Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Đối tượng nghiên cứu của đề tài số phận của người phụ nữ thời phong kiến trong các tác phẩm thơ của Hồ Xuân Hương

đối tượng nghiên cứu của đề tài số phận của người phụ nữ thời phong kiến trong các tác phẩm thơ của Hồ Xuân Hương
1 trả lời
Hỏi chi tiết
203
Tham khảo câu trả lời từ Trợ lý ảo Lazi
Đối tượng nghiên cứu của đề tài "Số phận của người phụ nữ thời phong kiến trong các tác phẩm thơ của Hồ Xuân Hương" là người phụ nữ thời phong kiến, đặc biệt là những người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam. Tác giả Hồ Xuân Hương đã sử dụng những tác phẩm thơ của mình để phản ánh và thể hiện cuộc sống, tình yêu, tình dục, đấu tranh cho quyền tự do và những khó khăn mà phụ nữ phải đối mặt trong xã hội phong kiến. Đề tài này có thể nghiên cứu về vai trò, địa vị, quyền lợi, những ràng buộc và những khó khăn mà người phụ nữ phải đối mặt trong xã hội phong kiến, cũng như cách Hồ Xuân Hương đã sử dụng thơ để thể hiện và phản ánh những vấn đề này.
1
0
Tạ Nguyên Đức
21/10/2023 21:15:20
+5đ tặng

1. Lí do chọn đề tài

        

          Hồ Xuân Hương –một nữ sĩ tài năng và độc đáo trong văn học Việt Nam, từng được thi sĩ Xuân Diệu tôn vinh là “bà chúa thơ Nôm”. Thơ của Xuân Hương đã làm cho đời sống văn học trở nên sôi nổi, với hàng trăm bài viết, hàng trăm ý kiến khác nhau về thơ bà. Đặc biệt là mảng thơ Nôm, có nhiều ý kiến cho rằng thơ bà mang yếu tố dâm và tục, nhưng thời gian trôi qua, dần dần  mọi người hiểu và càng thêm trân trọng tài năng cũng như phẩm chất con người nữ sĩ hơn. Tên tuổi của Xuân Hương hiện nay được đặt cạnh đại thi hào Nguyễn Du và Nguyễn Trãi, qua đó cũng chứng minh rằng nữ sĩ Hồ Xuân Hương  có vị trí đặc biệt trong làng văn học nói riêng và trong lòng mọi người dân Việt Nam nói chung. Xuân Hương còn được mệnh danh là “nhà thơ của phụ nữ”, bởi thơ bà là tiếng nói tâm tình của người phụ nữ - những người phụ nữ rất đỗi  bình thường trong xã hội cũ phải gánh chịu biết bao thiệt thòi, bất hạnh nhưng không ai dám lên tiếng đấu tranh. Vấn đề người phụ nữ là vấn đề thời sự của văn học giai đoạn này. Vấn đề người phụ nữ được đặt ra với qui mô sâu rộng và được soi sáng ở nhiều góc độ rất tinh tế. Có thể nói, Xuân Hương là nhà thơ đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc đã mang đến cho thơ văn tiếng nói của người phụ nữ.

          Ngày nay, chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh, tiến bộ hơn, người phụ nữ cũng được đề cao và coi trọng. Bên cạnh đó, vẫn còn đâu đây những số phận của người phụ nữ phải chịu bất hạnh trong cuộc sống. Vì vậy, thơ Xuân Hương vẫn còn vẹn nguyên giá trị và sức sống. Đọc thơ Xuân Hương,  chúng ta không chỉ đồng cảm, sẻ chia mà còn  để chiêm nghiệm và  suy ngẫm. Từ đó,  ta lại càng thấy trân trọng và đồng cảm cho số phận của những người phụ nữ kém may mắn.

 

2. Lịch sử vấn đề

           

            Hồ Xuân Hương với một tài thơ độc đáo đã trở thành một trung tâm thu hút biết bao nhiêu thế hệ nhà nghiên cứu và độc giả yêu quý thơ bà vào cuộc tìm kiếm, nhưng cho đến nay đề tài về Hồ Xuân Hương vẫn mãi là một vấn đề mang tính thời sự văn học nóng bỏng là đề tài không bao giờ nhàm chán. Qua các công trình nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương từ trước đến nay, chúng ta thấy, việc đánh giá về thơ Hồ Xuân Hương diễn ra rất phức tạp đã có rất nhiều ý kiến khác nhau thậm chí đối lập nhau.  Chẳng hạn như Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, đầu những năm 20 của thế kỉ XX phê bình: “Thơ Hồ Xuân Hương thật tinh quái, những câu thơ hay đọc lên đến ghê người”. Trương Tửu thấy trong thơ bà có tục và dâm và ông gọi Xuân Hương làthiên tài hiếu dâm …và còn nhiều ý kiến khác nữa.

