Winston Churchill đã từng nói: “Thành công không phải là cuối cùng, thất bại không phải là chấm hết: lòng can đảm đi tiếp mới quan trọng”. Thất bại là mẹ của thành công. Chính nhờ lòng dũng cảm, con người mới có đủ sức mạnh để đương đầu với gian lao, thử thách, vượt qua thất bại để đạt đến thành công.
Lòng dũng cảm là không sợ khó khăn, vất vả, sẵn sàng đối đặt với hiểm nguy để thực hiện một công việc nhằm đạt đến một mục đích nào đó. Đối nghịch với lòng dũng cảm là sự hèn nhát. Nếu dũng cảm làm cho con người trở nên mạnh mẽ và cao quý hơn thì sự hèn nhát sẽ làm cho ta trở nên yếu đuối và thấp kém hơn.
Người có lòng dũng cảm thường chọn cách đối mặt với gian khó thay vì chạy trốn. Có thể, cách ta chọn sẽ gặp nhiều rủi ro nhưng cái đích cuối cùng là đầy vinh quang. Dũng cảm cũng có lúc chính là biết tự nhận và sửa lỗi như Bác Hồ đã dạy: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Chính Bác là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, sự cương trực và ý chí vượt khó phi thường. Sinh ra gặp lúc nước mất nhà tan, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm ấp ủ khát vọng tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc thay vì an phận thủ thường, chấp nhận kiếp sống nô lệ. Một ngày vào băm 1911, tại bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước ấy đã lên tàu viễn dương với đôi bàn tay trắng dũng cảm bôn ba khắp bốn bể năm châu.
Trong cuộc chiến chống kẻ thù, có biết bao anh hùng đã không tiếc thân mình dũng cảm chiến đấu, hi sinh để bảo vệ quê hương, bảo vệ đồng chí đồng đội. Chị Võ Thị Sáu dù bị giặc giam cầm, tra tấn dã man nhưng nhất quyết giữ vững ý chí chiến đấu. Khiếp sợ trước bản lĩnh của người nữ anh hùng, chúng đã bí mật sát hại chị.
Anh Nguyễn Văn Trỗi khi đối diện với họng súng của kẻ thù, vẫn bình tĩnh hô vang tên tổ quốc, hô vang tên Hồ chủ tịch với niềm tin chiến thắng. Anh Tô Vĩnh Diện lấy thân mình lấp lỗ châu mai hay Lê Văn Tám tự biến thân mình thành ngọn đuốc sống đốt sạch kho đạn của giặc …
Ngày nay, nhân dân ta cũng sống rất anh hùng. Nhiều người vẫn còn nhắc đến câu chuyện một thanh niên nhảy xuống sông Sài Gòn cứu một cố gái thoát dù anh không hề quen biết. Một cậu bé Truyền lao mình xuống dòng nước dữ cứu 11 mạng người thoát khỏi chết đuối. Những hiệp sĩ đường phố tại Sài Gòn, Bình Dương ngày đêm không quản ngại gian lao, đối đầu với trộm cướp để bảo vệ người dân lành.
Tất cả những con người ấy tuy khác nhau ở hành động nhưng đều giống nhau ở lòng dũng cảm phi thường. Họ xứng đáng được ngợi ca là những anh hùng của thời đại, vì nghĩa lớn mà không tiếc thân mình.
Dũng cảm là một năng lực được rèn luyện chứ không sẵn có. Muốn có lòng dũng cảm, trước hết phải kiên định ý chí, kiên định mục tiêu, giữ vững lập trường trong mọi hoàn cảnh hướng đến bảo vệ sự công bằng, bảo vệ lẽ phải. Ai hành động vì điều tốt đẹp cũng đều trở nên dũng cảm.
Sẵn sàng hành động, không bao giờ dựa dẫm hay ỷ lại người khác, tự lực vươn lên chiến thắng khó khăn, thử thách, không đầu hành hay lùi bước. Người dũng cảm sẽ không bao giờ than vãn hay so đo tính toán, họ lấy kết quả cuối cùng cần đạt đến làm mục tiêu phấn đấu và quyết liệt hành động cho đến khi thành công. Người dũng cảm luôn sẵn sàng đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, cái bất công, bảo vệ lẽ phải, người yếu đuối, bất hạnh.
Học sinh hãy bắt đầu rèn luyện lòng dũng cảm trong những việc nhỏ nhất như hình thành thói quen tốt hàng ngày, học tập tích cực, tuân thủ giờ giấc, làm việc có kế hoạch, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, cộng đồng, chống lại thói xấu, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường. Nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi học sinh là học tập tiến bộ. Bởi thế, hãy dũng cảm trong học tập, năng động và sáng tạo để đạt kết quả cao nhất.
Tuy nhiên, dũng cảm không có nghĩa là cố chấp, hành động mù quáng, liều lĩnh, không phân biệt phải trái mà phải xuất phát từ trí tuệ sáng suốt, lý tưởng cao đẹp, hành động vì sự công bằng, lẽ phải, tạo nên những điều tốt đẹp cho mình và cho người khác, góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Bên cạnh những tấm gương dũng cảm ấy, ta gặp không ít những người quá hèn nhát, vô tâm, vô cảm trước nghịch cảnh hay khó khăn hoạn nạn của người khác. Nhiều người thấy một vụ cướp mà vẫn bình chân như vại, biết kẻ tham những, làm việc xấu gây tổn hại cho tập thể và đất nước mà không dám tố cáo. Chỉ vì muốn yên ổn bản thân mà họ đã bỏ mặc người khác trong khó khăn hoạn nạn một cách nhẫn nhẫn tâm. Những người như thế thật đáng chê trách và lên án.
Dũng cảm là đức tính cần có ở mỗi con người. Là học sinh, chúng ta cần phải tránh xa thái độ sống tiêu cực, hình thành ở mình lối sống tốt đẹp, cao thượng và văn minh. Hãy sống dũng cảm nó là nguồn động lực lớn nhất tạo nên sức mạnh chinh phục và chiến thắng cho mỗi chúng ta trong cuộc sống này.
Không có việc gì dễ làm mà mang lại lợi ích lớn. Không có lòng dũng cảm cũng sẽ không thể có thành công. Cuộc sống luôn sẵn bày những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua. “Lòng can đảm dẫn đến sự sống, sự thất bại dẫn đến cái chết” (Sénèque). Bởi thế, hoặc là sớm đầu hàng, cam chịu cuộc sống nhỏ bé, hoặc là dũng cảm vượt lên để đi tiếp đến thành công. Cuộc đời sẽ như thế nào là do chính mỗi chúng ta quyết định chứ không không phải ai khác.