Trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân đã diễn tả tâm trạng đau khổ, dằn vặt của nhân vật ông Hai khi biết “cái cơ sự này”. Tình huống ấy là khi ông nghe được tin làng chợ Dầu theo giặc từ miệng những người tản cư dưới xuôi lên. Tin dữ đến quá đột ngột như sét đánh ngang tai khiến ông ngạc nhiên, đau đớn tới mức “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rân rân tưởng như không thở được”. Dường như ông Hai vẫn còn nghi ngờ nên đã hỏi lại người đàn bà tản cư rằng tin ấy có đúng không và khi người ta kể quá rành rọt, không tin không được, ông xấu hổ ra về, cúi gằm mặt xuống mà đi trong đau khổ. Về đến nhà, ông lão nằm vật ra giường. Nhìn lũ trẻ, nước mắt ông cứ giàn ra. Ông xót xa, buồn khổ khi nghĩ đến thân phận của các con bằng những lời độc thoại nội tâm: “Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt gian đấy ư ?Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư ?”Càng nghĩ, ông càng căm giận lũ người theo giặc, làm Việt gian phản bội đất nước, quay lưng lại với cuộc kháng chiến của cả dân tộc. Lời độc thoại của ông Hai đã bộc lộ rõ niềm căm giận đó: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước đến nhục nhã thế này !”. Nhưng ông lại nghi ngờ rằng người trong làng đều là người tốt, vậy hà cớ gì khiến cho người làng Dầu thay đổi như thế này ? Suốt mấy ngày hôm sau, ông không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn ở nhà để nghe ngóng tin tức. Ông lo sợ, tưởng rằng người ta đáng để ý, bàn tán đến chuyện làng ông. Khi mụ chủ nhà biết chuyện, muốn đuổi khéo gia đình ông đi, ông Hai rơi vào bế tắc. Đối với ông, ông không thể về làng vì về làng là bỏ kháng chiến nhưng cũng không còn nơi nào muốn chứa chấp người làng Việt gian. Cuối cùng ông đã chọn ở lại ủng hộ kháng chiến bằng một quyết định dứt khoát: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây là phải thù”. Trong tâm trạng dồn nén, ông Hai chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào những lời tâm sự với đứa con út. Và khi nghe được lời ùng hộ cụ Hồ muôn năm của con, ông vô cùng hạnh phúc và sung sướng khi một đứa trẻ con còn có lòng yêu nước nồng nàn đến thế. Qua đó, ta thấy được nghệ thuật xây dựng tình huống truyện gay cấn cùng nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc đã nhấn mạnh lòng yêu nước, yêu kháng chiến sâu sắc của ông Hai nói riêng và của toàn bộ những người nông dân trong thời kì chống Pháp nói chung.