“Bơi càng lên mặt ao thấy càng nóng, cá Chuối mẹ bơi mãi, cố tìm hướng vào bờ. Mặt ao sủi bọt, nổi lên từng đám rêu. Rất khó nhận ra phương hướng. Chuối mẹ phải vừa bơi vừa nghếch lên mặt nước để tìm hướng khóm tre, trời bức bối ngột ngạt. Lắm lúc, Chuối mẹ muốn lặn ngay xuống đáy cho mát, nhưng nghĩ đến đàn con đang đói, chờ ở vùng nước đằng kia, Chuối mẹ lại cố bơi. Khóm tre bên bờ đã gần đây rồi. Khi tới thật gần, Chuối mẹ chỉ còn trông thấy gốc tre, không thấy ngọn tre đâu. Chuối mẹ bơi sát mép nước rồi rạch lên chân khóm tre. Tìm một chỗ mà Chuối mẹ đoán chắc là có tổ kiến gần đó. Chuối mẹ giả vờ chết, nằm im không động đậy. Trời nóng hầm hầm. Hơi nước lá ải cùng với mùi tanh trên mình Chuối mẹ bốc ra làm bọn kiến lửa gần đó thèm thuồng. Bọn chúng thi nhau đi kiếm mồi. Vừa bò loằng ngoằng vừa dò dẫm về phía có mùi tanh cá.
Đầu tiên Chuối mẹ cảm thấy buồn buồn ở khắp mình, sau đó đau nhói trên da thịt. Biết kiến kéo đến đã đông, Chuối mẹ liền lấy đuôi quẩy mạnh, rồi nhảy tũm xuống nước. Bọn kiến không kịp chạy, nổi lềnh bềnh trên mặt ao. Đàn Chuối con ùa lại tranh nhau đớp tới tấp. Thế là đàn Chuối con được mẻ no nê. Chuối mẹ bơi quanh nhìn đàn con đớp mồi, vui quá nên quên cả những chỗ đau bị kiến đốt.”
(Trích “Mẹ con cá Chuối”, Xuân Quỳnh, Tuyển tập các tác phẩm chọn lọc Xuân Quỳnh, NXB Văn học, 2002, tr. 199)
Lựa chọn đáp án đúng và trả lời các câu hỏi:
Câu 1. Trong đoạn trích trên, ai là người kể chuyện?
A. Cá chuối mẹ B. Cá chuối con
C. Bọn kiến lửa D. Người kể giấu mình đi
Câu 2. Nhân vật chính trong đoạn trích trên là:
A. Cá Chuối mẹ B. Đàn Chuối con
C. Bọn kiến lửa D. Chiếc lá ải
Câu 3. Chỉ ra từ láy trong câu văn sau: “Bọn kiến không kịp chạy, nổi lềnh bềnh trên mặt ao”
A. Không kịp B. Lềnh bềnh C. Bọn kiến D. Mặt ao
Câu 4. Khi thấy đàn kiến đến đông, cá Chuối mẹ có hành động gì?
A. Chuối mẹ quẫy đuôi để đuổi đàn kiến đi
B. Chuối mẹ bơi sát mép nước rồi rạch lên chân khóm tre
C. Chuối mẹ cho đàn kiến cắn mình
D. Chuối mẹ quẫy đuôi quẩy mạnh, rồi nhảy tũm xuống nước
Câu 5. Cá chuối mẹ tìm cách vào bờ, rạch lên chân khóm tre để làm gì?
A. Để tránh cái nóng ngột ngạt, bức bối
B. Để tìm chỗ mà cá chuối mẹ nghĩ là có tổ kiến gần đó
C. Để tìm chỗ mạt cho các con nghỉ ngơi
D. Để tìm cách kiếm mồi cho các con ăn
Câu 6. Vì sao khi cá Chuối mẹ nhìn đàn con đớp mồi, lại quên cả những chỗ đau vì bị kiến đốt?
A. Vì những chỗ đau bị kiến đốt không còn đau nữa nên cá Chuối mẹ quên không nhớ nữa
B. Vì cá Chuối mẹ hạnh phúc nên quên cả những chỗ đau bị kiến đốt
C. Vì cá Chuối mẹ lo đàn con không đủ ăn nên quên cả những chỗ đau bị kiến đốt
D. Vì cá Chuối mẹ lo đàn con giành nhau mồi nên quên những chỗ đau bị kiến đốt
Câu 7. Nghĩa của từ “tới tấp” trong câu “Đàn Chuối con ùa lại tranh nhau đớp tới tấp.” là gì?
A. Nhanh, gọn gàng, mau lẹ
B. không ngớt, nhanh, không chịu dừng lại
C. Liên tiếp, dồn dập, cái này chưa xong cái khác đã đến
D. Chậm chạp, thong thả, từ tốn.
Câu 8. Chủ đề của câu chuyện này là gì?
A. Giới thiệu cách kiếm mồi của cá chuối
B. Giới thiệu cách nuôi con của loài vật
C. Ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng của muôn loài
D. Ca ngợi hạnh phúc bình dị của đàn cá chuối con
Câu 9. Hãy nêu suy nghĩ của em về hành động của cá Chuối mẹ trong đoạn trích trên?
Câu 10. Theo em, con cái cần làm gì để xứng đáng với những gì mà mẹ cha đã dành cho chúng ta?
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |