* Bước 1: Xác định yêu cầu đề bài
Với đề văn miêu tả hay bất kì dạng đề nào cũng vậy, bước đầu tiên chúng ta cần làm là tìm hiểu đề và xác định yêu cầu của đề bài.
Các em cần xác định được đề bài thuộc dạng bài miêu tả nào (tả vật, tả người hay tả cảnh), đối tượng cần miêu tả là ai. Chẳng hạn: Đề bài yêu cầu tả một người bạn thân của em thì em cần xác định được đây là dạng bài tả người, đối tượng cần tả là người bạn thân của em, từ đó có những liên tưởng về người bạn ấy với những đặc điểm về ngoại hình, giọng nói, tính cách, những kỉ niệm đáng nhớ mà em và người bạn ấy đã trải qua, tình cảm của em với bạn...Việc xác định dạng bài, đối tượng miêu tả sẽ giúp các em định hình được nội dung và ý tưởng cho bài viết.
* Bước 2: Lập dàn ý
Lập dàn ý là việc tóm tắt nội dung, ý tưởng cho bài viết theo cấu trúc 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài. Trong phần dàn ý, các em có thể ghi lại những ý chính mà mình muốn triển khai trong bài viết. Việc lập dàn ý hỗ trợ đắc lực cho quá trình viết bài, qua dàn ý đã xây dựng, các em tránh được việc sót ý, lạc đề, đảm bảo tính mạch lạc và trình tự diễn đạt các ý.
Chẳng hạn: Lập dàn ý cho văn tả cảnh
- Mở bài: Giới thiệu về cảnh mình định tả (Cảnh ấy là gì? Em đã gặp ở đâu? Cảm xúc của em khi nhìn thấy cảnh vật ấy?)
- Thân bài: Tả chi tiết về cảnh vật:
+ Tả bao quát (Cảnh vật ấy như thế nào?)
+ Tả chi tiết (Cảnh vật vào các thời điểm trong ngày? Tả chi tiết từng vẻ đẹp trong cảnh vật mà em ấn tượng ( thời tiết, mây, gió, nắng..., hoạt động của con người...)
- Kết bài
Cảm nghĩ, tình cảm, nguyện vọng của bản thân.