Trước bão
- Bà con cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo mưa, lũ trên ti vi, đài phát thanh và các thông báo từ chính quyền; đặc biệt chú ý thông tin về lũ vào ban đêm.
- Chuẩn bị sẵn thuyền, phao bè mảng hoặc các vật nổi để sử dụng khi cần.
- Gia cố nhà cửa trước mùa mưa bão đề phòng bão làm tốc mái, đổ nhà, làm gác lửng và chuẩn bị lối thoát trên mái nhà để ở tạm.
- Kiểm tra lại toàn bộ nhà cửa, nhanh chóng sửa chữa những chỗ bị hư hỏng, buộc lại cửa sổ, mái che đề phòng gió bão có thể giật tung và thổi bay gây tai nạn cho người cũng như thiệt hại về của cải.
- Kê cao đồ đạc để phòng lũ lên gây ngập, hỏng.
- Di chuyển gia súc, gia cầm đến nơi an toàn và dự trữ thức ăn cho chúng. Với các gia đình ngư dân, nên để tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn.
- Kiểm tra lại việc dự trữ lương thực, thực phẩm, nước sạch, thuốc men, chất đốt…, bổ sung số lượng sao cho đủ dùng cho cả gia đình ít nhất trong 1 tuần. Tranh thủ thu hoạch lúa, hoa màu hay thủy sản.
- Lưu giữ các số điện thoại và địa chỉ liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Trong bão
- Tạm ngắt toàn bộ nguồn điện trong nhà phòng tránh tai nạn điện giật hay chập cháy.
- Không đi ra ngoài đề phòng các vật bị gió thổi bay như tôn lợp mái, cành cây gẫy, cây đổ, dây điện đứt gây nguy hiểm đến tính mạng. Tránh xa những nơi dễ đổ như cây to, cột điện, bờ tường đề phòng tai nạn. Không vớt củi và đồ vật trôi nổi trên sông.
- Không đi vào khu vực nguy hiểm như những nơi nước chảy xiết, ven sông hồ hay nơi có nguy cơ sạt lở.
- Nếu trong nhà không có sẵn nguồn nước an toàn, hãy đun tạm nước mưa trong vòng 20 phút và để trong bình chứa có nắp đậy.
- Chủ động cho con em nghỉ học nếu thấy đường đến lớp không an toàn.
- Luôn sử dụng áo phao và đồ vật nổi khác khi di chuyển. Tham gia vào lực lượng xung kích, phòng chống lụt, cứu hộ và cứu nạn của địa phương.
Sau bão
- Sau khi bão tan, bà con phải tổ chức dọn dẹp vệ sinh môi trường xung quanh nhà, lau dọn nhà cửa để đảm bảo vệ sinh; kiểm tra lại toàn bộ hệ thống điện trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn.
- Vẫn tiếp tục tránh xa những nơi nguy hiểm như: nhà bị hư hại nặng, cây cối, cột điện có nguy cơ gãy đổ đề phòng tai nạn. Chôn xác súc vật chết và sửa lại nhà vệ sinh, cần khử trùng nguồn nước ăn đề phòng lây bệnh.
- Khẩn trương khắc phục hậu quả của lũ để tiếp tục sản xuất và chăn nuôi.
Ngoài việc trang bị kỹ năng để ứng phó với thiên tai, bão lũ; bà con nông dân cũng cần học tập, nghiên cứu, thay đổi các phương thức canh tác sao cho phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay mà vẫn đảm bảo năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế. Bà con có thể tham khảo và tìm hiểu thêm và một số giải pháp sau:
- Chuyển đổi mùa và thời vụ đối với những cây ngắn ngày như lúa, ngô, khoai, đậu tương, lạc và những cây rau màu khác, nên khuyến cáo làm nhiều vụ trong năm;
- Đa dạng mùa vụ và giống: Đối với các cây trồng chính và bố trí phù hợp với khí hậu đối với từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của chúng;
- Chọn tạo những giống cây trồng mới: trên cơ sở lai tạo cây trồng trong giới hạn cho phép, tiếp tục chọn tạo những giống mới có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu và thiên tai gia tăng;
- Nguồn nước và hệ thống tưới: Thuỷ nông có ý nghĩa với cây trồng cạn nhưng hệ thống tưới phụ thuộc vào nguồn nước. Biến đổi khí hậu và thiên tai có ảnh hưởng lớn đến nguồn nước bởi vậy hệ thống tưới phải được tính toán cẩn thận và đáp ứng được lượng nước tối ưu cho cây trồng trong quá trình sinh trưởng;
- Đầu tư và quản lý điều hành: thêm phân đạm và các loại phân hữu cơ khác là cần thiết nhưng lại dẫn đến hiệu ứng CO2. Bởi vậy quản lý, điều hành và điều tiết phân bón cho SXNN là cần thiết để hạn chế nguồn thải CO2;
- Canh tác: canh tác đúng kỹ thuật sẽ giảm thiểu được khí CO2, tăng nguồn hữu cơ cho đất, tránh được sự xói mòn, làm giảm sự mất mát Nitơ trong đất;
- Nâng cao dự báo khí hậu hạn ngắn và hạn dài đặc biệt là dự báo các hiện tượng khí hậu cực đoan như ENSO để giảm thiểu sự mất mát kinh tế do biến đổi khí hậu;
- Áp dung dự báo khí hậu và dự báo ENSO để chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thời vụ cho phù hợp với quy luật diễn biến của thời tiết, khí hậu và thiên tai đối với từng vùng.
Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái
Bên cạnh phát huy vài trò của cộng đồng trong việc chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nhà nước ta cũng quan tâm rất lớn đến việc đẩy mạnh các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái.
Thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái là lồng ghép, gắn kết việc sử dụng đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái trong chiến lược tổng thể giúp con người thích ứng với các tác động bất lợi từ BĐKH; bao gồm các hoạt động quản lý bền vững, bảo tồn và khôi phục các hệ sinh thái để cung cấp các dịch vụ sinh thái giúp người dân thích ứng với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm khả năng dễ bị tổn thương và nâng cao khả năng phục hồi trước những rủi ro, tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và môi trường.
Một số hoạt động thích ứng dựa vào hệ sinh thái như:
- Bảo vệ đới bờ thông qua việc duy trì, khôi phục rừng ngập mặn và đất ngập nước ven biển khác nhằm giảm thiểu lũ lụt và xạt lở.
- Quản lý bền vững đất ngập nước để duy trì dòng chảy và chất lượng nguồn nước.
- Bảo tồn và khôi phục rừng để giữ ổn định vùng đất dốc, điều hòa dòng chảy.
- Xây dựng hệ thống nông lâm kết hợp đa dạng để đối phó với các rủi ro trong điều kiện thời tiết thay đổi.
- Bảo tồn đa dạng sinh học trong nông nghiệp để cung ứng nguồn gen quan trọng giúp cho cây trồng và vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu...