Tháng 5 năm Ất Dậu (tháng 7 năm 1885), khi nổ ra cuộc phản công của phe chủ chiến ở Kinh thành Huế, thì ở Bình Định cũng đang diễn ra kỳ thi Hương. Đến khi nghe tin Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, xuống dụ Cần vương, mấy nghìn sĩ tử liền bỏ thi, trở về quê tụ nghĩa. Ở lại thi tiếp, chỉ còn 8 người và tất cả đều trúng tuyển cử nhân, trong số đó có Mai Xuân Thưởng.
Thi đỗ xong, Mai Xuân Thưởng trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ ở Hòn Sưng (nay thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn).
Khi ấy, nguyên Tổng đốc Đào Doãn Địch, sau khi về Bình Định truyền hịch Cần Vương, cũng đã chiêu mộ được khoảng 600 nghĩa quân rồi đóng quân ở thôn Tùng Giản (nay thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước).
Kể từ đó (cho đến năm 1887), phong trào Cần Vương ở Bình Định diễn ra rất sôi nổi, và lan nhanh ra đến Quảng Ngãi, Phú Yên...lôi kéo hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp tham gia.
Giữa tháng 7 năm 1885, nghĩa quân ở Bình Định đã tổ chức đánh chiếm tỉnh thành này. Trừng trị viên quan thân Pháp là Tổng đốc Lê Thận xong, họ còn kéo nhau đi đánh phá các làng theo đạo Thiên Chúa giáo.
Từ Quy Nhơn, quân Pháp kéo lên đàn áp. Đoàn Doãn Địch dàn quân kháng cự lại. Hai bên giao tranh dữ dội ở Trường Úc và Phong Niên. Trước hỏa lực mạnh, lực lượng của Đoàn Doãn Địch bị đánh tan, buộc vị thủ lĩnh này phải chạy về đại bản doanh của Mai Xuân Thưởng, lúc này đang đặt tại Lộc Đổng (Đồng Hươu) ở thôn Phú Phong (huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định).
Tháng 9 năm đó, Đoàn Doãn Địch lâm bệnh mất, Trước đây, khi Mai Xuân Thưởng ứng nghĩa, được Đoàn Doãn Địch phong làm Tán tương quân vụ; nay trước khi mất, ông cử Mai Xuân Thưởng lên làm Nguyên soái thay mình.