Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam, phát triển mạnh ở phía bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng châu thổ sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh và sân khấu Nhật Bản là kịch nô thì đại diện tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo. Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gi¬an, nhất là trò nhại từ thế kỷ 10. Qua thời gi¬an, người Việt đã phát triển các tích truyện ngắn của chèo dựa trên các trò nhại này thành các vở diễn trọn vẹn dài hơn. Trước kia, chèo chỉ có phần nói và ngâm các bài dân ca, sau phát triển có thêm phần hát. Không giống tuồng chỉ ca tụng hành động anh hùng của các giới quyền quý, chèo miêu tả cuộc sống bình dị của người dân nông thôn. Khát vọng sống thanh bình giữa một xã hội phong kiến đầy bất công là đặc điểm nổi bật trong nội dung của chèo Mang đặc điểm diễn kể dân gian, được cấu tạo bằng hai nhân tố cơ bản: tích và trò. Tích là cốt truyện kể bằng văn học, còn trò là nghệ thuật diễn đạt cốt truyện đó trên sân khấu. Nội dung của các vở chèo lấy từ những truyện cổ tích, truyện Nôm; được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Trong chèo, cái thiện luôn thắng cái ác, các sỹ tử tốt bụng, hiền lành, luôn đỗ đạt, làm quan còn người vợ thì tiết nghĩa, cuối cùng sẽ được đoàn tụ với chồng. Vở chèo “Từ Thức gặp tiên” được xem như là vở chèo mẫu mực, hội tụ và được đánh giá đạt thành công khá cao trong nền văn hóa chèo Việt Nam nói chung. I. Tóm tắt: Vở chèo “Từ thức gặp tiên” có cốt truyện lấy từ truyện Từ Thức lấy vợ tiên – một truyện thần thoại Việt Nam nổi tiếng được lưu truyền và hiện nay được chép lại trong cuốn Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Theo truyền thuyết, Từ Thức quê ở ở Hòa Châu (tức Thanh Hóa bây giờ) trong thời đại nhà Trần, niên hiệu Quang Thái (1388-1398) dưới triều vua Trần Thuận Tông. Ông xuất thân từ con quan nên được bổ nhiệm làm một chức quan nhỏ ở một địa hạt thuộc xứ Kinh Bắc (nay thuộc huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Ông có sở thích hay đi ngao du, xem phong cảnh đẹp và làm thơ, còn việc quan thì ông thường bỏ mặc, nên hay bị quan trên quở trách, sau đó Từ Thức xin từ quan. Truyện cũng cho biết cạnh huyện nhà ông có một ngôi chùa danh tiếng, trong chùa trồng một cây mẫu đơn, đến kỳ hoa nở thì người các nơi đến xem đông rộn rịp, thành một đám hội xem hoa tưng bừngtrong chùa có một cây mẫu đơn lớn. Đây là địa điểm mà Từ Thức gặp được tiên. Một số ý kiến cho rằng ngôi chùa này chính là chùa Phật Tích. Tháng 2 năm Bính Tỵ (1396), một hôm khi Từ Thức đến thăm chùa có nhìn thấy một thiếu nữ tuổi chừng mười sáu, mười bảy, nhan sắc xinh đẹp, đến xem hoa, nhỡ tay vịn gãy một cành hoa mẫu đơn, không có gì để đền, nên bị các chú tiểu nhà chùa bắt giữ lại để phạt vạ[1]. Từ Thức trông thấy cảnh đó và với tấm lòng nhân hậu, hiệp nghĩa, ông liền cởi áo mặc ngoài, chuộc cho thiếu nữ. Mọi người đứng xem đều khen Từ Thức là người nhân đức. Từ Thức nghe danh huyện Tống Sơn có nhiều núi đẹp, liền đem theo một tiểu đồng và một túi đàn đến dựng một gian nhà nhỏ ở chân núi để ở. Từ đấy, những nơi phong cảnh đẹp quanh vùng, không nơi nào là không có vết chân Từ Thức. Một hôm, dậy sớm, trông ra cửa Thần Phù, thấy có mây ngũ sắc kết thành hình hoa sen, Từ Thức một mình chèo thuyền ra phía ấy. Ðến chân một dãy núi cao ngất, chạy sát mặt biển, Từ Thức buộc thuyền lên bờ và trèo lên một mỏm đá cao. Chợt trông thấy một cái hang bên sườn núi, cửa hang tròn và rộng, chàng thử vào hang xem sao. Từ Thức mới đi được vài bước thì cửa hang bỗng đóng ập lại. Hang tối mịt mùng, không còn biết đường lối nào. Từ Thức phải lần theo khe nước mà đi. Ði một lúc lâu, thấy có ánh sáng, ông lần ra khỏi hang và đi đến một chân núi khác. Thấy núi cao vòi vọi, sườn núi dốc ngược, Từ Thức cố bám vào hốc đá trèo lên. Lên cao, ông thấy có đường rộng, rồi lên đến đỉnh núi thì trời quang đãng, ánh sáng rực rỡ, xa xa có lâu đài cung điện nhấp nhô bên những lùm cây xanh. Từ Thức đi theo đường lớn đến một lâu đài. Bỗng có hai thiếu nữ mặc áo xanh chạy ra, bảo với nhau rằng: "Chú rể nhà ta đã đến kia kìa!", rồi hai người chạy vụt vào tòa nhà lộng lẫy. Một lúc sau, hai người lại ra, nói với Từ Thức rằng:"Phu nhân sai chúng tôi ra mời người vào chơi".Từ Thức đi theo hai người con gái, thấy lầu son gác tía, tường gấm, bậc đá xanh, trước kia ông chỉ thấy đề cập đến trong sách, bây giờ mới thật mắt trông thấy. Trên mấy cửa đi qua, chàng thấy có chữ đề: "Ðiện Quỳnh Hư", "Gác Giao Quang", ông theo hai thiếu nữ lên gác, thấy một vị phu nhân mặc áo lụa trắng ngồi trên sập thất bảo, trước sập có kê đôi kỷ gỗ đàn hương. Người đó cho biết đây là hang thứ sáu trong ba mươi sáu động núi Phi Lai, xưng là Ngụy phu nhân, địa tiên núi Nam Nhạc. Phu nhân bảo thị nữ gọi một tiểu thư ra. Vừa trông thấy, Từ Thức nhận ngay ra người con gái đánh gãy cành hoa mẫu đơn trong chùa ngày nọ. Người con gái đó có tên là Giáng Hương, mang ơn của Từ Thức nên đem lòng cảm kích. Ngay đêm hôm ấy, phu nhân sai mở tiệc hoa, cho hai người làm lễ thành hôn. Từ Thức ở được chừng một năm, có ý nhớ nhà, nói với Giáng Hương rằng: "Tôi đi xa nhà đã lâu, lắm lúc nhớ quê cũ, muốn về thăm một chút". Giáng Hương khuyên rằng: "Thiếp không phải vì tình lưu luyến hẹp hòi mà ngăn trở ý định của chàng, chỉ vì ở trần gian tháng ngày ngắn ngủi, sợ chàng có về đến nhà, cũng không thấy còn như trước nữa". Sau đó vị phu nhân mới sai người lấy một cỗ xe để tiễn đưa chàng. Giáng Hương viết một phong thư dán kín đưa cho chồng, dặn đến nhà hãy mở ra xem.Từ Thức từ biệt Giáng Hương và Phu nhân, rồi lên xe, chỉ chớp mắt đã về đến làng cũ. Phong cảnh khác hẳn xưa, chỉ còn hai bên khe núi là vẫn nguyên như trước. Chàng đem họ tên mình hỏi thăm các cụ già trong làng thì có một cụ trả lời: "Hồi nhỏ, tôi cũng có nghe nói hình như cụ tổ bốn đời nhà tôi họ tên cũng như thế, nhưng lạc vào hang núi cách đây đã ngót hai trăm năm rồi". Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên để đi, thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chàng chỉ thấy có dòng chữ: "Ở nơi tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ". Về sau, người ta thấy Từ Thức đội cái nón nhỏ vào núi Hoàng Sơn (thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa) không thấy trở về nữa. Với hơn hai mươi phút, vở chèo diễn lại trích đoạn Từ thức gặp tiên, từ phân cảnh Từ Thức cùng Hề lên động cho đến lúc Từ Thức cùng Giáng Hương kết duyên. Có thể thấy trong vở chèo về nội dung đã có một chút thay đổi. Nếu trong truyện không thấy nhắc đến việc Từ Thức đã có vợ thì trong vở chèo Từ Thức đã có 3 vợ và chưa có con trai. II. Phân tích đặc điểm chèo thông qua vở chèo “Từ thức gặp tiên”: Về tính chất vở chèo: Nhiều ý kiến nghiên cứu nhận định rằng “chèo thiên về tính nữ”, chèo luôn gắn với chất “trữ tình”, thể hiện những xúc cảm và tình cảm cá nhân của con người. Nghệ thuật sân khấu chèo diễn tả tình cảm nội tâm đậm chất trữ tình của nhân vật, cốt truyện tới nhân vật, tới làn điệu chèo. Vở chèo với nội dung chính là tình yêu giữa Từ Thức và Giáng Hương, giữa người trần và tiên, đã tạo nên một câu chuyện cổ tích đầy tính thơ và huyền ảo. Người xem cảm nhận rõ tính “trữ tình” qua những làn điệu dân thiết tha, gần gũi, dễ làm rung động lòng người. Bối cảnh sân khấu chính của vở chèo là cảnh thiên nhiên, sông núi quê hương nên thơ càng tăng thêm chất trữ tình. Về bố cục của vở chèo: Nói đến chèo, phải nói đến tính tự sự của nó, có lẽ ngoài chèo ra không một loại hình dân gian nào độc đáo như vậy! Với vở chèo “Từ Thức gặp tiên”, nhân vật mở đầu khi đi ra bao giờ cũng xưng danh tôi là ai, tôi sẽ làm gì rồi giao đại một tình huống cho thỏa đáng rồi mới bắt đầu vào diễn. Đó cũng là một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, mang đậm dấu ấn Việt Nam. Trong vở chèo này, Từ Thức là nhân vật xuất hiện đầu tiên và chàng tự giới thiệu: “Tôi Từ Thức vốn dòng sĩ tử, chán cảnh đời nên treo ấn từ quan”. Cách sắp xếp bố cục của vở chèo hợp logic, có đầu có cuối vô cùng tự nhiên. Từ câu chuyện Từ Thức ngao du tiên cảnh đến khi gặp lại và kết duyên với Giáng Hương, tất cả được sắp xếp với những màn diễn nối tiếp nhau, không hề bị ngắt quãng. Dù thay đổi liên tục giữa bối cảnh trần gian và cõi tiên nhưng các nhân vật không bị lệ thuộc bởi thời gian và địa điểm. Kết thúc vở chèo thường là những kết thúc có hậu, khi Từ Thức kết duyên nên vợ nên chồng với tiên. Đó cũng là giấc mơ của nhân dân, giấc mơ người hiền lành sẽ được báo đáp, người tài giỏi sẽ lấy được vợ hiền, nó