          Bàn về vấn đề hình tượng người phụ nữ trong thơ bà cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu như cuốn “Văn học Việt Nam”(giai đoạn nữa cuối thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX) của tác giả Nguyễn Lộc, Nxb GD, 2001. Hay cuốn “Hồ Xuân Hương về tác gia và tác phẩm”, Nxb GD, 2007,  cuốn “thơ Hồ Xuân Hương” của Phạm Uyên, Nxb Đồng Nai, 2004. Hay cuốn “ Thơ và đời của Lữ Huy Nguyên…Nói chung tất cả các cuốn trên đều có đề cập đến cuộc đời cũng như sự nghiệp văn chương của Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, chưa có một công trình nào đề cập cụ thể đến vấn đề hình tượng phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương” một cách hệ thống và toàn diện mà chỉ đề cập đến một khía cạnh, chỉ một mặt nhỏ trong công trình nghiên cứu của họ. Có thể khẳng định "lịch sử nghiên cứu Hồ Xuân Hương là lịch sử nỗi ám ảnh chưa bao giờ đứt đoạn của vấn đề tiểu sử và văn bản thơ Hồ Xuân Hương”

 

3. Mục đích và ý nghĩa của đề tài

 

         Thông qua việc tìm hiểu nội dung và bước đầu nghiên cứu hình tượng  người phụ nữ trong thơ Xuân Hương, bài viết này cố gắng đưa ra những suy nghĩ về thơ và đời của Xuân Hương và đặc biệt là để có cái nhìn về nhìn đồng cảm với số phận người phụ nữ xưa, hi vọng đây sẽ là tài liệu bổ ích cho những ai muốn quan tâm và tìm hiểu về Hồ Xuân Hương. Ở đề tài này, cùng với những bài nghiên cứu của những người đi trước, người viết hi vọng sẽ góp thêm ý kiến nhỏ của mình để làm nổi bật lên hình tượng phụ nữ trong thơ Xuân Hương. Tuy nhiên, vì điều kiện thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, cũng như kiến thức có hạn nên bài làm còn rất nhiều thiếu sót, kính mong thầy cô cùng các bạn góp ý để bài làm hoàn chỉnh hơn.

           

                                                NỘI DUNG

 

I. Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Xuân Hương

 

 1. Cuộc đời

            Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nữ nổi tiếng trong lịch sử văn học dân tộc. Đối với người Việt Nam, tên tuổi của Hồ Xuân Hương quen thuộc không kém bất cứ một nhà thơ nào. Đáng tiếc là về cuộc đời của nữ sĩ, chúng ta được biết quá ít. Tiểu sử của Hồ Xuân Hương đến nay vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi. Thậm chí có một vài ý kiến còn cho rằng những bài thơ được xem là của Hồ Xuân Hương hiện nay do nhiều người sáng tác, nghĩa là không có ai thực sự là Hồ Xuân Hương. Dựa vào một số tài liệu lưu truyền, những bài thơ được khẳng định là của Hồ Xuân Hương, các nhà nghiên cứu đã tạm thừa nhận một số kết luận bước đầu về tiểu sử của nữ sĩ:

          "Bà Chúa thơ Nôm" là “con của Hồ Phi Diễn (1706-1783), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An và một người thiếp quê ở Hải Dương”. Năm sinh, năm mất, thân thế, cuộc đời, và thơ văn của bà đến nay vẫn còn vướng mắc nhiều nghi vấn. Ta chỉ biết bà sống vào thời Lê mạt Nguyễn sơ, người cùng thời với Nguyễn Du (1765-1820), Phạm Đình Hổ (tức Chiêu Hổ, 1768-1839).( theo thống kê của nhiều tài liệu)

            Bà xuất thân trong một gia đình nhà nho phong kiến song hoàn cảnh cuộc sống đã giúp nữ sĩ có điều kiện sống gần gũi với quần chúng lao động nghèo, lăn lộn và tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ bị áp bức trong xã hội. Bà là một phụ nữ thông minh, có học nhưng học hành cũng không được nhiều lắm, bà giao du rộng rãi với bạn bè, nhất là đối với những bạn bè ở làng thơ văn, các nhà nho. Nữ sĩ còn là người từng đi du lãm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước.

           Hồ Xuân Hương là một phụ nữ tài hoa có cá tính mạnh mẽ nhưng đời tư lại có nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn mà đến hai lần đi lấy chồng, hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc. (Nhưng theo tài liệu của GS Hoàng Xuân Hãn và ông Lê Xuân Giáo thì nữ sĩ có tới ba đời chồng chứ không phải hai: Tổng Cóc, Ông Phủ Vĩnh  Tường, và cuối cùng là quan Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiến). Có thể thấy Hồ Xuân Hương không phải là một phụ nữ bình thường của thời phong kiến mà bà đã có một cuộc sống đầy sóng gió.

