Mùa thu là mùa thơ của thi nhân. Từ xưa, bao thi nhân đã gửi gắm lòng mình vào những bài thơ thu đem đến cho ta những xúc cảm tinh tế. Với từng cách nhìn, cách nghĩ khác nhau, mỗi nhà thơ tạo nên những ấn tượng riêng về mùa thu. Hữu Thỉnh cũng là một trong số những nhà thơ như thế. Với con mắt nghệ sĩ, tâm hồn nhạy cảm và ngòi bút tài hoa, Hữu Thỉnh đã có những cảm nhận mới mẻ trước sự biến chuyển của thiên nhiên lúc giao mùa. Đọc Sang thu ta thấy rất rõ điều đó. “Sang thu” ở đây là chớm thu, là lúc thiên nhiên “giao ca”. Mùa hè vẫn chưa hết mà thu mới có những tín hiệu đầu tiên. Trước những thay đổi tinh vi ấy, phải nhạy cảm lắm mới cảm nhận được. Sau những sự vật, hiện tượng khi chớm thu, nhà thơ chú ý đến những yếu tố thời tiết. Trong cảm nhận này, nhà thơ luôn có sự liên tưởng, so sánh với mùa hạ nhằm tạo nên ấn tượng rõ nét. Nắng vẫn còn vàng tươi nhưng nắng thu trong và dịu hơn nắng hạ. Mưa vẫn còn nhưng đã vơi nhiều so với những cơn mưa bong bóng kéo dài của mùa hạ và sấm cũng bớt đến đột ngột và bất ngờ. Những biến chuyển nhỏ tinh vi : vẫn còn, vơi dần, bớt khó lọt qua con mắt quan sát, sự cảm nhận tinh vi. Sang thu vẽ lên những nét tranh thu ở làng quê trung du thật ấn tượng, đem lại cho chúng ta những điều ta không cảm nhận được vì bị cuốn vào cuộc sống không có lúc lắng lòng để hướng tới thiên nhiên, hướng tới quê nhà.