Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Biển là cái nôi của sự sống, là nhân tố hết sức quan trọng đảm bảo tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức về biển và phát triển bền vững kinh tế biển trên thế giới ngày càng rõ ràng hơn với nhiều chuyển biến tích cực qua thời gian.
Ngày nay, biển và kinh tế biển ngày càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trong vấn đề an ninh quốc gia. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng và lợi thế về biển, cứ mỗi 100 km2 diện tích lãnh thổ, Việt Nam có gần 1km chiều dài bờ biển, chỉ số này gấp 6 lần chỉ số trung bình toàn cầu. Đây là chỉ số thuộc loại cao hàng đầu của thế giới, góp phần khẳng định Việt Nam thực sự là quốc gia biển và có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển.
Phát triển kinh tế biển ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra
Trong những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình phát triển ẩn chứa không ít nguy cơ và thách thức như gây tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa đang trở thành vấn đề cấp bách.
Đáng lo ngại, các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển ngày càng suy giảm. Một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức. Công tác ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, biển xâm thực còn nhiều hạn chế, chưa hình thành được văn hóa sinh thái biển với sự tham gia rộng rãi của cộng đồng.
Đặc biệt, nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, ngành, địa phương ven biển và người dân chưa đầy đủ, quy mô kinh tế còn nhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng. Cơ cấu các ngành nghề trong các lĩnh vực kinh tế biển chưa hợp lý, chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế.
Các cảng biển, khu kinh tế, sân bay ven biển còn nhỏ bé, chưa hình thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn. Phương tiện, thiết bị nghiên cứu khoa học biển và hệ thống các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu thực tế. Các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở ven biển còn nhỏ, trang thiết bị thô sơ, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Tình hình khai thác tài nguyên biển chưa đạt hiệu quả cao và thiếu bền vững do ý thức chấp hành của ngư dân còn yếu kém dẫn tới việc khai thác tự phát, không tuân thủ quy hoạch biển đảo còn diễn ra khá phổ biến.
Hệ sinh thái môi trường biển bị ô nhiễm và biến đổi theo chiều hướng xấu. Qua thực tế tại các vùng phát triển kinh tế biển cho thấy, ngày càng có nhiều chất thải chưa qua xử lý từ các lưu vực sông đổ ra biển. Một số khu vực ven bờ bị ô nhiễm, hiện tượng thủy triều đỏ xuất hiện với cường độ ngày càng nhiều hơn trên quy mô rộng.
Kinh tế biển: Động lực tăng trưởng giai đoạn mới
Trong giai đoạn hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng, làm chậm tốc độ phát triển nhưng kinh tế biển vẫn là một động lực tăng trưởng mới, là cơ hội để Việt Nam bứt phá vươn lên.
Để có thể nắm bắt được cơ hội này, các địa phương ven biển cần phải phát triển kinh tế biển trên quan điểm gắn với phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, tận dụng được các thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ tư và phải tính đến các yếu tố tác động do dịch COVID-19.
Các địa phương, các ngành cần tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế biển và vùng ven biển. Cần có nhận thức thống nhất tạo nên sức mạnh tổng hợp trong toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị về phát triển kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển với đảm bảo chủ quyền biển, hải đảo.
Đại dịch COVID-19 đã và đang thay đổi thói quen, hành vi của người dân và cả cách thức các ngành kinh tế vận hành và phát triển. Kinh tế biển thời hậu đại dịch cũng sẽ có những thay đổi mới, trong đó đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường là xu thế chính.
Việc sử dụng năng lượng trong hoạt động biển, hoạt động hàng hải cũng hướng đến xanh hơn, giảm phát thải khí CO2. Năng lượng tái tạo như điện gió, điện khí, điện thuỷ triều, điện mặt trời nổi trên biển sẽ là lĩnh vực được quan tâm đầu tư trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao về năng lượng cũng như giải quyết được các vấn đề về bền vững.
Ngành du lịch cũng sẽ có sự thay đổi hướng đến sự bền vững, thân thiện với môi trường. Nước ta phải nắm bắt được những xu thế phát triển chính này để có được giải pháp phát triển, từng ngành cụ thể một cách phù hợp.
Ngoài ra, cần có những chính sách để tập trung thu hút, khuyến khích các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển các ngành kinh tế biển phát triển mạnh sau đại dịch như năng lượng tái tạo, nuôi biển, nuôi trồng thuỷ hải sản quy mô công nghiệp, du lịch biển.
Đối với ngành năng lượng tái tạo, với nhu cầu năng lượng tăng cao trong nước, năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời nổi) chính là giải pháp để đảm bảo nguồn cung năng lượng cũng như bảo vệ môi trường.
Trong đầu tư, chú ý sự hài hoà giữa phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh. Các công trình dự án phục vụ phát triển kinh tế biển phải thực sự được thực hiện trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Cùng với đó, tận dụng việc hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, bối cảnh chiến tranh thương mại giữa các quốc gia để thu hút các doanh nghiệp, các nguồn vốn quốc tế vào tham gia đầu tư, phát triển tỉnh, đặc biệt là trong các lĩnh vực có trình độ khoa học và công nghệ cao như sản xuất công nghiệp, chế biến thuỷ hải sản, hàng hải.
Hiện nay, một số doanh nghiệp công nghệ cao đang có xu hướng dịch chuyển một phần sản xuất ra khỏi khu vực truyền thống để tìm kiếm các địa điểm thuận lợi hơn. Đây chính là cơ hội cho các khu công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp ven biển tận dụng lợi thế về cảng biển, sân bay để thu hút các doanh nghiệp.
Để phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế biển xanh là một lựa chọn đúng đắn. Tuy nhiên, các hoạt động phát triển kinh tế biển cần chuyển từ khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế biển xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển nhằm giảm các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |