Từ ngày 5-6-1911 khi rời bến cảng Sài Gòn ra nước ngoài tìm đường cứu nước đến tháng 7-1920, khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin, Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc đã trải qua một hành trình dài hơn 9 năm, vừa lao động kiếm sống, vừa nghiên cứu, học hỏi, trải nghiệm…qua nhiều châu lục và các nền văn minh khác nhau, cùng những chuyển biến tư tưởng của Người trong suốt hành trình đó.
Trước hết, Người đã chuyển từ chủ nghĩa yêu nước đến sự đồng cảm với các dân tộc cùng cảnh ngộ. Hành trang duy nhất Người mang theo khi lên tàu thủy ra nước ngoài là chủ nghĩa yêu nước - sản phẩm tinh thần cao đẹp của lịch sử Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Tư tưởng yêu nước của Người thấm nhuần những giá trị dân tộc và nhân dân, của đạo lý Việt Nam, vừa kế thừa tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, vừa bao hàm một tinh thần đổi mới phù hợp với yêu cầu giải phóng dân tộc và xu thế của thời đại.
Trong thời đại phong kiến, chủ nghĩa yêu nước gắn với chủ nghĩa trung quân, nhưng trong bước đường suy tàn của chế độ phong kiến và sự bất lực của hệ tư tưởng phong kiến, chủ nghĩa trung quân trở nên bảo thủ và đối lập với chủ nghĩa yêu nước chân chính. Những bế tắc và thất bại của phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX chứng tỏ sự phá sản của chủ nghĩa trung quân. Nguyễn Tất Thành xuất thân trong một gia đình nhà nho, nhưng không bị ràng buộc bởi tư tưởng trung quân, như một số trí thức đương thời. Tư tưởng yêu nước của Người thấm nhuần những giá trị dân tộc và nhân dân của đạo lý Việt Nam, gắn nước với dân và lấy đó làm mục tiêu hàng đầu, làm chuẩn mực cao nhất cho mọi giá trị tinh thần. Chủ nghĩa yêu nước của Người vừa kế thừa tinh hoa của chủ nghĩa yêu nước truyền thống, vừa bao hàm một tinh thần đổi mới phù hợp với yêu cầu giải phóng dân tộc và xu thế của thời đại. Tâm thế người ra đi là như vậy.
Với những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm qua các châu lục, chủ nghĩa yêu nước ở Người có những chuyển biến mới. Sự đồng cảm với đồng bào mình đã được nâng lên thành sự đồng cảm với những người nghèo khổ và các dân tộc cùng cảnh ngộ. Cũng qua đó, sự nhận biết diện mạo của kẻ thù, giai cấp bóc lột cũng trở nên khái quát hơn, sâu sắc hơn, không chỉ đối với thực dân Pháp, mà với chủ nghĩa thực dân, đế quốc nói chung. Trên cơ đó, Người đã rút ra kết luận có tính chất căn bản đầu tiên: “Ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề”, và “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”.
Những nhận biết căn bản đó càng thôi thúc Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc quyết tâm tìm ra phương hướng giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc, mà Người nung nấu, ấp ủ từ khi rời Tổ quốc.
Từ sự đồng cảm với các dân tộc cùng cảnh ngộ, Người đã đến với chủ nghĩa quốc tế. Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành từ nước Anh trở lại nước Pháp. Được Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường giúp đỡ, Nguyễn Tất Thành hăng hái hoạt động chính trị trong Việt kiều và những người lao động Pháp. Với bản lĩnh chính trị đã được tôi luyện qua thực tiễn, Người đi tìm một hướng mới bằng việc can dự vào các phong trào chính trị nước Pháp, nhưng theo một nguyên tắc bất di bất dịch: Ủng hộ và tham gia vào các tổ chức chính trị nào bênh vực Tổ quốc mình. Theo nguyên tắc đó, năm 1919, Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Xã hội Pháp, vì theo Người, đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước ta, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại Cách mạng Pháp là “Tự do, bình đẳng, bác ái”. Người trực tiếp tham gia vào quá trình đấu tranh bôn-sê-vích hóa Đảng Xã hội Pháp. Cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các khuynh hướng khác nhau càng lôi cuốn và thôi thúc người thanh niên xứ thuộc địa Nguyễn Tất Thành nghiên cứu và hành động theo sát thời cuộc, đồng thời định hướng đúng cho chính mình.
Báo Nhân đạo (L’Humanité) - Cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp ra ngày 16 và 17-7-1920 thu hút sự chú ý đặc biệt của Nguyễn Ái Quốc bởi một tít đậm chạy suốt trang nhất: “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lê-nin. Người đọc đi đọc lại nhiều lần và qua lăng kính chủ nghĩa yêu nước chân chính, Người nhận thấy trong đó con đường giải phóng đất nước khỏi ách thực dân. Về sau, Người nhớ lại: “Trong Luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”
Như vậy, từ khi rời bến cảng Sài Gòn, lênh đênh trên các đại dương, cập bến bốn châu lục, vừa lao động kiếm sống, vừa trải nghiệm, đến giữa tháng 7-1920, tại Pa-ri (Pháp), tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc có sự chuyển biến lớn lao, từ sự đồng cảm với các dân tộc cùng cảnh ngộ, đến với chủ nghĩa quốc tế. Người đã nhìn thấy trong chủ nghĩa quốc tế khả năng thực hiện cùng một lúc ba mục tiêu lớn: Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người.
Từ thời điểm đó, thông qua báo chí, Nguyễn Ái Quốc theo sát những sự kiện chính trị thế giới đang diễn ra dồn dập, tác động mạnh đến chính trường nước Pháp, đặc biệt là Đại hội II của Quốc tế Cộng sản (QTCS) và Đại hội I của các dân tộc phương Đông. Người tham dự cuộc mít tinh lớn của hàng vạn công nhân tại rạp xiếc ở Pa-ri để chào đón Ca-sanh và Ph-rốt-xa - đại diện Đảng Xã hội Pháp tham dự Đại hội II QTCS từ Mát-xcơ-va trở về. Tiếp sau đó, tháng 9-1920, Người theo sát tiến trình Đại hội I các dân tộc phương Đông, nhằm đưa đường lối, chính sách của Đại hội II QTCS vào cuộc sống, mà trước hết là tư tưởng “đoàn kết phương Tây vô sản và phương Đông bị áp bức”. Tư tưởng đó được thể hiện rõ trong khẩu hiệu chiến đấu lần đầu đưa ra trong Đại hội: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại!”. Biên bản của Đại hội được in bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Pháp, được gửi đến Pháp, thu hút sự chú ý của tất cả những ai quan tâm đến phương Đông, trong đó có Nguyễn Ái Quốc, nhất là hai đoạn đề cập đến Đông Dương trong phát biểu của đại diện QTCS trình bày tại Đại hội.
Hai sự kiện chính trị trên góp phần củng cố niềm tin vững chắc của Nguyễn Ái Quốc vào V.I. Lê-nin, QTCS và nước Nga Xô-viết, củng cố lập trường và bản lĩnh chính trị của Người. Trên tinh thần đó, Nguyễn Ái Quốc vững tin đến Đại hội XVIII Đảng Xã hội Pháp họp ở thành phố Tua (cách Pa-ri gần 250km) và bỏ một lá phiếu trong 3.252 lá phiếu tán thành Đệ tam Quốc tế và thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Như vậy có thể khẳng định, đến đây, sự chuyển biến tư tưởng từ đồng cảm với các dân tộc cùng cảnh ngộ đến chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa cộng sản của Nguyễn Ái Quốc đã hoàn tất.