Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích những câu thơ sau bằng 1 đoạn văn

Phân tích những câu thơ sau bằng 1 đoạn văn
       Kiều càng sắc sảo mặn mà
So tài bề sắc lại là phần hơn
       Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
       Một hai nghiêng nước nghiêng thành
2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
47
1
0
Ng Nhật Linhh
30/07/2023 20:04:29
+5đ tặng

      Từ lâu, “Truyện Kiều” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã được xem là một tác phẩm có giá trị độc đáo, đánh dấu một bước phát triển vượt bậc về cả nội dung và nghệ thuật truyện thơ Nôm ở thế kỉ XVIII. Mặc dù, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được sáng tác dựa trên cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc, nhưng những dụng ý, tư tưởng nghệ thuật và sự sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Du trong “Truyện Kiều” có những bước đột phá mới mẻ, đậm đà giá trị nhân văn, nhân đạo, nhân bản, nhân sinh sâu sắc. Và một trong những sự sáng tạo nghệ thuật độc đáo khéo léo của Nguyễn Du làm nên sự thành công của tác phẩm đó là nghệ thuật tả người. Điều này được thể hiện rất rõ, rất cụ thể trong trích đoạn “Chị em Thúy Kiều” qua vẻ đẹp chân dung và tài năng của nhân vật Kiều.

      Đoạn trích nằm ở phần mở đầu của tác phẩm, giới thiệu gia cảnh của Kiều. Khi giới thiệu những người trong gia đình Kiều, tác giả tập trung tả tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều. Sau khi dựng lên chân dung và vẻ đẹp nhân vật Thúy Vân, nhà thơ tập trung bút lực vào miêu tả vẻ đẹp của Kiều trong sự đối sánh với vẻ đẹp của Vân:

"Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn"

       Vẻ đẹp của Kiều khác và hơn hẳn Vân cả về tài lẫn sắc. Đó là sự “sắc sảo” về trí tuệ; “mặn mà” về tâm hồn.

      Trước hết là vẻ đẹp nhan sắc – ngoại hình của Kiều. Vẫn tiếp tục sử dụng thủ pháp ước lệ tượng trưng lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm thước đo cho vẻ đẹp của con người qua một loạt các hình ảnh: thu thủy, xuân sơn, hoa, liễu, Nguyễn Du đã làm hiện vẻ đẹp của một trang giai nhân tuyệt mĩ. Nhưng khi miêu tả Kiều, tác giả không miêu tả cụ thể chi tiết như ở Vân mà ngược lại, tác giả tập trung vào một điểm nhìn là đôi mắt “Làn thu thủy nét xuân sơn”: Đôi mắt sáng trong và sâu thẳm như làn nước mùa thu; đôi lông mày thanh thoát như nét núi mùa xuân. Đây chính là lối vẽ “điểm nhãn” cho nhân vật. Bởi đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn con người. Và qua đôi mắt đó của Kiều, ta thấy được tâm hồn trong sáng, sâu thẳm và cuốn hút lạ thường của nhân vật. Vẻ đẹp nhan sắc của Kiều là vẻ đẹp vượt ra khỏi chuẩn mực của tự nhiên và khuôn khổ của người phụ nữ phong kiến nên: “Hoa ghen – liễu hờn” và thậm chí là nghiêng ngả cả thành quách, đất nước:

"Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành"

      Nghệ thuật nhân hóa (hoa ghen – liễu hờn) kết hợp với nghệ thuật nói quá (thành ngữ: Nghiêng nước nghiêng thành) vừa có tác dụng gợi tả vẻ đẹp của Kiều; lại vừa có tác dụng dự đoán về số phận, cuộc đời của nàng. Bởi vẻ đẹp đó gợi lên mâu thuẫn, không hài hòa (khác với Vân: thua – nhường: hài hòa, bình yên) nên chắc chắn cuộc đời nàng sẽ truân chuyên, trắc trở: “Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”.

