2. Các biện pháp kĩ thuật ngăn ngừa sâu bệnh phát triển. Tác dụng của các biện pháp đó
1. Cày, bừa để làm lộ lên mặt đất những con nhộng, trứng, sâu non qua đông của các loài sâu bệnh hại. Khi đó chúng sẽ chịu tác động mạnh hơn từ các yếu tố tự nhiên và dễ chết do sức sống ở những giai đoạn này của các loài sâu bệnh hại đều yếu.
2. Ngâm đất, phơi đất vừa giúp tiêu diệt trứng sâu, sâu non và nhộng vừa có tác dụng tăng cường oxy trong đất, tạo độ xốp, độ thoáng khí cho các sinh vật hiếu khí phát triển và phân giải các hợp chất hữu cơ trong đất để tạo mùn.
3. Phát quang bờ ruộng để cho các loài sâu bệnh hại không còn ký chủ trung gian để tồn tại khi chúng ta thu hoạch cây trồng chính, do đó có thể hạn chế được nguồn bệnh cho vụ tiếp theo.
4. Vệ sinh đồng ruộng: Các tàn dư thực vật thường chứa nhiều loại vi sinh vật gây bệnh với mức độ nguy hiểm khác nhau cho cây trồng. Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư sẽ giúp hạn chế nguồn bệnh ban đầu, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng rủi ro cho cây con của loại cây trồng tiếp theo.
5. Xứ lý hạt giống trước khi gieo giúp loại bỏ các loại vi sinh vật ký sinh ngay từ giai đoạn đầu, do đó sẽ hạn chế được sự phát triển của các loài sâu bệnh hại ở các giai đoạn sau đó. Từ đó có thể giảm lượng thuốc hóa học sử dụng, giảm chi phí cho nền nông nghiệp sạch.
6. Sử dụng giống cây trồng sạch và kháng sâu bệnh hại là biện pháp quan trọng trong hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp IPM. Đây là một trong những biện pháp quan trọng nhất và đôi khi là duy nhất để phòng chống sự phát sinh phát triển của sâu bệnh hại. Các đối tượng dịch hại thường không thể hoặc có thể gây bệnh ở mức độ nhẹ, yếu trên các giống kháng.