tựa như câu ca dao “Ở hiền thì lại gặp hiền/ Người ngay thì gặp người tiên độ trì”. Về nghệ thuật sân khấu – Bối cảnh sân khấu, trang phục, đạo cụ biểu diễn: Toàn bộ vở kịch được trình diễn trên một sân khấu và không có đoạn thay màn diễn. Khung cảnh được xây dựng là cảnh núi cao, mây trắng, đó là khung cảnh tiên giới. Trên sân khấu cũng không có nhiều đạo cụ, mọi đồ vật gần như là do hành động của nhân vật tạo nên. Chẳng hạn như lúc Giáng Hương và Từ Thức uống rượu giao bôi, trên tay họ không có chén mà họ tạo hình bàn tay như đang cầm chén. Các cảnh trang trí, trang phục, đạo cụ biểu diễn gần như đã phác họa tính cách nhân vật một cách rõ nét. Nhân vật Từ Thức khăn xếp, áo the thể hiện rõ khí chất người có tài, con người đĩnh đạc, chỉn chu. Nhân vật hề áo nâu, có phần lôi thôi thể hiện rõ chất dân dã, xuề xòa. Nhân vật Giáng Hương và các nàng tiên váy lụa thiết tha yểu điệu. Người xưa xem chèo coi trọng tài năng nghệ thuật của người nghệ sỹ hơn là hơn là những thứ phụ trợ màu mè. Đạo cụ trong chèo là một phần không thể bỏ qua vì nó góp phần làm nên đặc trưng riêng của chèo. Các đạo cụ chèo tiêu biểu có thể kể tới như: mái chèo, quạt chèo, gậy chèo,… Các nhân vật sử dụng tối đa và hiệu quả các đạo cụ của mình, có thể xem các đạo cụ này là đạo cụ tùy thân. Trong vở “Từ Thức gặp tiên”, chiếc quạt trong tay nhân vật Từ Thức được sử dụng vô cùng linh hoạt, khi là mái chèo mở đầu vở diễn, lúc là phong thư không bị gò ép vào bất cứ một hình thức nghệ thuật nào trên sân khấu. Với nhân vật hề, đạo cụ là gậy gỗ, chiếc gậy trong tay anh hề khi theo hầu cậu khi dùng để quấn túi hành trang, khi cắp nách, lúc cầm ở tay lúc lại để múa để đùa nghịch, vui cười. Bản năng sáng tạo của người nghệ sỹ đã làm cho chiếc gậy trở nên có thần, nó vô tri mà chứa đựng sức sống mang lại được tiếng cười sảng khoái. Về nghệ thuật xây dựng nhân vật trong chèo: Nhân vật trong chèo thường mang tính ước lệ, chuẩn hóa và rập khuôn. Tính cách của các nhân vật trong chèo thường không thay đổi với chính vai diễn đó. Nhân vật Từ Thức, là nhân vật có tài làm quan, ưa thú ngao du, hưởng ngoại. Từ Thức đã thoát khỏi tính ước lệ có cá tính riêng độc lập. Chàng là một con người hào hiệp trượng phu (cứu giúp Giáng Hương), đồng thời nặng lòng tha thiết với quê hương đất nước (trở lại thăm quê). Trong vở chèo này, dân gian đã xây dựng một nhân vật Từ Thức với vẻ ngoài thư sinh tri thức, có học với những cử chỉ vô cùng tao nhã; khuôn mặt và vóc dáng nhã nhặn; cách nói chuyện lịch sự, ngữ điệu nhẹ nhàng, không cường điệu, có sử dụng rất nhiều từ Hán Việt như “thảo địa”,... Trong phần đầu khi trên sân khấu chỉ có Từ Thức và Hề, lời thoại của Từ Thức khá ít, chủ yếu gây chú ý ở vẻ bề ngoài hết sức lịch thiệp. Chỉ đến phân đoạn cuối khi gặp Giáng Hương, chàng mới có dịp thể hiện những phẩm chất và bày tỏ lòng mình. Giáng