Dân số là số lượng dân cư của một quốc gia hay một vùng lãnh thổ nhất định. Đây là điều kiện thường xuyên, tất yếu của đời sống xã hội. Số lượng, chất lượng dân số, mật độ dân cư cũng như cơ cấu dân số, tốc độ tăng dân số, sự phân bố dân cư theo lãnh thổ thường xuyên ảnh hưởng đến nguồn lao động, tổ chức phân công lao động cũng như việc phát triển sản xuất và phát triển mọi mặt đời sống xã hội. Thực hiện đồng bộ, từng bước và có trọng điểm việc điều hòa quan hệ giữa số lượng và chất lượng dân số, giữa phát triển dân số và phát triển nguồn nhân lực, giữa phân bố và di chuyển dân cư với phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của công tác dân số ở nước ta.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết TW 4, khóa VII về chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ), tình hình dân số ở nước ta đã có những thay đổi rất căn bản. Mục tiêu giảm sinh và thực hiện "mỗi cặp vợ chong có hai con" đã đạt được. Các số liệu điều tra dân số cho thấy tỷ lệ tăng dân số nước ta sau 5 thập kỷ đã giảm hơn 1/3 từ 3,9% năm 1960 xuống còn 1,2% năm 2009. Giai đoạn 10 năm (từ năm 2000 đến năm 2009) là những năm tỷ lệ tăng dân số đạt thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Hiện nay nước ta đã đạt mức sinh thay thế. Thành công này đã góp phần giảm bớt sức ép về sự tăng dân số đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận thuận tiện và hiệu quả hơn các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác. Những thành tựu quan trọng trong công tác dân số của Việt Nam đã được tổ chức Liên hiệp quốc đánh giá rất cao. Năm 1999, Liên hiệp quốc đã trao tặng giải thưởng dân số cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, những thành tựu đó mới chỉ lâ bước đầu và chưa bền vững. Thực trạng tình hình dân số nước ta đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải quan tâm giải quyết. Muốn như vậy, phải tiến hành tìm hiểu, phân tích, đánh giá đặc điểm tình hình dân số nước ta hiện nay. Nghiên cứu kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở tiến hành vào ngày 01 - 04 - 2009 bước dầu cho phép chúng ta chỉ ra một số đặc điểm của tình hình dân số ở nước ta hiện nay như sau:
Một là, quy mô dân số nước ta rất lớn, mật độ dân số cao so với khu vực và thế giới:
Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở được tiến hành vào ngày 01 - 04 - 2009, đến 0 giờ ngày 01 - 04 - 2009 quy mô dân số Việt Nam là 85.789.573 người, tỷ lệ giới tính: 98,1 nam/100 nữ. Nam chiếm 49,5%, nữ chiếm 50,5% dân số. Sau 10 năm (tính từ 01 - 04 - 1999 đến 0l - 04 - 2009) dân số nước ta tăng thêm 9,5 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 950.000 người, tương đương với dân số của một tỉnh trung bình. Với quy mô dân số như vậy, Việt Nam là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Indonesia và Phihppines) và đứng thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới.
Cùng với quy mô dân số lớn, mật độ dân số ở nước ta cũng luôn ở mức cao, khoảng 237 người /1 km2, gấp 1,8 lần mật độ dân số Trung Quốc và gấp 5 lần mật độ dân số trung bình của thế giới.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, năm 2024 dân số nước ta sẽ vượt 100 triệu người, mật độ dân số sẽ lên tới 335 người /1km2.
Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và vẫn đang trong xu hướng tăng mạnh như vậy bên cạnh tạo ra thị trường lớn với dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào để xây dựng, phát triển đất nước, thu hút đầu tư nước ngoài thì cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt là việc giải quyết các vấn đề xã hội như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giáo dục, y tế, nhà ở, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và người cao tuổi.
Hai là, đất nước đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, nhưng đối mặt với xu hướng già hóa trong tương lai gần:
Việt Nam đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, thời kỳ mà nhóm dân số trong độ tuổi lao động cao gần gấp đôi nhóm dân số trong độ tuổi phụ thuộc.
Bên cạnh đó, nước ta cũng đang phải đối mặt với xu hướng già hóa dàn số trong tương lai gần. Theo ý kiến của các chuyên gia, quá trình già hóa dân số của Việt Nam sẽ đến nhanh hơn dự kiến. So với cuộc điều tra dân số tiến hành vào 01 - 04 - 1999, nhóm dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33% (năm 1999) xuống còn 25% (năm 2009). Ngược lại, tỷ lệ dân số nhóm 15 - 19 tuổi tăng từ 58% lên 66% và nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng từ 8% lên 9%. Sau 10 năm, chỉ số già hóa của dân số Việt Nam tăng 11% (từ 24,5% lên 35,9%). Chỉ số già hóa của Việt Nam hiện nay cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (30%). Tuổi thọ trung bình của người việt Nam tăng 3,7 tuổi so với năm 1999, lên 72,8 tuổi (nam đạt 70,2 tuổi, và nữ - 75,6 tuổi).
