Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Trình bày hiểu biết của em về ảnh hưởng của dịch covid-19 đối việc lao động và việc làm



trình bày hiểu biết của em về ảnh hưởng của dịch covid-19 đối việc lao động và việc làm


 
1 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
52
0
0
Trần Manchester ...
02/01/2023 20:59:14
+5đ tặng

Bối cảnh chung

Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới tháng 01/2022 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định biến thể Omicron đang là một trở ngại đối với nền kinh tế toàn cầu năm 2022, khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, đặc biệt ở hai nền kinh tế lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc. IMF đánh giá kinh tế toàn cầu bước vào năm 2022 với vị thế yếu hơn dự kiến trước đó, khi sự xuất hiện của biến thể Omicron vào cuối tháng 11/2021 đe dọa làm chậm quá trình phục hồi kinh tế. Tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 xuống 4,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 10/2021.

Trong lĩnh vực lao động việc làm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO)[1] cho rằng khả năng phục hồi của thị trường lao động năm 2022 chậm và không chắc chắn do đại dịch sẽ tiếp tục tác động đáng kể đến thị trường lao động toàn cầu. ILO đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động năm 2022, với mức thâm hụt thời gian làm việc toàn cầu trong năm 2022 so với Quý IV/2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian. Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì ở mức cao hơn trước đại dịch Covid-19 ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, so với 186 triệu năm 2019. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.

Trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung xây dựng kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cùng với đó, sự ủng hộ của Nhân dân cả nước và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ đã phát huy tác động, hiệu quả, tạo động lực khôi phục và phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Kinh tế – xã hội 3 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Nhờ vậy, các hoạt động kinh tế – xã hội trong 3 tháng đầu năm 2022 của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%. Thị trường lao động việc làm của Việt Nam quý I năm 2022 đã dần phục hồi trở lại cùng nền kinh tế thích ứng linh hoạt. Lực lượng lao động, số người có việc làm quý I năm 2022 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt lao động trong ngành dịch vụ tăng đáng kể so với quý trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đều giảm so với quý trước.

2. Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm

Nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động Việt Nam. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh.

Trong quý I năm 2022, mặc dù cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người). Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Trong tổng số hơn 16,9 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch, có 0,9 triệu người bị mất việc, chiếm 1,2%; 5,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 6,7%; 5,7 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 7,6% và 13,7 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 18,3%. Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ vẫn là hai vùng có tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng nhiều hơn so với các vùng khác. Số lao động ở 2 vùng này cho biết công việc của họ bị ảnh hưởng do đại dịch chiếm lần lượt là 25,7% và 23,9%; cao hơn đáng kể so với con số này ở vùng Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tương ứng là 18,8% và 14,4%. Thành thị vẫn là khu vực có số lao động chịu thiệt hại nhiều hơn nông thôn. Có 25,8% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng tiêu cực, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 20,5%. Đa phần những người có công việc bị tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong thời gian qua có độ tuổi khá trẻ, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,8%.

 

Trong quý I năm 2022, lực lượng lao động tiếp tục phục hồi ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 trong cả nước không ngừng gia tăng

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý I năm 2022 là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,2 triệu, lực lượng lao động nam tăng nhiều hơn so với lực lượng lao động nữ (0,3 triệu lao động của nam so với gần 0,2 triệu lao động của nữ).

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý I năm 2022 là 68,1%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước. Đông Nam Bộ là vùng tăng mạnh nhất, với 2,1 điểm phần trăm; tiếp theo đó là Đồng bằng sông Cửu Long; với 0,9 điểm phần trăm.

 

Mặc dù số người từ 15 tuổi có việc làm trong Quý I năm 2022 vẫn còn thấp hơn cùng kỳ năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 mới bắt đầu xuất hiện, nhưng đã tăng mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động đang dần có những khởi sắc đáng ghi nhận.

