Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Bác say mê ngắm trăng qua cửa sổ. Bốn bức tường xà lim chật hẹp không ngăn nổi cảm xúc mênh mông. Bác thả hồn theo ánh trăng và gửi gắm vào đó khát vọng tự do cháy bỏng. Dường như thi sĩ muốn nhắn gửi đến trăng lời thì thầm tâm sự: Trăng ơi, trăng có hiểu lòng ta yêu trăng đến độ nào?.
Sự thổ lộ, giãi bày chân thành tự trong sâu thẳm hồn người đã được trăng cảm động và chia sẻ. Vầng trăng lung linh bỗng chốc biến thành bạn tri âm, tri kỉ:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
Vầng trăng đã vượt qua song sắt để ngắm nhà thơ (khán thi gia) trong tù. Vậy là cả người và trăng đều chủ động tìm đến nhau. Nghệ thuật nhân hóa cho thấy thi sĩ tù nhân và vầng trăng tự do đã trở nên gắn bó thân thiết tự bao giờ.
Cả bài thơ không có một âm thanh nào dù là nhỏ. Không gian tĩnh lặng tuyệt đối tôn lên cái sâu thẳm của hồn người và hồn tạo vật. Người ngắm trăng, trăng ngắm người trong lặng lẽ, không nói mà nói bao điều.
Hai câu thơ còn cho thấy sức mạnh tinh thần kì diệu của người tù thi sĩ ấy. Trong này là nhà lao đen tối, là hiện thực tàn bạo, còn ngoài kia là vầng trăng thơ mộng, là thế giới của tự do, của vẻ đẹp lãng mạn làm say đắm lòng người. Giữa hai đối cực đó là song sắt nhà tù, nhưng song sắt nhà tù cũng bất lực trước khát vọng và rung cảm tinh tế của hồn thơ.
Hai câu thơ chữ Hán trong nguyên tác thể hiện đầy đủ hơn mối giao hòa đặc biệt giữa người tù thi sĩ với vầng trăng. Lối đối rất chỉnh đã làm nổi bật tình cảm mãnh liệt của cả người và trăng. Giữa nhân và nguyệt dẫu có song sắt nhà tù chắn giữa nhưng con người đã để tâm hồn bay bổng vượt ra ngoài không gian chật hẹp, tù hãm để ngắm trăng sáng (Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt), tức là để bầu bạn. với vầng trăng đang tự do tỏa mộng giữa trời. Trăng dường như cũng hiểu lòng người và nhiệt thành đền đáp lại: Trăng nhòm khe của ngắm nhà thơ (Nguyệt tòng song khích khán thi gia).
Bài thơ Ngắm trăng vừa thể hiện tình cảm yêu mến thiên nhiên tha thiết của thi sĩ Hồ Chí Minh, vừa cho thấy sức mạnh tinh thần to lớn của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại. Đằng sau những câu thơ đậm đà phong vị cổ điển ấy là một tinh thần thép, biểu hiện ở khát vọng tự do, ở phong thái ung dung, vượt hẳn lên sự đè nén, áp bức nặng nề tàn bạo chốn lao tù.
Qua bài thơ, người đọc cảm thấy người tù cách mạng dường như bất chấp cả song sắt can ngăn, không chút bận tâm về những cùm xích, đói rét, muỗi rệp, ghẻ lở,… của chế độ nhà tù khủng khiếp để tâm hồn bay bổng tìm đến với vầng trăng thân thiết.
Ánh sáng ngời ngời của vầng trăng đã đẩy lùi bóng tối ngột ngạt, u ám của nhà tù. Giữa Bác và trăng – nhà thơ tự do và thiên nhiên vĩnh cửu – có một mối giao hòa thiêng liêng, khó tả. Cũng như bao lần khác, trong hoàn cảnh gian nan, Bác vẫn hướng cái nhìn vào vầng trăng, như hướng tới Cái Đẹp của cuộc đời.
Bài thơ Ngắm trăng là một dẫn chứng sinh động chứng minh cho hai câu thơ mà Hồ Chí Minh viết ngoài bìa tập Nhật ký trong tù: Thân thể ở trong lao, Tình thần ở ngoài lao. Giữa bao bài thơ trăng của Bác, bài Ngắm trăng có vẻ đẹp giản dị và khác lạ. Bốn câu, hai mươi tám chữ, ngắn gọn mà hàm chứa ý nghĩa tuyệt vời sâu sắc về tâm hồn, đạo đức, phẩm giá và phong cách của một Con Người chân chính: Hồ Chí Minh.