Hương, là nhân vật nữ chính của vở chèo tuy xuất hiện khá muộn nhưng cũng đã thể hiện được phần nào tính cách và tấm lòng của nàng. Với những cử chỉ yểu điệu, e lệ, nàng là một cô gái tuyệt sắc trạc lối mười lăm, mười sáu tuổi, ít tô điểm phấn son song làn da mặt hết sức mịn màng, tươi thắm. Sau lần được Từ Thức cứu giúp tại chùa, nàng đã đem lòng cảm mến chàng và có mong muốn cùng chàng nên duyên. Để xây dựng nên một Giáng Hương đẹp người đẹp nét, dân gian đã sử dụng nhiều yếu tố kì ảo, mang hơi hướng của truyện cổ tích. Đặc biệt, “hề” là một vai diễn xuất hiện rất nhiều trong các vở diễn chèo. Anh hề được phép chế nhạo thoải mái như những anh hề trong cung điện của vua chúa Châu Âu. Các cảnh diễn có vai hề là nơi để cho người dân đả kích những thói hư tật xấu của xã hội phong kiến hay kể cả vua quan, những người có quyền, có của trong làng xã. Có các loại hề chính như: hề áo dài, hề áo ngắn, hề gậy…Trong vở chèo “Từ Thức gặp tiên”, nhân vật hề xuất hiện là hề gậy. Hề gậy thường là các anh chàng hề đồng lóc cóc chạy theo hầu thầy trên đường thiên lý, khi ra sân khấu do thường mang theo gậy đường trường hoặc cây đòn gánh, nên gọi nôm na là hề Gậy. Hề thường cầm một cây gậy và dùng nó như phụ kiện để diễn tả những hành động và lời nói của mình. Đặc biệt nhân vật Hề còn có một tư thế rất điển hình, được lặp đi lặp lại rất nhiều lần đó là: tay chống gậy, một chân hơi trùng xuống và chân kia gác lên chân này, mặt hơi hướng lên trên. Nó thường xuất hiện sau khi hề kết thúc một chuối lời nó. Loại hề này cười cợt trên sân khấu chèo sân đình với đủ mọi giọng điệu phong phú: giễu vui, đả kích, đùa bỡn, trêu chọc, nghịch ngợm… với mục đích tự bôi bác mình để mua vui cho chủ. Trong chèo không thể thiếu hề, điều đó đã được khẳng định qua nhiều vở chèo truyền thống - “phi Hề bất thành Chèo”. Có lẽ trong toàn bộ vở chèo “Từ Thức gặp tiên”, hề là nhân vật có nhiều lời thoại và gây được nhiều sự chú ý nhất. Với ngữ điệu cường điệu hóa, có những sự việc rất đỗi bình thường nhưng qua lời kể của Hề nó lại thành một câu chuyện vô cùng thú vị: “Con mắc dở khai đao hai vợ chồng con chó chuộc nó đẻ nhau làm nát cái ao rau cần con mới bắt nó ra xé xác phanh thây để tăng trình lột thảm”. “Khai đao, xé xác phanh thây” mặc dù là những động từ rất mạnh mẽ nhưng lại được hề nói ra như thể đó là ngôn ngữ thông thường. Thêm nữa, những lí giải của Hề về các sự việc cũng rất trẻ con, rất thuần. Hề cho rằng: “Người ốm thì da xanh ngăn ngắt vậy nên trời xanh nghĩa là trời đang ốm”. Đó là những suy nghĩ hết sức tự nhiên, thấy gì nói ấy. Hay như cách nói ngược thời gian: Kêu đau vì bị ngựa đá nhưng hóa ra là con ngựa nó hẹn mai ra cổng mới đá làm cho người xem cảm thấy rất thú vị. Không chỉ tạo sự hài hước bằng những suy nghĩ ấy, hề còn gây tiếng cười với những lối chơi chữ trong dân gian như “ba