Quý I năm 2022, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50,0 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với quý trước và tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Trong 6 vùng kinh tế – xã hội, các khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên là 3 vùng có nhiều khởi sắc nhất. Lao động có việc làm của vùng Đông Nam Bộ là gần 10,1 triệu người, tăng 710,7 nghìn người so với quý trước và tăng 28,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với 9,2 triệu lao động, tăng 369,8 nghìn người so với quý trước và tăng 9,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; Tây Nguyên với gần 3,6 triệu lao động, tăng 94,1 nghìn người so với quý trước và tăng 203,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

 

Nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP cùng với các chính sách nới lỏng giãn cách xã hội và hoàn thành tiêm vắc xin trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã tạo điều kiện cho thị trường lao động dần đạt được mức tăng trưởng của thời kỳ trước khi chưa xuất hiện đại dịch. Một số ngành thuộc khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá, như ngành bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, tăng gần 399,5 nghìn người (tăng 5,8%) so với quý trước; dịch vụ lưu trú và ăn uống, tăng 268,8 nghìn người (tăng 11,2%); vận tải kho bãi tăng 158,6 nghìn người (tăng 9,0%); giáo dục đào tạo, tăng 160,3 nghìn người (tăng 9,3%); hoạt động dịch vụ khác, tăng 104,6 nghìn người (tăng 11,0%). Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản không còn đóng vai trò là bệ đỡ của thị trường lao động nữa khi các ngành phi nông nghiệp phục hồi trở lại, trong quý I năm 2022 số lao động của ngành này là 13,9 triệu người, giảm 426,8 nghìn người so với quý trước (giảm gần 3%) và giảm 192,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước (giảm 1,4%).

Lao động có việc làm ghi nhận mức tăng ở cả khối doanh nghiệp và cơ sở xuất kinh doanh cá thể

Mặc dù trải qua một năm 2021 đầy khó khăn và thách thức dưới sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng do chủ động thực hiện các biện pháp thích ứng linh hoạt của Chính phủ trong những tháng cuối năm vừa qua nên thị trường lao động đã từng bước quay trở lại trạng thái bình thường, số lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và trong các doanh nghiệp tăng đáng kể trong quý IV năm 2021, tương ứng đạt 16,2 triệu người và 12,7 triệu người, tăng 1,3 triệu người và tăng 667,4 nghìn người so với quý III năm 2021. Tốc độ phục hồi của lao động trong các đơn vị sản xuất kinh doanh này tiếp tục được ghi nhận trong quý I năm 2022 với mức 16,8 triệu người và 13,3 triệu người, tương ứng tăng 533,4 nghìn người và tăng 521,5 nghìn người so với quý IV năm 2021 và tăng 1,8 triệu người và tăng 1,2 triệu người so với thời điểm đỉnh dịch năm trước (quý III năm 2021). Cơ sở kinh doanh cá thể là khu vực thu hút nhiều lao động quay trở lại làm việc nhiều nhất, số lao động tăng lên trong khu vực này chiếm tỷ trọng 55,4% số lao động tăng thêm trong kỳ.

 

So với quý trước, số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng chủ yếu ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thị trường lao động phục hồi nhanh nhưng chưa thực sự bền vững[2].

Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp)[3] trong quý I năm 2022 là 33,4 triệu người, tăng 97,5 nghìn người so với quý trước và giảm 992,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chung quý I năm 2022 là 66,7%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 2,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Số người có việc làm phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 21,4 triệu người, tăng 2,0 triệu người so với quý trước và tăng 695,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, tốc độ tăng lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản cao hơn so với tốc độ tăng của lao động chính thức gần 5 điểm phần trăm, điều này cho thấy thị trường lao động phục hồi chưa thực sự bền vững.

Tình trạng thiếu việc làm đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt ở khu vực dịch vụ. Tỷ lệ thiếu việc làm giảm mạnh và đang dần trở lại trạng thái như đã quan sát được ở thời kỳ trước khi đại dịch xảy ra.

Nghị quyết số 68/NQ-CP, Nghị quyết số 126/NQ-CP triển khai kịp thời đã hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh cho người sử dụng lao động, đảm bảo phục hồi, duy trì việc làm cho người lao động. Hiện nay, các doanh nghiệp đang bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh; các cấp, các ngành đang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; trong đó bao gồm các giải pháp cụ thể như hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp. Những chính sách này đã làm cho tình trạng thiếu việc làm của người lao động quý đầu năm 2022 được cải thiện, tiếp nối với thành quả phục hồi đã ghi nhận được ở quý IV năm 2021. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi[4] quý I năm 2022 là khoảng 1,3 triệu người, giảm 135,2 nghìn người so với quý trước và tăng 357,5 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý I năm 2022 là 3,01%, giảm 0,36 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,81 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 2,39% và 3,40%).