      Tiếp đến là vẻ đẹp tài năng của Kiều. Nếu như khi tả Vân, nhà thơ chỉ chú trọng vào khắc họa vẻ đẹp nhan sắc mà không chú trọng tới miêu tả tài năng và tâm hồn thì khi tả Kiều, nhà thơ chỉ tả sắc một phần, còn lại dành phần nhiều vào tài năng:

“Sắc đành đòi một tài đành họa hai”

      Chỉ một câu thơ mà nhà thơ đã nêu được cả sắc lẫn tài. Nếu như về sắc thì Kiều là số một thì về tài không ai dám đứng hàng thứ hai trước nàng. Tài năng của Kiều có thể nói là có một chứ không có hai trên đời. Vì được trời phú cho tính thông minh nên ở lĩnh vực nghệ thuật nào Kiều cũng toàn tài: cầm – kì – thi – họa. Tất cả đều đạt đến mức lí tưởng hóa theo quan niệm thẩm mĩ của lễ giáo phong kiến: “Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”. Đặc biệt tài năng của Kiều được nhấn mạnh ở tài đàn: “Cung thương lầu bậc ngũ âm/ Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”: nàng thuộc lòng các cung bậc và đánh đàn Hồ cầm (đàn cổ) thành thạo. Hơn thế, nàng còn giỏi sáng tác nhạc nữa: “Khúc nhà tay lựa nên chương/ Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân”. Mỗi nàng lần đánh đàn, nàng lại cất lên bài hát “Bạc mệnh” làm cho người nghe phải đau khổ, sầu não. Bài hát chính là tâm hồn, là bản đàn theo suốt cuộc đời Kiều, biểu hiện một trái tim đa sầu đa cảm và cuộc đời éo le, bất hạnh.

      Tóm lại, chân dung của Kiều là bức chân dung mang tính cách và số phận. Vẻ đẹp của Kiều là vẻ đẹp khác người nên làm cho thiên nhiên phải ghen tị “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”; tài năng của Kiều vượt trội hơn người nên chắc chắn theo một qui luật thông thường của định mệnh “Chữ tài đi với chữ tai một vần” hay “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” nên cuộc đời Kiều là cuộc đời của một kiếp hồng nhan bạc mệnh, éo le và nghiệt ngã.

      Đến đây chúng ta thấy được tài năng độc đáo của Nguyễn Du trong việc khắc họa chân dung con người. Từ vẻ đẹp chân dung, nhà thơ thể hiện những dự cảm về tính cách, cuộc đời, số phận của nhân vật. Và mặc dù, ở đầu đoạn trích, tác giả giới thiệu Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân nhưng sau đó, nhà thơ lại miêu tả chân dung nhân vật Vân trước, Kiều sau. Đó là một dụng ý nghệ thuật của nhà thơ trong việc tạo ra thủ pháp “đòn bẩy”. Điều đó có tác dụng nhấn mạnh và làm nổi bật được vẻ đẹp độc đáo, vượt trội về cả sắc lẫn tài và tình của nhân vật Thúy Kiều. Vì thế, tuy cùng sử dụng nghệ thuật ước lệ tượng trưng khi miêu tả hai nhân vật nhưng chúng ta thấy được mức độ đậm nhạt khác nhau ở mỗi người. Nhà thơ chỉ dùng bốn câu để tả Vân, còn lại dành tận mười hai câu để tả Kiều; tác giả khi tả Vân chỉ tập trung tả nhan sắc nhưng khi tả Kiều thì “sắc đành đòi một, tài đành họa hai”. Mặc dù vậy nhưng ở nhân vật nào cũng hiện lên rất sống động, cụ thể, chân thực, mang vẻ đẹp, tính cách, số phận khác nhau.

      Như vậy, bằng bút pháp ước lệ lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người, Nguyễn Du đã khắc họa thành công vẻ đẹp chân dung hai chị em Thúy Kiều, đặc biệt là vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều. Qua đó, chúng ta thấy được cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp, tài năng con người và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh đầy nhân văn ở Nguyễn Du.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
1
0
doan man
30/07/2023 20:05:13
+4đ tặng

     Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, niềm tự hào của đất nước với “con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ tới muôn đời”. Tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông chính là Truyện Kiều, một kiệt tác có sức sống bền bỉ muôn đời. Và một trong những đoạn trích đặc sắc nhất có thể kể đến là đoạn phân tích vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều mà em đã được học trong chương trình Ngữ Văn lớp 9:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn

Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai

Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm

Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một chương

Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân”

      Mở đầu đoạn trích là phần miêu tả khái quát về vẻ đẹp rung động lòng người của nàng Kiều:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà

So bề tài sắc lại là phần hơn”

