1
Giảm ô nhiễm từ hoạt động giao thông
Như chúng tôi đã đề cập ở bài trước, ô nhiễm không khí có sự góp mặt của hoạt động giao thông vận tải. Do vậy, từ nhiều năm trước, Việt Nam đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Cùng với đó là thắt chặt mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe nhập đã qua sử dụng và xe đang lưu hành; tăng cường kiểm soát khí thải lưu động trên đường; bố trí các trạm đăng kiểm xe ô tô trên cả nước; xây dựng Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; mở rộng cơ sở thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP lớn. Mục tiêu đề án cho giai đoạn 2013-2015 là thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80% đến 90% số lượng xe mô tô, xe máy tham gia giao thông tại TP.HCM và Hà Nội.
Ngoài ra, chú trọng việc quy hoạch đô thị tổng thể phải kết hợp với giao thông, các khu dân cư, công viên cây xanh; tăng cường phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện trên không, xe điện ngầm… và các hình thức giao thông không gây ô nhiễm. Đồng thời đưa vào thử nghiệm các nguồn nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu khí thải độc hại.
Song song đó là chú trọng đầu tư công nghệ xử lý khí thải công nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động sản xuất. Ngoài ra, nhiều địa phương đã chủ động đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm.
Chẳng hạn như dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đã chuyển đổi hiệu quả công nghệ của 500 DN trên toàn quốc.
Mục đích tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khoảng 962.000 tấn CO2. Trong đó, trên 40 tỉnh, thành trên cả nước đã chuyển đổi thành công hàng ngàn lò gạch thủ công sang lò gạch liên tục kiểu đứng, chuyển đổi lò nung gốm đốt than sang lò nung gas.
Sử dụng nhiên liệu xanh
Tại TP.HCM, hiện Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM đang tăng cường công tác quan trắc không khí ở nhiều địa điểm nhằm kịp thời ghi nhận sự biến đổi về chất lượng không khí từng ngày. Đến nay toàn TP đã có tám trạm quan trắc hàm lượng chất hữu cơ bay hơi BTX (Benzene – Toluene – Xylene) trong không khí; sáu trạm quan trắc chất lượng không khí bán tự động; chín trạm quan trắc chất lượng không khí tự động.
Về ô nhiễm không khí do giao thông, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với ngành giao thông vận tải thực hiện đăng kiểm xe, kiểm tra tình trạng, lượng xả thải của các loại xe tải đang lưu thông. Việc kiểm soát nguồn thải của các loại xe và cấm vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn Euro 2 về khí thải cũng được duy trì thường xuyên.
Qua thời gian triển khai thí điểm thực hiện tuyến xe buýt sử dụng khí tự nhiên nén (CNG) tại TP.HCM đã cho thấy hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách rõ rệt so với xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel. Đồng thời tiết kiệm được khoảng 30% chi phí nhiên liệu.
Một số hoạt động khác chúng ta đã triển khai như di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp tập trung, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, nâng cao hoạt động truyền thông; phát triển công nghiệp xanh; vận động các khu công nghiệp và cơ sở công nghiệp xung quanh TP ứng dụng công nghệ sản xuất sạch…
Đặc biệt, hằng năm Trung tâm Sản xuất sạch hơn thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM thường xuyên tổ chức khóa tập huấn giúp DN đưa ra những giải pháp giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường sản xuất.
Mặc dù hoạt động quan trắc môi trường và môi trường không khí hiện đang tiếp tục duy trì nhưng hầu như chỉ tập trung tại các khu vực đô thị, khu vực gần công nghiệp… Trong khi đó, chúng ta lại thiếu các chương trình quan trắc tổng thể, định kỳ cho các khu vực nông thôn và làng nghề. Hoạt động kiểm kê và kiểm soát nguồn khí thải cũng chưa thực sự hiệu quả.