Tám câu thơ cuối trong bài thơ Kiều ở lầu Ngưng Bích đã thể hiện được tâm trạng buồn bã của Thúy Kiều, cùng với đó là nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tài hoa của Nguyễn Du. Nguyễn Du từng khẳng định rằng người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Điệp ngữ "Buồn trông" đã nhấn mạnh được tâm trạng buồn thương, đau khổ, u sầu và tự thương xót cho số phận của chính bản thân mình của nàng Kiều. Tám câu thơ cuối được chia thành bốn hình ảnh thơ ẩn chứa biện pháp tả cảnh ngụ tình vô cùng đặc sắc và tài hoa của tác giả Nguyễn Du. Khi Kiều nhìn ra "cửa bể chiều hôm", nàng nhìn thấy hình ảnh của chiếc thuyền thấp thoáng cùng với cánh buồm xa xa. Hình ảnh ấy diễn tả được sự cô đơn, lẻ loi, bé nhỏ và vô định, đơn độc của Kiều giữa dòng đời khó khăn, nhiều phong ba bão táp. Khi Kiều nhìn "ngọn nước mới sa", hình ảnh mà nàng nhìn thấy đó chính là "hoa trôi man mác biết là về đâu". Hình ảnh của cánh hoa trôi vô định, sống một cuộc đời khổ đau cũng chính là hình ảnh của nàng Kiều đang phải chịu đựng sự vùi dập, không biết đi đâu về đâu giữa dòng đời. Khi nàng nhìn "nội cỏ rầu rầu", nàng nhìn thấy chân mây và mặt đất nhuốm một màu xanh tang thương, buồn bã đến nao lòng. Chao ôi, cuộc sống giam lỏng vô nghĩa theo năm tháng của nàng ở lầu Ngưng Bích khiến cho nàng thấy chân mây và mặt đất cũng chẳng còn khác nhau gì nữa! Và cuối cùng khi nàng nhìn gió cuốn mặt duềnh, thì hình ảnh "ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi" đã diễn tả được cuộc sống sóng gió đến tột cùng ở phía trước của nàng. Về tâm trạng của Kiều, dường như Kiều thực sự cảm thấy sợ hãi đến tột cùng về những tương lai phía trước của bản thân, tất cả những hình ảnh âm thanh đó đều ngầm dự báo cho số phận lênh đênh lận đận của nàng phía trước. Trong cảnh đó, nhà thơ gửi gắm tâm trạng của nhân vật một cách tài hoa và đặc sắc. Tóm lại, tám câu thơ cuối Kiều ở lầu Ngưng Bích đã diễn tả được tâm trạng đau khổ, buồn thương của Thúy Kiều và những dự cảm không lành của Kiều về tương lai phía trước thông qua bút pháp tả cảnh ngụ tình tài hoa của Nguyễn Du.