Thời gian gần đây, thi thoảng các phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc các “hiệp sĩ đường phố” ra tay nghĩa hiệp trấn áp bọn tội phạm, nhất là tội phạm cướp giật trên đường phố, làm cho người dân hoan hỉ, kẻ cướp run sợ.Không nghi ngờ gì, tinh thần nghĩa hiệp, xả thân vì sự an toàn của người dân, của xã hội là động cơ khiến cho họ quên mình, bất chấp hiểm nguy đến cả tính mạng và tài sản là phương tiện truy đuổi tội phạm.
Nhưng giữa sự xả thân và xác định chuẩn xác ranh giới giữa sự nghi vấn tội phạm và người ngay, giới hạn pháp lý trong chính hành động của họ khiến nhiều người băn khoăn. Ngoài việc chưa có một quy chế hoạt động và trách nhiệm, chế độ rõ ràng, hành động của các “hiệp sĩ đường phố” mang tính tự phát và thiếu hẳn cơ chế pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Trong một số trường hợp, hành động của họ chủ yếu dựa vào suy đoán chủ quan, dựa trên sự nghi vấn, không chỉ có khả năng nhầm lẫn, mà còn mang đến nguy hiểm cho những người đi lại trên đường khi bọn cướp bị truy đuổi hoặc chính họ tông vào. Thậm chí cũng có mặt trái là do hành động “ra tay quá đà” dẫn đến vi phạm pháp luật hoặc nhận tiền của đối tượng bị bắt quả tang như thông tin báo chí nêu...
Điều băn khoăn hơn là bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng họ khi có thành tích săn bắt cướp, nếu họ chẳng may bị thương tích hoặc bị đối tượng truy đuổi tấn công, địa vị pháp lý và chế độ chính sách đối với họ được giải quyết như thế nào? Họ có được coi là người “đang thực thi công vụ” hay không?
Nhiều người cho rằng công việc bắt cướp là của cơ quan công lực, hành vi của của hiệp sĩ là không cần thiết, gây nguy hiểm cho bản thân, thậm chí có người còn coi các anh không phải là Lục Vân Tiên mà là dạng như Lương Sơn bạc. Đó là một sự xúc phạm. Nếu không có các anh, các hiệp sĩ dám quên mình để chống lại cái ác cái xấu, thắp lên ngọn lửa thì xã hội này không lẽ chỉ toàn những người thờ ơ, vô cảm, không ai can thiệp vào chuyện gì dù có trái tai gai mắt...
Sự hy sinh của các hiệp sĩ đã mang lại xúc cảm mạnh mẽ, sự đồng cảm sâu sắc trong xã hội. Rõ ràng tinh thần hiệp sĩ cần được nuôi dưỡng và nhân lên. Không phải chỉ để chống lại những tên cướp đường phố. Những người trượng nghĩa, “những người sống vì mọi người”, tôn trọng pháp luật và dám bảo vệ lẽ phải, chống lại cái ác, bao giờ cũng cần, dù ở bất kỳ đâu trên thế gian này