 

Mức độ khác biệt về tình trạng thiếu việc làm giữa các vùng kinh tế-xã hội  cho thấy, tỷ lệ này cao nhất là ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với 4,23%; tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 4,0%. Đặc biệt, Đông Nam Bộ đã chuyển mình từ vùng có tỷ lệ thiếu việc làm cao thứ hai ở quý trước sang vùng có tỷ lệ thấp nhất ở quý này (quý IV năm 2021: 4,61%; quý I năm 2022: 1,60%).

Trong ba khu vực kinh tế, lao động thiếu việc làm trong độ tuổi ở khu vực dịch vụ trong quý I năm 2022 không còn chiếm tỷ trọng cao nhất như quý trước. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỷ trọng thiếu việc làm cao nhất trong quý này với 37,3% (tương đương với 496,3 nghìn người thiếu việc làm); tiếp theo là khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 35,6% (khoảng 472,9 nghìn người); khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng thấp nhất với 27,1% (khoảng 359,6 nghìn người). So với quý trước, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi quý I năm 2022 giảm ở khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ (tương ứng giảm 88,5 nghìn người và giảm 58,1 nghìn người) và tăng ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (tăng 11,3 nghìn người). Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, số lao động thiếu việc làm ở cả ba khu vực kinh tế đều tăng lên, khu vực dịch vụ tăng 159,7 nghìn người; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 126,9 nghìn người và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 70,8 nghìn người.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,4 triệu đồng, tăng mạnh so với quý trước và được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước và tăng 110 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (7,3 triệu đồng so với 5,4 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,43 lần khu vực nông thôn (7,9 triệu đồng so với 5,5 triệu đồng).

Thị trường lao động quý I đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ. Nếu như quý III năm 2021, thị trường lao động đã trải qua những khó khăn chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, với mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng; đến quý IV năm 2021 thu nhập bình quân của người lao động có dấu hiệu cải thiện hơn, tăng khoảng 139 nghìn đồng so với quý III/2021. Bước sang quý I năm nay, cùng với các chính sách kinh tế thích ứng linh hoạt, thu nhập của người lao động tăng mạnh so với quý trước, tăng 20,1% (tương ứng tăng khoảng 1 triệu đồng/người/tháng).

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tăng tương ứng khoảng 110 nghìn đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216 nghìn đồng/người/tháng.

 

Thu nhập bình quân tháng của lao động tăng mạnh tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai

Thu nhập bình quân tháng của lao động vùng Đông Nam Bộ tăng cao nhất trong 6 vùng kinh tế – xã hội, với mức thu nhập bình quân là 8,3 triệu đồng, tăng 36,8%, tương ứng tăng 2,2 triệu đồng so với quý trước. Trong đó, lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai có mức thu nhập bình quân cao nhất cả nước, khoảng hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thu nhập bình quân của lao động là 8,9 triệu đồng/người, tăng 36,5%, tương ứng tăng 2,4 triệu đồng so với quý trước; thu nhập của người lao động tại Bình Dương là 8,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 54,0%, tương ứng tăng 3,0 triệu đồng/người/tháng so với quý trước; lao động tại Đồng Nai có thu nhập bình quân là 8,5 triệu đồng, tăng 32,9%, tương ứng tăng 2,1 triệu đồng so với quý trước. Quý I năm nay cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh thu nhập bình quân của lao động tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quý IV năm 2021, lao động tại vùng này vẫn ghi nhận sự sụt giảm thu nhập, đời sống người lao động vẫn tiếp tục chịu nhiều khó khăn do tác động phức tạp và lan rộng của dịch Covid-19; tuy nhiên, sang quý I năm nay thu nhập của lao động tại Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều chuyển biến tích cực, với thu nhập bình quân của người lao động là 5,6 triệu đồng, tăng 27,8% so với quý trước.

