– Về nội dung:
Đoạn thơ là những hồi ức sinh động của nhân vật trữ tình về một “Thời nắng xanh”- thời thơ ấu hồn nhiên, trong trẻo. Đó là một tuổi thơ:
+ Gắn liền với bà, do đó, “Nắng trong mắt những ngày thơ bé/ Cũng xanh mơn như thể lá trầu”.
+ Hình ảnh người bà: gắn với thói quen ăn trầu dân dã, cổ truyền (Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau/Chở sớm chiều tóm tém), gương mặt bà trong ráng chiều (Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm), sự tần tảo đồng áng (Bóng bà đổ xuống đất đai)… Cuộc đời vất vả dãi dầu nhưng chính sự tần tảo của bà đã đem lại cho cháu một không gian bình yên để mơ mộng, để lớn lên. Bà đã trở thành một miền hoài niệm. Bà gắn với những gì đẹp đẽ nhất, trong trẻo nhất, làm nên “thời xanh nắng” của cháu.
+ Gắn với bà là hình ảnh quê hương: Một quê hương nghèo khó nhưng thanh bình: Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài, một vùng quê thuần nông với châu chấu, cào cào, rau má, rau sam… Sự gắn bó hòa quyện sâu sắc đến mức người cháu không thể nhận ra bà hay chính là quê hương, không thể hình dung ra tuổi thơ nếu không có bà và hình bóng quê hương.
+ Gắn với những trò chơi tinh nghịch, dân dã (rủ châu chấu, cào cào về cháu bắt), gắn với những món ăn đơn sơ mà như đã trở thành cao lương mĩ vị khi cháu hồi tưởng lại (Rủ rau má, rau sam/Vào bát canh ngọt mát/Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình).
=> Qua những hồi ức về tuổi thơ của nhân vật trữ tình, ta nhận ra vẻ đẹp của bà: truyền thống, tần tảo, luôn bao bọc chở che để cháu có một tuổi thơ hồn nhiên theo đúng nghĩa. Đồng thời, ta còn nhận ra vẻ đẹp tâm hồn nhân vật trữ tình: nhạy cảm, tinh tế, giàu tình yêu thương.
– Về nghệ thuật:
Một trong những điều làm nên nét đặc sắc nhất của đoạn thơ nói riêng, bài thơ nói chung, ấy chính là tác giả đã tạo dựng được một “bầu khí quyển” dân dã, đượm sắc màu cổ tích qua những hình ảnh đẹp, đầy sáng tạo. VD: Hình ảnh Xanh mơn: màu xanh mơn man rười rượi, nắng xanh mơn: cái nắng được lọc qua hồi ức về một người bà luôn tóm tém nhai trầu, vì thế mà nó càng trở nên lung linh, huyền thoại.
Thơ Trương Nam Hương giàu hình ảnh, các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, điệp, lối nói lạ hóa làm nên sức hấp dẫn cho đoạn thơ.
– Đánh giá chung:
Những câu thơ của Trương Nam Hương đã cho ta “một vé đi tuổi thơ”, khơi gợi trong tâm hồn ta tình yêu với quê hương, với người thân, biết trân trọng quá khứ, nguồn cội, trân trọng những kỉ niệm tuổi thơ. Đó là những tình cảm thường trực trong tâm hồn mỗi người song phải có những câu thơ hay mới đủ sức lay động trái tim