở cửa đền: được tiến hành trước khi diễn ra lễ hội một ngày (ngày 7 tháng 3) để cúng tế thần linh và hai vua, xin được tổ chức lễ hội. Những người thực hiện công việc này là các bậc cao niên có uy tín của làng, am hiểu về truyền thống.
- Lễ rước nước: là nghi thức mở đầu cho ngày khai hội (ngày 8 tháng 3). Đây là hoạt động được đông đảo quần chúng và nhân dân địa phương tham gia. Đoàn rước nước khởi hành từ đền vua Đinh, tới bến sông Hoàng Long, rồi xuống thuyền ra đến cây Nêu - Vị trí lấy nước cho vào chóe. Khi đoàn rước về tới đền, một phần nước được đưa vào nội cung để làm lễ mộc dục, phần còn lại được dâng lên ban thờ vua và để đến lễ hội năm sau.
- Lễ mộc dục: tức lễ tắm thần vị, bao sái tượng vua Đinh, vua Lê. Trước khi tiến hành công việc này, dân làng Trường Yên dâng lễ cáo yết thần linh, xin phép được thực hiện. Khăn dùng để bao sái tượng thường có màu đỏ; sau khi bao sái bằng nước trắng (rước từ sông Hoàng Long) sẽ bao sái bằng nước thơm.
- Lễ dâng hương: diễn ra ngay sau khi hoàn thành lễ mộc dục, tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành. Đoàn tế dâng hương có chủ tế, bồi tế, chấp sự và tiến hành theo trình tự: dâng hương, cúc cung bái, dâng rượu tuần, đọc lời chúc.
- Lễ tế: cũng được tiến hành tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Để chuẩn bị cho lễ tế, nhân dân Trường Yên cử người có học thức cao của làng, am hiểu lịch sử soạn bài văn tế có nội dung gắn với tiểu sử, công trạng của các vị vua lúc sinh thời. Khi đọc xong, bài tế được hóa ngay trong buổi lễ.
- Cờ lau tập trận: là một tiết mục diễn xướng gợi nhớ về thời niên thiếu của vua Đinh. Trong hội hiện nay, có khoảng 60 em học sinh của xã Trường Yên tham gia diễn tích Cờ lau tập trận. Trước đó, người phụ trách đưa các em vào đền để tế lễ vua, xin phép được diễn tích này. Người phụ trách tế xong, các em nhỏ lần lượt vào lễ vua rồi ra diễn. Diễn xong, đoàn trở lại đền lễ tạ vua, nhằm cầu cho bách gia trăm họ được bình an, đất nước muôn đời hưng thịnh.
- Kéo chữ Thái Bình: được thực hiện bởi nhiều người chia làm các đội, mỗi đội khoảng 50 - 60 người, mặc đồng phục. Mỗi người tự chuẩn bị một chiếc gậy tre dài khoảng 1,5m, quấn giấy xanh, đỏ, trắng, cắt tua. Người kéo chữ chân quấn xà cạp, đi giầy vải, thắt lưng, đầu chít khăn có đính kim sa. Khi đã xếp thành chữ đã định trước (chữ Thái Bình), trống vang lên dồn dập, đoàn người kéo chữ đứng yên, lúc này chữ “Thái Bình” xuất hiện.
- Ngoài các nghi lễ gắn với tôn giáo, tín ngưỡng, Lễ hội Trường Yên còn có sức hấp dẫn đặc biệt bởi các sinh hoạt văn hóa mang tính đặc thù, tiêu biểu như: thi bơi chải và thi đấu vật. Đây là các hoạt động không chỉ mang tính giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn để ghi nhớ công lao của những danh tướng dưới thời vua Đinh, như ông Vận Dần đại vương (cai quản thủy quân) hay ông Cầm Trà đại vương (cai quản bộ binh)…
Lễ hội Trường Yên đã tái hiện lại toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh Tiên Hoàng, từ thuở thơ ấu đến khi khai quang đế nghiệp. Lễ hội thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và lòng kính trọng đối với bậc tiền nhân đã có công dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất giang sơn về một mối, xây dựng nên nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. Lễ hội còn có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần của cộng đồng, đem lại những giá trị tích cực cho bản thân mỗi người dân và là niềm tự hào của người dân. Mọi người đến với lễ hội đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với mình, gia đình và làng xóm…
Bên cạnh đó, Lễ hội chứa đựng nhiều thông tin sử liệu quan trọng, góp phần làm rõ một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam, khẳng định bản lĩnh dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của lễ hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ hội Đền vua Đinh, Đền vua Lê vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.