vợ” là “vơ bạ”; “vợ con” là “còn vơ”. Nghệ thuật xây dựng “mảnh trò” trong vở chèo: Ở đây, khái niệm “trò” cần phải được xem xét một cách kĩ lưỡng. Chúng ta vẫn hay nghe châm ngôn quen thuộc của nghệ thuật sân khấu: Có tích mới dịch nên trò. Nếu xét sân khấu trên góc độ nghệ thuật nghe nhìn, tích ở đây là cốt chuyện, còn trò chính là tất cả những gì chúng ta thấy hoặc nghe thấy trên sân khấu. Trò có hai loại hình gồm trò nhời và trò diễn. Trước hết, trò nhời là những đối thoại, tức những lời qua tiếng lại giữa các nhân vật mà trên sàn diễn nó được thể hiện qua những đài từ (lời nói từ sàn diễn). Tuy nhiên, không phải đài từ nào cũng có thể trở thành trò. Muốn thành trò, những “nhời” kia thì phải có khả năng kích thích, khơi gợi trong những mường tượng của người xem. Ví như trong mảnh trò từ vở chèo “Từ Thức gặp tiên”, trò nhời ở đây được thể hiện rất tài tình. Chú Hề hỏi thầy Từ Thức về các bộ phận trên cơ thể từ ngoài vào trong, từ trên xuống dưới…: Từ Thức: Trong cái yếm là cái nhũ, cái vú. Hề: Thôi vứt rồi, thấy bảo ông học nhiều lắm, thế mà bảo cái nhũ là vú. Từ Thức: Nhũ không phải là vú thì là cái gì? Vẫn chưa trả lời ngay, Hề còn cố kéo dài cái trò này để người nghe chú ý, chờ đợi, sốt ruột…Hề cố tình làm trò trong nhời. Hề: Bây giờ người ta không gọi thế nữa, gọi khác cơ. Từ Thức: Gọi thế nào? Hề: Gọi là cái “bàn bốc”. Từ Thức: Ai lại gọi cái vú chị em lại là cái bàn bốc bao giờ? Hề: Thế tôi hỏi bác, bác yêu cô tôi, bác không bốc thì bác lấy đũa gắp à? Thật hết sức bất ngờ, câu trả lời đầy tính “trò”, nó nằm ngoài câu hỏi nhưng lại là một câu trả lời đầy tính hài hước đứng về phương diện tạo trò. Rõ ràng, trò nhời ở đây đã lên đến cao điểm của nó khi Hề giải thích vì sao người ta gọi vú của chị em là cái bàn bốc. Bởi vì theo suy nghĩ hồn nhiên, ngây thơ và có phần bản năng, Hề đã “thức ăn hóa” một bộ phận trên cơ thể phụ nữ. Biện pháp tu từ một yếu tố rất quan trọng của thi pháp này ta thường gặp trong lời nói dân gian và bây giờ nó được trò hóa trên sân khấu chèo. Ngôn ngữ và làn điệu chèo: Ngôn ngữ và đối thoại trong chèo đậm đà nhất trong ca từ, với các thể thơ gần gũi của dân tộc: lục bát, song thất lục bát,… các nhân vật ngâm, vỉa, hát, nói, tạo nên tính sinh động cho vở chèo. Những lời nói của các nhân vật trong vở chèo “Từ Thức gặp tiên” lên bổng xuống trầm biến đổi theo các thanh huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng. Đối thoại giữa cá nhân vật trong vở chèo mang tính cách điệu, thể hiện bằng những câu thơ mang tính biền ngẫu biến đổi linh hoạt khi 3 chữ, 4 chữ, 6 chữ…đảo lên đảo xuống vô cùng nhịp nhàng, nói mà như hát, như đọc, như ngâm thơ. Làn điệu chèo xuất hiện bóng dáng của hầu hết các làn điệu dân ca Bắc Bộ. Người yêu mến chèo cổ thường nói, muốn nghe hát thì xem “ Quan Âm Thị Kính” , “ Kim Nham” ; nghe nói sử thì “ Lưu