Khi đọc truyện "Vua chích chòe", em cảm thấy nhân vật cô công chúa là một người ngông cuồng. Là con gái duy nhất của nhà vua, công chúa luôn được nâng niu, cưng chiều hết mực. Dựa vào vẻ bề ngoài xinh đẹp tuyệt trần, nàng thường tỏ ra kênh kiệu, tùy hứng, "mắt cao hơn đầu". Chẳng một ai có thể lọt vào mắt xanh của nàng. Khi vua cha tổ chức buổi tiệc kén chọn phò mã, công chúa đã dùng những lời nói khiếm nhã để nhạo báng, dè bỉu ngoại hình các chàng trai. Sau này, công chúa kiêu căng cũng phải nếm trải cảm giác bị người khác chê cười. Từ ngày lấy anh chàng hát rong, nàng đã dần dần từng bước thay đổi thái độ sống. Nếu như ban đầu nàng ra tỏ ra chê bai "Trời ơi, nhà gì mà bé ẩm ương" thì về sau, nàng không còn kiêu ngạo nữa. Nàng cùng người hát rong sống trong căn nhà bé, làm nhiều công việc để kiếm sống. Thậm chí, khi đống hàng sành sứ bị vỡ nát, nàng tỏ ra buồn tủi, lo lắng mà thốt lên rằng "Trời, khổ thân tôi thế này, còn mặt mũi nào mà nhìn chồng nữa". Có thể thấy, nàng công chúa tự cao, ngạo mạn đã biết buông bỏ cái "tôi", biết sửa đổi cho hòa hợp với hoàn cảnh sống mới. Câu nói của nàng ở cuối câu chuyện "Em đã làm những điều sai trái, thật không xứng đáng là vợ của anh" cũng là một minh chứng rõ nét. Thông qua nhân vật này, tác giả dân gian muốn nhắn nhủ chúng ta không nên nhạo báng, khinh thường người khác. Đồng thời, cần sống hòa nhã, thân thiện hơn. Đọc tác phẩm, ta còn thấy được tấm lòng yêu thương, bao dung của người xưa dành cho những người biết quay đầu, sửa sai kịp thời.