Đề cao cái đẹp, hướng con người tới những giá trị nhân văn cao quý là sứ mệnh thiêng liêng của những tác phẩm văn chương đích thực. Xuyên suốt Chữ người tử tù, người ta thấy sự hiện diện của cái đẹp để thức tỉnh con người. Khí phách, nhân cách và sự tài hoa của Huấn Cao đã làm viên quản ngục thức tỉnh, ý thức rõ hơn về cái thân phận bị cầm tù trong cái lồng cũi của tội ác, cường quyền đầy hỗn loạn, xô bồ. Không những thế, nó còn giúp ông có thêm dũng khí để chọn lựa bước đường lương thiện tiếp theo. Nhưng nếu chỉ thấy được sự tác động một chiều từ Huấn Cao tới viên quản ngục thì đó quả thực là một thiếu sót lớn. Thế giới nhân vật được xây dựng bởi bàn tay tài hoa của nhà văn họ Nguyễn không phải sinh ra để nói những điều đơn giản. Nếu Huấn Cao là ngôi sao chính vị đang muốn từ biệt vũ trụ thì viên quản ngục và thậm chí là cả thầy thơ lại cũng là những ngôi sao sáng cùng châu tuần và nâng đỡ cho ngôi sao chính vị ấy. Những ngôi sao ấy cùng tỏa sáng và cùng soi sáng cho nhau để làm rực rỡ lên cho cái đêm tối tăm ở trại tù tỉnh Sơn. Tấm lòng biệt nhỡn liên tài, biết giá người, biết trọng người ngay và sở thích cao quý hướng về cái đẹp của viên quản ngục quả thực đã làm cho Huấn Cao thức tỉnh và thực sự xúc động. Sự chân thành của một tấm lòng đã đánh thức một tấm lòng khác. Vật chất, uy quyền hoàn toàn trở nên vô nghĩa, vô giá trị, chỉ còn lại tấm lòng và vẻ đẹp của nghệ thuật, của tình người lên ngôi. Trong cái đêm tối tăm ở trại tù tỉnh Sơn, vào đúng cái khoảnh khắc cuối cùng của một đời người ngang dọc, Huấn Cao hiên ngang cho chữ lồng lộng giữa trời đêm trong ánh sáng rực rỡ của bó đuốc tẩm dầu. Cả ba con người cùng chụm vào nhau, hồi hộp đón nhận khoảnh khắc cái đẹp sinh thành. Cường quyền, địa vị đã hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại nơi đây cuộc gặp gỡ của những tấm lòng trong thiên hạ. Cái đẹp của nghệ thuật đã rút ngắn khoảng cách xa vời vợi trước đó để đưa Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại xích lại gần nhau, hòa điệu để thực sự trở thành những kẻ tri âm, tri kỉ. Quả thực, vẻ đẹp của những con chữ vuông, tươi tắn, nói lên cái hoài bão tung hoành của một đời con người đã đánh thức thiên lương, thức dậy cái khát vọng được sống trong sạch để theo đuổi thú chơi chữ ở viên quản ngục. Và cũng chính tấm lòng của ông đã lại thức tỉnh ở Huấn Cao niềm trân quý những con người biết trân trọng, say mê và giữ gìn cái đẹp trong vốn văn hóa cổ truyền của cha ông. Dòng chữ cuối cùng của ông Huấn chính là của một kẻ tri âm trao lại cho một người tri kỉ. Nó nhắc nhở viên quản ngục hãy đi tiếp con đường gìn giữ vốn quý ông cha. Và như vậy, cái đẹp thực sự đã có sức mạnh ghê gớm thức tỉnh những khao khát, ước mơ, đánh thức khát vọng, tấm lòng và quan trọng hơn nó giúp cho con người có thêm sức mạnh, có đủ dũng khí để thay đổi hoàn cảnh sống, vươn tới một cuộc sống tốt đẹp và lương thiện hơn. Cái đẹp quả thực đã góp phần níu giữ những giá trị tốt đẹp nhất của mỗi con người, hối thúc con người ta vươn tới cái cao cả, cái thánh thiện, cái chân – thiện – mĩ và những giá trị tinh thần cao quý!