 

2.  Sự nghiệp sáng tác

 

           Hồ Xuân Hương  là nhà thơ Nôm nổi tiếng sống vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Bà đã để lại nhiều bài thơ độc đáo với phong cách thơ vừa thanh vừa tục và được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm. Hồ Xuân Hương được coi là một trong những nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam, “là nhà thơ độc đáo có một không hai trong lịch sử văn học dân tộc”. Các tác phẩm của bà đã bị mất nhiều, đến nay còn lưu truyền chủ yếu là những bài thơ chữ Nôm truyền miệng.

           Năm 1962, ông Trần Văn Giáp đã công bố 5 bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương trên báo Văn nghệ viết về vịnh Hạ Long. Đến năm 1983, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã dịch và đặt tên cho 5 bài thơ này (bao gồm: Độ Hoa Phong, Hải ốc trù, Nhãn phóng thanh, Trạo ca thanh, Thuỷ vân hương) và công bố trong bài Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long, đăng trên tập san Khoa học xã hội, tại Paris vào năm 1984.

           Năm 1964, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại phát hiện một tập thơ nữa tên là Lưu Hương ký và công bố trên tạp chí văn học, những nghiên cứu đến nay nhiều người tán thành rằng những bài thơ trong đó là của Hồ Xuân Hương. Lưu Hương kí là tập thơ có nội dung tình yêu gia đình, đất nước, nó không thể hiện rõ cá tính mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương, cho nên, việc nghiên cứu giá trị thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu được thực hiện trên những bài thơ Nôm truyền tụng của bà.                

          Cách tả cảnh, tả tình, cách dùng từ... trong thơ Nôm của bà có một không hai, vô cùng sống động và đặc sắc. Xuân Diệu đánh giá thơ Hồ Xuân Hương là "tót vời của nguồn thơ nôm na bình dân".

          Xuân Hương là một nữ sĩ có thiên tài và giàu tình cảm, nhưng “vì số phận hẩm hiu, thân thế long đong, nên trong thơ của bà hoặc có ý lẳng lơ, hoặc có giọng mỉa mai, nhưng bài nào cũng chứa chan tình tự”. Thơ Xuân Hương cũng rắc rối, phức tạp như chính cuộc đời bà. Số bài thơ còn lại cho đến nay chủ yếu nhờ vào sự lưu truyền, bảo vệ của nhân dân nên có nhiều dị bản. Số thơ Nôm lâu nay được coi là của nữ sĩ khoảng năm mươi bài. Ðây  là  tập thơ Nôm luật Ðường xuất sắc của nền văn học dân tộc (Tập thơ Xuân Hương thi tập) Ngoài tập thơ này còn có tập thơ  Lưu Hương ký mang bút danh của nữ sĩ do ông Trần Thanh Mại phát hiện vào năm 1964 gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ Nôm. Với một nghệ thuật điêu luyện, nhà thơ viết về tâm sự và  những mối tình của mình  với những người bạn trai.

          Ðọc kĩ người ta thấy có một khoảng cách khá xa giữa tập thơ Nôm của Xuân Hương và Lưu Hương ký, chủ yếu là về phong cách biểu hiện. Trong Lưu Hương ký có cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm. Riêng phần thơ chữ Nôm trongLưu Hương ký nếu so sánh với thơ lâu nay được coi là của Xuân Hương thì hai bên vẫn có sự khác nhau. Thơ chữ Nôm trong Lưu Hưong ký có rất nhiều từ Hán Việt, giọng thơ lại hiền lành chứ không góc cạnh, gân guốc như ở Xuân Hương thi tập. Vì lí do trên, để bảo đảm tính khoa học, các nhà nghiên cứu chủ yếu chỉ dừng lại ở tập thơ Nôm còn Lưu Hương ký được coi là một tập thơ để tham khảo.

 

II. Hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương

 

1. Hình tượng người phụ nữ trong văn học trung đại nói chung

 

 a. Khái niệm hình tượng và hình tượng trong văn học

           

