1. Nguyên nhân bùng nổ
Chính sách bóc lột vô cùng dã man, nặng nề của thực dân Pháp đối với nhân dân ta, đặc biệt là nhân dân miền Trung, được thực hiện thông qua việc thu nhiều loại sưu thuế: thuế ruộng đất, thuế thân, thuế chợ, thuế đò. Chưa thoả mãn lòng tham, chúng còn liên tục tăng mức thu các loại thuế. Đầu năm 1908, chính quyền thực dân ban hành nghị định tăng thuế 5%, tiếp đó tháng 4-1908, chúng lại tăng thêm 30%.
Ngoài tô thuế là nạn bắt phu đi lao dịch, xây dựng nhiều công trình giao thông công cộng. Để có nhân lực, thực dân Pháp bắt mỗi dân đinh phải có nghĩa vụ đi lao động không công cho chúng, ai không đi phải nộp tiền gọi là sưu hay xâu. Tuy nhiên, trên thực tế dù đã đóng tiền rồi người dân vẫn bị bắt đi lao dịch cho chúng. Ai không đi sẽ bị chính quyền thực dân khép vào tội chống đối và sẽ bị chúng chừng trị. Những người đi lao dịch phải làm việc vất vả ăn uống thì khổ cực, chưa hết họ còn bị bọn lính cai đánh đập dã man, nhiều người đã chết ngay tại công trường vì đói, rét và bệnh tật.
Ở Quảng Nam (nơi đầu tiên nổ ra phong trào chống thuế); nạn sưu thuế có phần nặng nề hơn các nơi khác. Thực dân Pháp cho xây dựng ở đây nhiều công trình, như làm tuyến đường từ biển vào Bồng Miêu, đào sông Cu Ní... Vì vậy nhân dân bị bắt đi phu có khi từ 15 đến 16 lần trong một năm, rất cực khổ, như câu ca đương thời:
Từ ngày Tây lại đế đô
Xâu cao thuế nặng biết chừng mô hỡi trời!
Còn lo một nỗi khổ đời,
Quan trên ỷ thế nhiều lời hiếp dân.
Mâu thuẫn giữa toàn thể nhân dân Trung Kì bùng phát thành hành động vào đầu năm 1908, khi tên Tri huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam ăn của đút lót trong việc phân bổ nhân dân đi làm con đường từ huyện lỵ lên tỉnh lỵ không công bằng. Nhân dân đấu tranh đòi viên tri huyện phải phân bổ lại. Không những không đáp ứng yêu cầu của nhân dân mà hắn còn bắt người giam cầm, đánh đập. Điều này đã châm ngòi cho một phong trào đấu tranh mạnh mẽ nổ ra sôi nổi khắp Trung Kì.
2. Diễn biến của phong trào chống sưu thuế ở Trung Kì
Phong trào nổ ra đầu tiên ở huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam, sau đó nhanh chóng lan ra các tỉnh Miền Trung như một phản ứng dây chuyền.
Đầu tháng 3-1908, khi tên Tri huyện Đại Lộc bắt 3 người trong số những người lên đòi phân bổ lại việc làm đường, khoảng 300 người đã kéo lên huyện đòi giảm thuế và thả người. Yêu cầu không được đáp ứng, quần chúng nhân dân lại kéo lên tỉnh đòi Công sứ Pháp phải giải quyết, nhưng 6 người lại bị bắt. Uất ức, hàng vạn quần chúng kéo đến vây quanh toà Công sứ đấu tranh đòi thả người và đòi cách chức tên Tri huyện Đại Lộc. Trước sức đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, thực dân Pháp đành phải hứa sẽ cách chức tên Tri huyện Đại Lộc và không tăng thuế nữa. Tuy vậy, từ Đại Lộc phong trào nhanh chóng lan sang các huyện Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kì,...
Ở Điện Bàn ngày 22-3-1908, 8.000 quần chúng kéo đến phủ bắt tên Tri phủ đưa trả toà sứ Hội An và xin giảm sưu thuế.
Ở Tam Kì, quần chúng vây phủ trong suốt 3 ngày khiến tên Đề Sự trông lo việc đắp đường ở Bông Miêu hoảng sợ cùng tên đại lý Pháp chạy trốn.
Ở tỉnh lỵ Quảng Nam, quần chúng tiến hành bao vây dinh tổng đốc Hồ Đắc Trung, buộc đi cùng với nhân dân đến toà sứ xin giảm sưu thuế.
Ngoài việc đòi giảm sưu thuế, nhân dân còn đấu tranh chống những hủ tục lạc hậu, cổ động xây dựng nếp sống mới. Nếu gặp ai mặc áo dài, quần chùng nhân dân liền “cắt ngắn”, ai có búi tóc bị cắt bỏ, những tên có tội với nhân dân bị trừng trị...
Từ Quảng Nam phong trào lan rộng sang các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Thanh Hoá, Nghệ An, HàTĩnh…
Tại Bình Định, quần chúng nổi dậy trừng trị những tên cỏ nợ máu với nhân dân, đi đến đâu họ cũng mang theo dao, kéo để cắt búi tóc của bất kỳ ai mà họ gặp.
Tại Quảng Ngãi, nhân dân huyện Bình Sơn nổi dậy bắt 25 Lý trưởng và Phó lý đưa lên tỉnh xin giảm sưu thuế...
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp, làm cho hàng trăm người bị bắt và bị kết án trong đó có nhiều nhà yêu nước nổi tiếng: Trần Quý Cáp bị xử tử, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Phan Phúc Duyên bị kết án và bị đày ra Côn Đảo. Phong trào chống sưu thuế ở Trung Kì tan rã...
3. Kết quả, ý nghĩa
Mặc dù thất bại, song phong trào cũng đạt được những kết quả nhất định, buộc chính quyền thực dân phải chấp nhận một số yêu sách của quần chúng: giảm thuế thân từ 2,40 đồng xuống còn 2,20 đồng, giảm 4 ngày xâu công ích xuống còn 3 ngày. Chúng còn phải tuyên bố bãi bỏ việc tăng thuế ruộng 5%.
Phong trào chống thuế trung Kì là cuộc đấu tranh công khai, tự phát của quần chúng nhân dân mà chủ yếu là nông dân nhằm chống lại thực dân Pháp và bọn tay sai đòi những quyền lợi thiết thực của người dân đồng thời tiến hành những cuộc cải cách dân chủ...
Phong trào thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, khả năng cách mạng to lớn của nhân dân ta. Đồng thời qua đó phản ánh mâu thuẫn gay gắt giữa toàn thể nhân dân ta với thực dân Pháp...