Thông thường các nước trên thế giới phải mất nhiều thập kỷ mới chuyển từ giai đoạn cơ cấu dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số trong khi Việt Nam chỉ mất có 3 năm (từ 2005 đến 2008). Như vậy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có dân số già khi chưa giàu, nghĩa là chưa tích lũy được gì thì đã già.
Theo dự báo, đến năm 2024, cả nước có 12. 811.400 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 13 % trong tổng dân số, vượt tiêu chuẩn xã hội già hóa và đây sẽ là thách thức lớn đối với hệ thống bảo hiểm xã hội.
Ba là, cơ cấu giới tính trẻ sơ sinh có biểu hiện mất cân đối nghiêm trọng, số trẻ sinh ra là con thứ ba có xu hướng gia tăng:
Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở được tiến hành vào ngày 01 - 04 - 2009 cho thấy tỷ lệ giới tính nói chung ở nước ta vẫn ở mức bình thường. Tuy vậy, tỷ lệ chênh lệch giới tính trẻ sơ sinh lại có những biểu hiện chứa đựng nguy cơ mất cân bầng giới tính nghiêm trọng trong tương lai. Nếu năm 1999 tỷ lệ này là 108 bé trai/100 bé gái thì hiện nay là 111 bé trai/100 bé gái, thậm chí có địa phương chênh lệch tới 131 bé trai /100 bé gái. Những con số trên đây cho thấy tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở Việt Nam có biểu hiện gia tăng một cách bất thường, cho phép chúng ta đặt ra giả thiết đáng tin cậy là một số bậc cha mẹ và các cá nhân, tổ chức y tế đã có sự can thiệp vào sự lựa chọn giới tính để sinh con trai. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài thì có thể dẫn đến nguy cơ mất cân bằng giới tính nghiêm trọng trong tương lai khoảng vài chục năm nữa, một số lượng lớn nam giới Việt Nam đến tuổi lập gia đình không thể tìm được vợ. Từ đây có thể làm nảy sinh nhiều vấn nạn xã hội rất nặng nề như buôn bán phụ nữ, mại dâm, nhập khẩu cô dâu v.v.., ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng dân số Việt Nam.
Đáng lưa ý, số trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên vẫn có chiều hướng gia tăng. Ước tính, năm 2008, cả nước có tới 142.485 trẻ sinh ra là con thứ ba trở lên. Riêng thành phố Hồ Chí Minh năm 2008 có 3.123 trẻ là con thứ ba, tăng 8,12% so với cùng kỳ năm 2007. Trong 11 tháng đầu năm 2009 đã có 2.615 trẻ là con thứ ba được sinh ra tại thành phố Hồ Chí Minh.
Thực trạng trên cho thấy vẫn còn nhiều biểu hiện vi phạm các quy định của Pháp lệnh dân số, mục tiêu giảm sinh tuy đã đạt được nhưng chưa bền vững.
Bốn là, dân số nước ta phân bố không đều, cư dân đô thị ngày càng tăng:
Theo kết quả cuộc Tổng điều tra, dân số nước ta phân bố không đều và có sự khác biệt lớn theo vùng: hai vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long có tới 43% dân số của cả nước sinh sống. Trong khi đó, hai vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên chỉ chiếm 19% dân số. Số liệu cũng cho thấy Đông Nam bộ là vùng có tỷ lệ tăng dân số cao nhất với 3,2%/năm. Ở khu vực này, thành phố Hồ Chí Minh có tỷ lệ tăng bình quân là 3,5%/năm, Bình Dương tăng 7,3%/năm. Đây cũng là những nơi có tốc độ nhập cư rất lớn.
Mười năm qua đã có sự chuyển dịch ngày càng nhiều người dân nông thôn vào thành thị. Nếu như năm 1999 chỉ có 23,7% dân số sống ở thành thị thì nay con số đó đã gần 30%. Trong giai đoạn 1999 - 2009 dân số khu vực thành thị tăng 7,3 triệu người. Trong khi đồng bằng sông Hồng có mức đô thị hóa thấp hơn với 29,6% dân số thành thị thì Đông Nam Bộ là vùng có mức độ đô thị hóa cao nhất, nhanh nhất với 57,1% dân số sống ở thành thị.
Trong thời gian tới, quá trình công nghiệp hóa và di dân sẽ làm cho đô thị hóa và di dân tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, đô thị sẽ mở rộng và cư dân đô thị sẽ còn gia tăng. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức cho việc quy hoạch đô thị, hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các thành phố lớn ở nước ta.