      Sở dĩ tác giả để nhân vật chính, Kiều, được khắc họa sau người em Thúy Vân, không phải để nàng chịu thua kém mà ngược lại, làm nổi bật sắc đẹp vốn có của nàng. Với nhãn tự “càng”và từ “hơn”, Nguyễn Du đã rất thành công trong việc sử dụng thủ pháp đòn bẩy, dùng Thúy Vân làm bước đệm cho Kiều càng tỏa sáng. Thúy Vân đã là một người con gái xinh đẹp tuyệt trần thế nhưng Kiều lại “càng” kiều diễm, mĩ lệ, vượt trội trên cả hai phương diện: sắc và tài. Sắc đẹp tuyệt đỉnh ấy đã được tác giả mô tả bằng hai từ “sắc sảo”, “mặn mà”. “Sắc sảo” nghĩa là tinh khôn, thông minh. “Mặn mà” ý chỉ nét đẹp trong tâm hồn, là sự chín chắn, trưởng thành của một người “phụ nữ” chứ không còn là một “thiếu nữ” nữa . Thân là chị cả, Kiều cũng sẽ trải nghiệm đời sống, tiếp xúc với mọi người nhiều hơn Thúy Vân cũng là lẽ thường tình. Từ đây ta nhận ra những nét đẹp trong Kiều từ trí tuệ đến tâm hồn đều được biểu hiện rất rõ ràng qua phong thái, dung nhan toàn vẹn của nàng và cũng hiểu ra tác giả đã ngầm khẳng định Kiều là nhân vật trung tâm của câu chuyện.

      Với hai câu tiếp theo, Nguyễn Du đã khắc họa về nhan sắc của nàng một cách cụ thể:

“Làn thu thủy nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”

      Ở đây tác giả đã sử dụng một bút pháp độc đáo của phương Đông cổ điển, chính là “lấy điểm để tả diện” hay “vẽ mây nảy trăng”, ý chỉ nếu muốn tả một vầng trăng sáng, không cần phải tả trăng, chỉ cần cho người khác thấy những đám mây xung quanh lấp lánh dát vàng, người đọc sẽ tự hiểu rằng mặt trăng sáng thế nào. Tương tự vậy, nếu muốn tả một người con gái đẹp, chỉ cần tả những nét tiêu biểu nhất là đủ. Với Thúy Kiều, đôi mắt “cánh cửa sổ tâm hồn” và hàng lông mày là bộ phận ánh lên vẻ xinh đẹp và sắc sảo nhất. Thật vậy, bằng những hình ảnh ước lệ tượng trưng, ta thấy được đôi mắt trong trẻo, long lanh của Kiều như “làn thu thủy”, tức nước mùa thu. Tại sao lại là mùa thu? Vì thu là mùa thơ mộng nhất trong năm khi bầu trời cao vời vợi, xanh biếc nên lúc ấy làn nước thu cũng là đẹp đẽ nhất. Còn hàng mày của nàng lại thanh tú như “nét xuân sơn”, nghĩa là rặng núi mùa xuân đầy sức sống. Hai thứ này kết hợp lại với nhau tạo nên dung nhan mê người đến mức thiên nhiên cũng phải đố kị mà ta nhận thấy qua từ “hoa ghen”, “liễu hờn”. Điều đó cho thấy sắc đẹp của nàng đã phi thường, vượt trội đến mức vượt ra ngoài quy luật tự nhiên khiến tạo hóa phải ghen ghét.

      Không chỉ có sắc đẹp diễm lệ mà Kiều còn có tài năng hơn người. Điều đó được thể hiện qua hai câu tiếp theo:

“Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai”

      Với một câu thành ngữ: “nghiêng nước nghiêng thành”, Nguyễn Du đã nói lên hết nhan sắc xuất chúng của Kiều. Có người cho rằng thành ngữ này lấy từ điển tích về nàng Tây Thi, một trong tứ đại mĩ nhân. Tương truyền, vì sắc đẹp trời ban, nên Tây Thi đã làm vua Trung Quốc thần hồn điên đảo, để cuối cùng nước mất nhà tan. Nhưng cũng có người cho rằng, thành ngữ này lấy ý tứ từ bài “Giai nhân ca” của Lý Diên Niên đời Hán:

“Nhất cố khuynh nhân thành

Tái cố khuynh nhân quốc”

      Dù là với cách giải thích nào thì ý nghĩa của thành ngữ này vậy, “nghiêng nước”(khuynh quốc) “nghiêng thành” (khuynh thành) để chỉ sắc đẹp của bậc mĩ nhân có thể làm khuynh đảo cả một quốc gia. Cùng số từ “một”, “hai” và biện pháp phóng đại, ta hiểu được ý của cả câu thơ là sắc đẹp “chim sa cá lặn” của Thúy Kiều thu hút đên nỗi dù chỉ với một, hai cái nhìn thì đến cả vua chúa cũng phải si mê mà “nghiêng nước nghiêng thành”. “Sắc đành đòi một” tức là ngoài Kiều ra nhan sắc tuyệt đẹp ấy chẳng một ai có thể sở hữu, “tài đành họa hai” nghĩa là họa may, họa chăng mới có người thứ hai tài năng được như nàng. Thế mới hiểu, cái tài và cái sắc của Kiều là không chỉ vượt tầm thiên nhiên mà còn là độc nhất vô nhị, khó ai có được.

      Để hiểu rõ hết cái tài hoa của nàng Kiều, ta phải phân tích các câu sau:

“Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”

      Sở dĩ Thúy Kiều có được tài năng như vậy một phần cũng do sự ưu ái mà trời đất ban tặng. Cái tài của nàng là cái bẩm sinh, thiên phú mà không phải ai cũng có được. Từ đó ta thấy được sự vượt trội, nổi bật rõ rệt của nàng so với những cô gái khác thời bấy giờ. Chưa hết, nàng lại sành sõi cả 4 môn nghệ thuật: “thi”, “họa”, “ca”, “ngâm”. “Thi” là văn chương, “họa” là vẽ tranh, “ca” là ca hát, “ngâm” là ngâm thơ. Như vậy, Kiều vừa làm nên những áng thơ hay, vừa giỏi hội họa, vừa hát tuyệt vời mà đến ngâm thơ cũng biết. Thế mới nói, nàng tài giỏi trong mọi lĩnh vực, phương diện, không gì là không tài giỏi. Thậm chí, ngay cả đến âm nhạc, Kiều cũng không thua kém một ai:

“Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương”

      Về nhạc lí và hệ thống âm nhạc của Trung Quốc “ngũ âm”, nàng đã tinh thông đến mức “làu làu”. Không chỉ thông tuệ lí thuyết, Kiều còn biết áp dụng vào thực hành, đánh đàn hồ cầm một cách điêu luyện. Cái thông thạo đó được thể hiện qua từ “nghề”. Không phải biết chơi vài nốt đã là “nghề”. “Nghề” chỉ sự thuần thục, nhuần nhuyễn đã phải rèn luyện qua một quá trình dài. Ở đây muốn nói, Kiều đã đạt đến cái đỉnh cao của chơi đàn hồ cầm, có được sự tài hoa khi chơi đàn, “ăn đứt” những nghệ sĩ khác.

     Không những chơi đàn giỏi, Kiều còn biết sáng tác nhạc:

“Khúc nhà tay lựa nên chương

Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân”

      Kiều có thể sáng tác ra những khúc nhạc buồn mà điển hình ở đây là “Bạc mệnh”. “Bạc mệnh” vốn là tên bản đàn do Kiều nghĩ ra, nhưng đồng thời cũng là từ ngữ chỉ số phận bạc bẽo, khổ đau. Kiều có tài đến mức, bản nhạc của nàng chạm đến trái tim người nghe, khiến cho ai cũng phải buồn bã, sầu não. Ở đây, Nguyễn Du đã có ẩn ý về số phận sau này của Kiều, cũng chính là “Bạc mệnh”. Số phận Kiều như bèo dạt mây trôi, đầy gian truân, sóng gió. Điều này cũng là dễ hiểu vì Thúy Kiều quá đỗi xinh đẹp và tài năng mà theo quan điểm Nho giáo như Nguyễn Du đã đề cập từ đầu tác phẩm thì nàng chỉ có thể gặp bất hạnh:

“Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”

      Tóm lại, đoạn trích trên đã sử dụng thành công rực rỡ nghệ thuật ước lệ tượng trưng để gợi tả vẻ đẹp và tính cách riêng của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Qua đó cũng thể hiện sự trân trọng sắc đẹp, ca ngợi tài năng và phẩm hạnh của con người và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh.

     Truyện Kiều chính là viên ngọc sáng giá trong nền văn học Việt Nam. Thật không ngoa khi nhà văn Phạm Quỳnh nhân xét: ”Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”, và cũng không ngẫu nhiên mà Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới. Tác phẩm chắc chắn sẽ sống mãi với thời gian và mang in dấu ấn sâu đậm trong tim bao thế hệ người đọc

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×