Mặc dù trong quý I năm 2022 chứng kiến số ca nhiễm Covid-19 tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, tuy vậy, thu nhập của người lao động tại vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn có mức tăng trưởng khá, như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng. Thu nhập bình quân của lao động tại Hà Nội là 8,5 triệu đồng, tăng 17,4%, tương ứng tăng 1,3 triệu đồng so với quý trước; lao động tại Bắc Ninh có thu nhập bình quân là 8,2 triệu đồng, tăng 8,3% và thu nhập của lao động tại Hải Phòng là 7,8 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,3% so với quý IV năm 2021.

So với quý trước, thu nhập của lao động làm việc trong các ngành kinh tế có sự tăng trưởng khá. Thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,3 triệu đồng, đây là khu vực có tốc độ tăng thu nhập bình quân tăng cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 22,6% so với quý trước, tăng tương ứng hơn 1,3 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành dịch vụ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 20,5% so với quý trước, tăng tương ứng gần 1,3 triệu đồng. Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 3,7 triệu đồng, tăng 8,8% so với quý trước, tăng tương ứng khoảng 301 nghìn đồng.

 

So với cùng kỳ năm 2021, lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng thu nhập bình quân cao nhất trong ba khu vực kinh tế, tăng 3,1%, tương ứng tăng khoảng 114 nghìn đồng; lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng có thu nhập bình quân tăng 1,4%, tương ứng tăng 100 nghìn đồng; trong khi đó, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập tăng không nhiều so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 78 nghìn đồng/người/tháng.

 

Thu nhập của người lao động quý I đã có nhiều khởi sắc ở nhiều ngành kinh tế chủ lực so với quý trước. Lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng, tăng 24,2%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành bán buôn bán lẻ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng, tăng 23,3%, tương ứng tăng 1,4 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập bình quân là 10,8 triệu đồng, tăng 16,5%, tăng tương ứng là 1,5 triệu đồng; ngành kinh doanh bất động sản lao động có thu nhập bình quân là 10,7 triệu đồng, tăng 32,8%, tương ứng tăng 2,6 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt có thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng, tăng 8,4%, tương ứng tăng 736 nghìn đồng.

Sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước ngay trong quý I năm 2022 đã giúp một bộ phận người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động, cụ thể tỷ lệ thất nghiệp giảm so với quý trước.

Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2022 là khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2022 là 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 2,88%, giảm 2,21 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,31 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

 

Mặc dù Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi cao nhất, tương ứng là 3,03% và 2,89%, nhưng so với quý trước, tỷ lệ này ở hai vùng đều giảm, tương ứng giảm 2,69 điểm phần trăm và giảm 2,81 điểm phần trăm. Trong quý I năm 2022, tỷ lệ này ở Thành phố Hồ Chí Minh là 4,18%, cao gấp 1,9 lần so với Hà Nội (2,24%). Tuy vẫn còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp ở Hà Nội nhưng so với quý trước, tỷ lệ này ở Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm 4,07 điểm phần trăm, trong khi ở Hà Nội chỉ giảm 0,21 điểm phần trăm.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) ở mức cao nhưng đã giảm dần, đặc biệt tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo cũng ghi nhận giảm so với quý trước

Trong quý I năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) là 7,93%, thấp hơn 0,85 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở khu vực thành thị cao gấp 1,3 lần ở khu vực nông thôn, tương ứng là 9,30% và 7,20%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quý I năm 2022 là 11,30%, cao hơn so với Hà Nội (10,31%). So với quý trước, tỷ lệ này ở Thành phố Hồ Chí Minh giảm 6,83 điểm phần trăm, trong khi đó Hà Nội tăng 1,13 điểm phần trăm. Trong 3 tháng đầu năm, tại thành phố Hồ Chí Minh, các hoạt động thương mại, vui chơi giải trí dần trở nên nhộn nhịp, học sinh, sinh viên các trường đi học trực tiếp trở lại đã làm cho tỷ lệ thất nghiệp thanh niên giảm đáng kể.

Trong quý I năm 2022, cả nước có khoảng 1,7 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 13,3% tổng số thanh niên), giảm 166,0 nghìn người so với quý trước và giảm 291,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 15,3% so với 10,1% và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 15,1% so với 11,6%.