Bên cạnh đó, mức sinh, mức chết tuy đã giảm mạnh nhưng vẫn còn chênh lệch giữa các vùng. Mức sinh của Việt Nam tiếp tục giảm trong giai đoạn 1999 - 2009. So với kết quả tổng điều tra vào năm 1999, tỷ suất sinh của trẻ em dưới 1 tuổi đã giảm từ 2,3 con/1 phụ nữ xuống dưới mức sinh thay thế là 2 con/ 1 phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn còn khác biệt về mức sinh giữa khu vực thành thị là 1,8 con /1 phụ nữ với khu vực nông thôn là 2,15 con/1 phụ nữ. Kết quả điều tra cho thấy mức tăng dân số tự nhiên cao nhất thuộc về khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Khu vực này cùng với đồng bầng sông Cửa Long là những nơi có số năm đi học trung bình của dân cư thấp nhất, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao nhất. Thực trạng này cho phép đưa ra dự báo là trong tương lai vài chục năm tới, số trẻ em thành thị có điều kiện học hành, dinh dưỡng tốt sẽ đạt một tỷ lệ thấp hơn rất nhiều so với trẻ em nông thôn, miền núi. Điều này cũng sẽ tác động tiêu cực đến chất lượng dân số nước ta.
Năm là, chất lượng dân số Việt Nam tuy có được cải thiện nhưng vẫn chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước:
Chỉ số phát triển con người (The Human Development Index - HDI) của nước ta không ngừng tăng lên, từ 0,539 năm 1992 đã tăng lên 0,733 năm 2005. Tuy nhiên, so với thế giới, chỉ số HDI của Việt Nam vẫn ở thứ hạng thấp, năm 2009 chỉ đứng thứ 116/182 nước được xếp hạng, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới chỉ đạt 28 - 30%. Tuổi thọ bình quân khỏe mạnh của người Việt Nam đạt 60,2 /72,2 tuổi thọ bình quân; 1,5% dân số bị thiểu năng thể lực và trí tuệ, cả nước có 5,3 triệu người bị khuyết tật, chiếm 6,3% dân số Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng cao nhất thế giới. Tầm vóc, thể lực, cân nặng, sức bền của người Việt Nam còn hạn chế so với nhiều nước trong khu vực.
Những con số trên cho thấy chất lượng dân số nước ta tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ nhận thức vai trò vô cùng quan trọng của yếu tố dân số đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội, từ thực trạng tình hình dân số ở nước ta hiện nay, giảm tỷ lệ sinh, tăng chất lượng dân số, bố trí cơ cấu dân số và phân bố dân cư hợp lý, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa là những yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với công tác dân số. Để củng cố, phát huy những thành tựu đã đạt được, đồng thời có được những thành tựu mới trong công tác dân số làm cho dân số trở thành yếu tố tích cực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, theo ý kiến chúng tôi, nên tập trung giải quyết một số vấn đề như sau:
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật về DS - KHHGD, bảo đảm tổ chức, bộ máy, con người cùng các dịch vụ, phương tiện, kỹ thuật kế hoạch hóa gia đình có chất lượng cao đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu của người dân. Đẩy mạnh công tác truyền thông DS - KHHGD. Xử lí nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của Pháp lệnh dân số, đặc biệt là các trường hợp sinh con thứ ba, các tổ chức, cá nhân can thiệp nhằm lựa chọn giới tính của thai nhi.
-Tận dụng "cơ cấu dân số vàng" để phát triển kinh tế. Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đa dạng hóa ngành nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Kế hoạch phát triển giáo dục, nhất là bậc tiểu học và trung học cơ sở cần chú ý đến xu thế tỷ lệ trẻ em đang giảm nhanh để có sự điều chỉnh cho phù hợp. Đồng thời, trước xu thế già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng, gia đình, Nhà nước và xã hội cần quan tâm hơn nữa đến việc tổ chức cuộc sống, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Một mặt khuyến khích duy trì mô hình gia đình truyền thống để người cao tuổi được con cháu chăm sóc tại gia đình; mặt khác xây dựng, phát triển các dịch vụ, trung tâm dưỡng lão có chất lượng đáp ứng nhu cầu của người dân.
- Thực hiện phân bố dân cư hợp lý giữa các khu vực, các vùng, miền để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; xây dựng các khu đô thị vệ tinh, giải tỏa sức ép dân số quá lớn ở đồng bằng sông Hồng và các thành phố lớn. Tránh hình thành các "siêu đô thị" với những thảm họa về môi trường và các vấn đề xã hội bằng cách xây dựng đô thị vừa và nhỏ, tạo điều kiện phân bố dân cư hợp lí. Bên cạnh đó, bản thân các đô thị lớn cũng cần chủ động lường trước xu thế gia tăng nhanh dân số do di cư đề xây dựng các chiến lược phát triển, đặc biệt là quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đô thị và các công trình công cộng nhằm tránh những tổn thất do quy hoạch sai lầm gây nên.
- Đẩy mạnh các biện pháp nâng cao chất lượng dân số như: tăng chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, nâng cao dân trí, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, tăng cường các biện pháp chống tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ em bỏ học, nâng cao tầm vóc, sức bền, trí lực, thể lực cho người Việt Nam.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy, đào tạo, xây dựn đội ngũ cán bộ làm công tác DS -KHHGĐ từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu, có chính sách đãi ngộ xứng đáng với những cán bộ làm công tác này ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Thường xuyên tổng kết, rà soát, nghiên cứu về tình hình dân số và công tác DS -KHHGĐ để đưa ra các chính sách kịp thời và phù hợp.