Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Hiện nay, nguồn nước bị thất thoát đã giảm đáng kể, nhưng tình trạng sử dụng nước không hợp lý, sử dụng lãng phí nguồn nước ở nhiều nơi, nhiều lúc vẫn xảy ra đang làm cho trữ lượng nước bị giảm mạnh. Ở vùng nông thôn, tình trạng người dân khoan, đóng giếng tùy tiện không đúng kỹ thuật để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu trong nông nghiệp đã gián tiếp gây ô nhiễm và sút giảm trữ lượng nước ngầm, ảnh hưởng lớn đến việc khai thác có mục đích như xây dựng các công trình cung cấp nước sạch cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Bên cạnh đó, do nhận thức về bảo vệ nguồn tài nguyên nước kém và người dân còn thiếu kinh nghiệm sử dụng hiệu quả nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, nên đã gây lãng phí nước và kém hiệu quả đối với cây trồng. Mặt khác, do quan niệm sai lầm: "nước là của trời cho vô tận, không bao giờ cạn", lại không phải trả tiền điện bơm nước (múc tay hoặc quay tay), không phải trả tiền nước (nguồn cung cấp tự nhiên từ sông suối hoặc giếng đào) nên nhiều người sử dụng rất thoải mái nguồn tài nguyên này.
Tiết kiệm nước không chỉ tiết kiệm tiền và còn bảo vệ được nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng trở nên quý giá này. Vào mùa nắng nóng, chiều chiều vẫn có người vô tư xịt thoải mái nước máy ra đường, tưới vườn cây, rửa xe lênh láng. Có những hộ do vòi nước bị hỏng hoặc quên không khóa chặt khiến ngày đêm nước cứ từng giọt, từng giọt nối tiếp nhau xuống đất. Điều này không những gây lãng phí nước, tốn tiền trả cho cơ quan cung cấp nước, mà còn gây lãng phí công sức và các chi phí đầu tư cho xử lý lượng nước hao hụt. Tất nhiên, xài nhiều nước, trả nhiều tiền, nhưng hãy nghĩ đến trên trái đất này còn tới 2 tỷ người đang khát nước...
Việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước không chỉ là việc làm đem lại lợi ích cho mỗi gia đình, mà quan trọng hơn là góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên quý giá này. Theo khuyến cáo của các ngành chức năng, mỗi người dân chỉ cần có những hành động nhỏ là có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Đó là chỉ sử dụng một lượng nước vừa đủ cho vệ sinh cá nhân, cho sinh hoạt hàng ngày. Nếu có thể hãy tái sử dụng lại nước đã qua sử dụng một lần (như nước rửa rau lần cuối, có thể dùng để rửa sơ qua các vật dụng làm bếp trước khi rửa lại bằng nước sạch). Trong sản xuất công nghiệp, nhất là những nhà máy sử dụng lượng nước lớn, nên áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, trong đó có chương trình kiểm soát lượng nước cung cấp tại nguồn trong quá trình sản xuất, vừa tiết kiệm được lượng nước sạch cung cấp đầu vào (nghĩa là tiết kiệm được chi phí) vừa giảm thiểu được lượng nước thải ra gây ô nhiễm. Việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn…… và tái sử dụng lượng nước này vào các khâu dịch vụ khác, cũng sẽ giảm được thêm lượng nước cấp và giảm bớt phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp. Trong sản xuất nông nghiệp, cần áp dụng các phương pháp tưới phun, tưới dạng màn sương vừa tiết kiệm nước, vừa hiệu quả cho cây trồng. Không được làm ô nhiễm nguồn nước sông, suối qua việc vứt rác, xác động vật chết xuống nguồn nước, làm nhà vệ sinh trên ao hồ, sông, suối. Không dùng phân tươi, nước thải ô nhiễm để bón tưới rau xanh, hạn chế sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp. Trong mỗi gia đình, khi dùng nước xong nên khóa chặt vòi nước để tránh thất thoát, lãng phí không cần thiết. Tiết kiệm, quản lý, sử dụng và khai thác nước thành công không phải là bài học “một sớm một chiều” của riêng một cá nhân nào trong xã hội. Việc thành công chỉ có thể có được khi chiến lược, qui hoạch phải phù hợp với điều kiện và tập quán của nhân dân, công tác truyền thông thông qua các chiến dịchphải được duy trì thường xuyên và rộng rãi kết hợp giữa các bộ, các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ.
Nước, tài nguyên vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người hiện không còn là vô tận nữa mà đang trở nên hữu hạn. Mỗi người cần nhận thức và có hành động tiết kiệm nước, dù nhỏ - nhưng sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này, góp phần bảo vệ sự sống của con người và mọi sinh vật trên trái đất.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |