Chúng ta đều biết, trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng hiện nay, hình như mọi người có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với đọc sách, nhất là giới trẻ. Phải chăng họ nghĩ rất dễ dàng cặp nhật thông tin thông qua các phương tiện nghe nhìn hiện đại thì không cần tới sách nữa? Văn hóa đọc sách đang đứng trước cả cơ hội và thách thức. Cơ hội bởi mỗi chúng ta đều có thể tiếp cận khối lượng tri thức khổng lồ chỉ cần thông qua một thiết bị nghe nhìn đơn giản như chiếc điện thoại smartphone, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ làm mai một thói quen đọc sách truyền thống vốn có bởi sự lấn át của quá nhiều phương tiện nghe nhìn hấp dẫn. Vậy sẽ có tương lai nào cho văn hóa đọc sách trong kỷ nguyên số? Khác với vài chục năm về trước, thị trường sách hiện nay vô cùng phong phú về nội dung cũng như hình thức. Chỉ có điều siêu thị sách thì vắng vẻ hơn, thư viện rất nhiều sách nhưng khách thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy nhưng có nhiều cuốn sách được coi là “sách đen” xuất hiện trên thị trường vẫn được giới trẻ truyền tay nhau mải mê đọc. Rồi có những bạn trẻ lại cho rằng đọc sách giấy là lạc hậu. Sẽ là sai lầm khi đa số các bạn trẻ cho rằng bây giờ là thời đại công nghệ thông tin thì phải lên mạng đọc vừa nhanh, vừa dễ, vừa đỡ tốn kém. Các kênh truyền hình thì phát sóng 24/24, đầy ắp phim, ảnh đủ các thể loại, chỉ cần nhấp chuột rà qua các mạng là có thể khai thác được thông tin. Với thực trạng như thế, có lẽ mỗi chúng ta ai cũng băn khoăn cho văn hóa đọc hiện nay. Internet có khối lượng thông tin phong phú, nhanh và cập nhật nhưng liệu đọc xong các bạn còn đọng lại trong đầu được bao nhiêu, hay chỉ như cơn gió thoảng qua? Bạn có thể nghiên cứu, “nhâm nhi” từng câu, từng chữ mà tác giả gửi gắm vào đó không? Đối với các nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, sinh viên, học sinh... đọc sách vẫn là một công việc bắt buộc, thường xuyên mà nếu thiếu nó người ta rất khó có chuyên môn tốt, có khối lượng kiến thức đủ rộng để phục vụ công việc. Khi nói đến đọc sách, nhiều nhà văn cũng cho rằng, bản thân hình ảnh thì thoảng qua, chỉ từ ngữ mới đọng lại lâu bền. Cũng bởi ít đọc, ít cập nhật thông tin qua sách báo, nên vốn văn chương của lớp trẻ bây giờ được đánh giá là hơi “cạn”. Những năm gần đây, sau mỗi đợt chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học lại rộ lên nhiều câu chuyện về những bài thi với câu văn ngô nghê, những cột mốc lịch sử bị sai lệch... đang gióng lên hồi chuông về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay.