Bãi cọc gỗ vừa được khai quật tại xã Liên Khê (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) là một phát hiện cực kỳ quan trọng, giúp chúng ta có những nhận thức hết sức mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 của quân dân nhà Trần trước quân xâm lược Mông-Nguyên.- Cảm xúc tháng tám: Nhớ về những người lính giải phóng
- Câu chuyện về liệt sĩ vô danh
- Nghệ nhân CCB, thương binh Phan Trọng Điền tâm huyết với nghề đúc đồng truyền thống
Khu di tích Bạch Đằng Giang, trên đất Thuỷ Nguyên, Hải Phòng.
Đó là nhận định của GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử-Khảo cổ-Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia.
Ngày 1/10/2019, người dân địa phương phát hiện hai thân cây gỗ nằm trong lòng đất thuộc vùng đê bao sông Đá Bạc, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng. Sau đó, Viện Khảo cổ học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã về Hải Phòng tiến hành 2 đợt khảo sát và khai quật 27 cọc gỗ cổ, có niên đại khoảng 1270-1430.
Từ việc khai quật bãi cọc gỗ cổ này mở ra rất nhiều hướng nghiên cứu mới, trên cả phương diện về khảo cổ học, lịch sử quân sự và kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đồng thời, giúp có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa “truyền thống Bạch Đằng”.
GS.TSKH Vũ Minh Giang đánh giá: “Trận Bạch Đằng năm 1288 được coi như một trận quyết chiến chiến lược để tiêu diệt hoàn toàn ý chí xâm lược của quân Nguyên Mông. Khi chúng ta phát hiện ra trận địa này, phải có sự sắp xếp, hình dung, nhận thức lại nhiều vấn đề về trận Bạch Đằng lịch sử”.
Trước đây, chúng ta dựa vào sách và các mô tả rất trừu tượng, các nhà khoa học phải tưởng tượng ra, với một điểm neo là bãi cọc đã được phát hiện ở Quảng Yên (Quảng Ninh) và tất cả nghiên cứu trước đây đều xoay quanh bãi cọc đó. Qua việc phát hiện bãi cọc ở Quảng Yên, cho thấy ông cha ta đã không đóng cọc gỗ ở lòng sông Bạch Đằng mà đóng ở các lạch triều, để dồn đội hình địch lại, sau đó dùng kế hỏa công tiêu diệt các thuyền địch.
Còn qua việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ, cho thấy trận địa này nằm rất gần cửa Bạch Đằng, có một lạch triều chạy qua đây. Rất có thể đây là một bãi cọc còn lớn hơn bãi cọc đã tìm thấy ở Quảng Yên. Và qua đó chưa thể khẳng định trận đánh chính nằm ở bãi cọc Quảng Yên hay Cao Quỳ.
Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, giúp chúng ta có những nhận thức hết sức mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng.
Trước đây, có nhiều ý kiến về việc xác định trận Bạch Đằng ở Quảng Ninh hay Hải Phòng, theo GS.TSKH Vũ Minh Giang, giờ có thể khẳng định, trận Bạch Đằng chủ yếu dựa vào địa thế dân hai bên bờ sông hai địa phương đều có đóng góp, nhưng xét về cấu trúc địa chất thì việc ém quân bên Thủy Nguyên phù hợp hơn, vì có núi non phù hợp với phục binh, còn bên Quảng Yên thì trống trải. Có khả năng lớn đây là nơi đã được quân ta dụ địch vào để đánh.
GS Vũ Minh Giang đặt vấn đề về việc bảo tồn khu di tích này sẽ như thế nào, vì bãi cọc nằm trong lòng đất 7-8 thế kỷ, được bảo lưu tương đối tốt, nhưng bây giờ đã được cho xuất lộ, dưới ánh sáng mặt trời, khí hậu thay đổi… sẽ rất nhanh hỏng. Nên vấn đề bảo tồn phải được đặt ra ngay.
Chính vì vậy, ngày 7/1 vừa qua, Bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) đã được lấp lại trong lúc chờ các nhà khoa học lập phương án bảo tồn.
Theo GS. Vũ Minh Giang, việc phát huy giá trị lịch sử của di tích này theo cách thế nào cũng là vấn đề rất quan trọng.
Đây là một di tích vô cùng quý giá, nhưng nếu chỉ là cọc gỗ khô khan thì chỉ hấp dẫn những nhà chuyên môn nghiên cứu, còn khách khứa thập phương, học sinh… cần có cách thu hút khác. Theo GS. Vũ Minh Giang, ý tưởng xây dựng một bảo tàng tái hiện lại trận chiến Bạch Đằng, sẽ là một ý tưởng rất hay, làm sống lại khí thế hào hùng của thời chống quân Mông-Nguyên, tái hiện lại sự đóng góp to lớn của nhân dân trong việc xây dựng trận địa này.
GS Vũ Minh Giang gợi ý, chúng ta có thể tái hiện lại khung cảnh quân đội lên rừng chặt từng này cây gỗ, rồi chuyển về, làm sao giữ được bí mật khi nơi đây cách Vạn Kiếp có mấy chục km, quân Mông-Nguyên đóng ở đó nhưng không biết gì về trận phục kích này. Làm sao quân đội thời Trần biết được lúc nào triều lên, triều xuống, mà đây là chế độ bán nhật triều (một ngày thủy triều lên xuống 2 lần), tức là chắc chắn phải có sự giúp đỡ của nhân dân... Những điều đó nếu được tái hiện lại ở bảo tàng sẽ giúp thể hiện được nghệ thuật quân sự của cha ông và đóng góp của nhân dân ở trận chiến lịch sử Bạch Đằng.
GS. Vũ Minh Giang khẳng định việc phát hiện bãi cọc Cao Quỳ giúp chúng ta có thêm căn cứ khoa học để phát huy hơn nữa truyền thống “Bạch Đằng Giang - Bản hùng ca của dân tộc”, gợi nhớ lại trang sử hào hùng của cha ông ta trên sông Bạch Đằng, ôn lại truyền thống lịch sử, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, truyền thống tự hào của dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.