Bình Dương Lễ” còn yêu cái dí dỏm của anh hề nói thì nghe “ Từ Thức gặp tiên”. Điều này đã thể hiện rõ sự chọ lọc tinh tế làn điệu cho chínhc ác tác phẩm chèo. Với “Từ Thức gặp tiên” vở chèo mang một nét đặc sắc riêng, một phong cách nhẹ nhàng hơn, mang lại cho người nghe những tiếng cười nhưng ẩn sau đó là những giá trị đạo đức sâu sắc. Làn điệu chèo là một hình thức phổ thơ vì vậy giai điệu do thanh điệu của Tiếng Việt tạo ra được tiết tấu hóa trở thành khúc điệu chèo. Sử dụng ngôn ngữ dân gian, hoàn toàn bình dị nhưng làn điệu chèo đã thoát khỏi cái vỏ bọc dân gian để gắn kết chặt chẽ với tính cách tâm trạng của mỗi nhân vật. Đôi khi nó được khắc họa rõ nét trong câu hát ( í ! ối a!...) rất đậm chất trữ tình. Thơ trong chèo: Như đã nói ở trên, chèo là một loại hình nghệ thuật tổng hợp rất nhiều các yếu tố nghệ thuật. Không chỉ có tự sự, ca hát mà còn có cả thơ. Thơ ở đây không phải trích thơ của tác giả nào đó mà chính là lời thơ của nhân vật nói ra, nó là thơ dân gian, gieo vần tự nhiên. Khi Hề tả tiên nữ Giáng Hương: “Trên đầu cô ta là tổ sơn phát tích/ Hai thần đồng thủ nhĩ hai tai/ Đôi mắt cô ta tinh đẩu sát tài/ Ai táng nó ắt làm nên khoa mục/ Mũi cô ta tuệ tinh cắt tục/ Miệng cô ta thủy thẩu đáo đường/ Ai táng đó ắt làm nên danh lợi”. Hay khi Từ Thức kể cho Giáng Hương biết việc mình không còn làm quan: Tôi không còn là huyện quan nữa/ Mà là một người dân xóm nhỏ cầm la/ Nhưng trong lòng vẫn thấp thoáng một nhành hoa/ Vẫn còn nhớ đinh ninh ngày hội ấy”. Nét đẹp trong múa chèo và sự kết hợp âm nhạc trong chèo: Bắt nguồn từ múa dân gian đồng bằng Bắc Bộ và đặc biệt từ chính đời sống sinh hoạt ngày thường của nhân dân (miêu tả cảnh hề múa gậy; cảnh các nàng tiên múa…). Nét đẹp tinh tế ở đây chính là sự gần gũi của múa chèo với quần chúng. Từ vở “Từ Thức gặp tiên” cảm nhận rõ nét đẹp âm thanh của chèo được thể hiện qua các nhạc cụ truyền thống: trống, mõ, nhị, thanh la, sáo…Âm thanh đó là cho không khí thêm rộn ràng, mỗi lớp cảnh mang một sắc thái riêng biệt. Tiêu biểu ở đoạn cuối vở chèo, khi Từ Thức cùng Giáng Hương và các nàng tiên múa, say ca thưởng rượu, âm thanh chèo là sự hòa tấu các nhạc cũ có tiếng trống cơm bập bùng, tiếng nhị réo rắt, tiếng trống con kết hợp hài hòa tạo thành một bản nhạc đậm chất trữ tình, xao xuyến lòng người. Vở chèo “Từ Thức gặp tiên” là sự ngợi ca tình yêu giữa trần và tiên, vẽ lên một cõi mơ mộng cổ tích, thể hiện ước mơ về lẽ công bằng của dân gian “ở hiền gặp lành/ ác giả ác báo”. Đồng thời, nó còn khắc họa rõ nét khát vọng của nhân dân Việt Nam ta luôn hướng về cõi tiên, mong muốn một cuộc sống ấm no hạnh phúc. Không chỉ vậy, vở chèo còn vẽ nên bức tranh phong cảnh hữu tình nên thơ của quê hương đất nước, tấm lòng son sắc với quê hương của Từ Thức, thể hiện lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước của nhân dân.