Bài 18: QUYỀN KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Câu 1: Thế nào là quyền khiếu nại, tố cáo?
Khiếu nại,
tố cáo là những
quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.
Câu 2: Quy định của nhà nước về quyền khiếu nại tố cáo?
Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Tiếp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
- Tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật khiếu nại, tố cáo;
- Xử lý nghiêm minh người vi phạm;
- áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra;
- Bảo đảm cho quyết định giải quyết được thi hành nghiêm chỉnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại:
Công dân, cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Cán bộ, công chức có quyền khiếu nại quyết định kỷ luật của người có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Khi thực hiện việc khiếu nại, người khiếu nại có các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định, cụ thể:
1- Người khiếu nại có các quyền sau đây:
- Tự mình khiếu nại; trường hợp người khiếu nại là người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện việc khiếu nại; trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được uỷ quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác để khiếu nại;
- Nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại;
- Biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó;
- Nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại; biết thông tin, tài liệu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhận quyết định giải quyết khiếu nại;
- Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
- Khiếu nại tiếp hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về tố tụng hành chính;
- Rút khiếu nại trong quá trình giải quyết khiếu nại.
2- Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:
- Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;
- Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp các thông tin, tài liệu đó;
- Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.
Thời hiệu khiếu nại:
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được có hành vi hành chính.
Trong các trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch hoạ, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu, thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.