So sánh theo 6 vùng kinh tế – xã hội, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở Trung du và miền núi phía Bắc là cao nhất với 20,4%; tiếp theo là Đồng bằng sông Cửu Long với 19,1%, tương ứng giảm 0,8 và 2,5 điểm phần trăm so với quý trước. Tỷ lệ này ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quý I năm 2022 là 9,1%, cao hơn so với Hà Nội (7,2%). So với quý trước, tỷ lệ này ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đều giảm, tương ứng là giảm 5,7 điểm phần trăm và giảm 0,6 điểm phần trăm.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng tiếp tục đà giảm mạnh, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[5] là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.

Những năm trước, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Từ thời điểm quý I năm 2020 đến quý III năm 2021, tỷ lệ này tăng rất nhanh và đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III năm 2021. Khi các hoạt động kinh tế – xã hội được khôi phục gần như hoàn toàn, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhanh từ 10,4% xuống còn 8,0% vào quý 4 năm 2021 và giảm tiếp xuống 6,1% vào quý I năm 2022.

 

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý I năm 2022 của khu vực thành thị và nông thôn đều thấp hơn đáng kể so với quý trước, đặc biệt tại thành thị. Tỷ lệ này ở thành thị là 5,9%, giảm gần một nửa so với quý IV năm 2021 (10,3%); tại nông thôn, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm từ 6,7% xuống còn 6,3%. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (48,4%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này chiếm trong lực lượng lao động, 34,7%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, việc nghiên cứu các chính sách để tận dụng hết tiềm năng của nhóm lao động này càng trở nên cần thiết.

 

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản có xu hướng giảm nhẹ

Số lao động làm công việc tự sản tự tiêu quý I năm 2022 là 4,8 triệu người (thấp hơn 0,1 triệu người so với quý trước nhưng vẫn cao hơn 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Số lao động này chủ yếu biến động ở khu vực nông thôn.

 Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý I năm 2022 là nữ giới (chiếm 62,4%). Trong tổng số hơn 4,8 triệu người là lao động sản xuất tự sản tự tiêu, hơn 2,7 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 55,8%).

Lao động tự sản tự tiêu chủ yếu thuộc độ tuổi từ 55 trở lên (chiếm 49,7%). Số liệu cũng cho thấy, trong số 4,8 triệu lao động tự sản tự tiêu, có đến gần 500 nghìn người cho biết họ hiện tại vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (chiếm 9,8%).

 

Trung bình 1 tuần, lao động tự sản tự tiêu dành 18 giờ cho công việc nông nghiệp (tương đương 2,6 giờ/ngày) và 16,3 giờ làm các công việc nhà (tương đương khoảng 2,3 giờ/ngày). Bình quân, mỗi tuần, lao động nữ giới tự sản tự tiêu phải dành 19,2 giờ cho các công việc nhà trong gia đình trong khi con số này ở nam giới là 12,6 giờ.

3. Kết luận và kiến nghị

Nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP của các cấp, các ngành, các địa phương cùng với các chính sách nới lỏng giãn cách xã hội và hoàn thành tiêm vắc xin trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã tạo điều kiện cho thị trường lao động dần phục hồi và đạt được mức tăng trưởng khá. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng ngay cả khi số ca nhiễm Covid-19 trong cả nước vượt mức hàng chục nghìn ca mỗi ngày. Lao động có việc làm tăng mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động đã dần được cải thiện.

Mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng thị trường lao động Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Lao động tự sản tự tiêu giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch.

Trước tình hình đó, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp sau:

– Tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

– Triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân.

– Nghiên cứu xây dựng các chương trình chính sách đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

 

[1] Báo cáo Xu hướng triển vọng việc làm và xã hội thế giới năm 2022

[2] Từ Quý I năm 2022, theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổng cục Thống kê công bố cùng lúc 2 chỉ tiêu về lao động có việc làm phi chính thức. Đó là “tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi hộ nông lâm nghiệp và thủy sản” và “tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức chung” (bao gồm cả lao động làm việc trong khu vực hộ nông lâm nghiệp và thủy sản).

[3]Lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản) là những người có việc làm và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức (iii) người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (iv) lao động trong khu vực hộ nông nghiệp.

[4] Theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019, trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 6 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 8 tháng (năm 2022).

[5] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×