          “Hình tượng là sự phản ánh hiện thực một cách khái quát bằng nghệ thuật dưới hình thức những hiện tượng cụ thể, sinh động, điển hình, nhận thức trực tiếp bằng cảm tính”. Hình tượng văn học trong các tác phẩm luôn là phương tiện hình thức để nhà văn bộc lộ giá trị tư tưởng và phong cách nghệ thuật của mình . Mỗi nhà văn khi cầm bút phải không ngừng sáng tạo tìm tòi để xây dựng hình tượng nhân vật tiêu biểu đặc sắc. Không phải tác phẩm văn học nào cũng có hình tượng văn học. Không phải nhân vật nào trong tác phẩm văn học đều trở thành hình tượng nhân vật văn học. Để trở thành hình tượng văn học điều kiện tiên quyết là phải có tính điển hình. Trong văn học, hình tượng nhân vật phải là: nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Nghĩa là nhân vật văn học ấy phải có sức tập trung khái quát cao. Nhân vật ấy phải có những nét chung nhất của tầng lớp, giai cấp... mà mình đại diện. Và bối cảnh xã hội mà nhân vật ấy xuất hiện phải là bối cảnh điển hình của một vùng, một nơi vào một thời điểm lịch sử nhất định. Như vậy: hình tượng nhân vật trong văn học là nhân vật điển hình trong tác phẩm văn học, mang đậm nét khái quát của tầng lớp, giai cấp của nhân vật ấy, đồng thời là nhân vật có những nét riêng đặc biệt, xuất hiện trong bối cảnh điển hình mà tác phẩm văn học ấy thể hiện.

 

b. Hình  tượng người phụ nữ trong văn học trung đại

           

           Trong giai đoạn nữa cuối thế kỉ XVIII - nữa đầu thế kỉ XIX, ở nước ta do điều kiện xã hội đặc biệt của nó mà trong văn học dân tộc ta hình thành một trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Trong trào lưu văn học này, lần đầu tiên hình ảnh người phụ nữ được đề cập đến một cách phổ biến trong nhiều tác phẩm của nhiều tác giả: Đặng Trần Côn có người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm; Nguyễn Gia Thiều có người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc; Nguyễn Du có Thúy Kiều trong Truyện Kiều; trong những truyện Nôm của những nhà thơ khác như Hoa Tiên, Sơ kính tân trang…cũng có những cô gái như Dao Tiên, Quỳnh Thư…Nhưng điểm lại những nhân vật phụ nữ trong giai đoạn này, hầu như tất cả đều xuất thân từ tầng lớp quý phái, ngay cả Thúy Kiều của Nguyễn Du cũng được nhà thơ giới thiệu là: “Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung”(truyện Kiều).

          Trong dòng chảy quan niệm Việt Nam, người phụ nữ đẹp trong văn học trung đại cũng hiện diện trong một vẻ đẹp toàn diện cả bên trong lẫn bên ngoài. Đó là một sự kết hợp hài hoà giữa sắc – tài – tâm, giữa nhan sắc và đức hạnh với “tam tòng, tứ đức”. Như vậy, ngay trong cái nền chung trong quan niệm về người phụ nữ đẹp của người Việt đã có một sự “dị biệt” qua từng thời kì văn học. Đó là vì quan niệm thẩm mỹ vốn là một phạm trù “phụ thuộc vào chủ thể thẩm mỹ” (Chủ nghĩa Mác – Lênin). Cho nên, mỗi một thời đại, tuỳ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể mà có những quan niệm khác nhau. Thời trung đại, với sự tiếp biến văn hoá đặc biệt là văn hoá Trung Hoa, tư tưởng của Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo đã chi phối đến quan niệm thẩm mỹ của thời đại. Người phụ nữ có đức hạnh theo quan niệm của Nho gia (lễ giáo phong kiến) là người phải hội tụ đủ “tam tòng, tứ đức” (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử; và công, dung, ngôn hạnh).

Tuỳ theo cái nhìn chủ quan của tác giả mà vẻ đẹp mỗi nhân vật nữ lại được biểu hiện không giống nhau. Đó là nàng Kiều (Truyện Kiều), người được xem là người đàn bà đẹp nhất trong văn học Việt Nam. Nếu đặt Kiều vào trong lễ giáo phong kiến thì Kiều không phải là người phụ nữ đức hạnh, nhưng không vì thế mà dân tộc ta phủ nhận vẻ đẹp của Kiều từ ngoại hình đến tài năng, tâm hồn, tính cách. Như vậy, Kiều đẹp còn bởi tấm lòng nhân hậu, bao dung vốn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta mà Nguyễn Du đã kế thừa. Nguyễn Đình Chiểu thì đưa ra một quan niệm về nguời phụ nữ lý tưởng theo quan niệm của lễ giáo phong kiến: “Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”(Lục Vân Tiên). Những người phụ nữ trong Chinh phụ ngâm  hay Cung oán ngâm cũng là những đại diện tiêu biểu cho quan niệm về người phụ nữ đẹp trong thời đại họ. Nhưng với Hồ Xuân Hương, người phụ nữ “nổi loạn” của thời đại, thì bà lại có cái nhìn mới về vẻ đẹp người phụ nữ, đứng ở vị trí là người phát ngôn cho vẻ đẹp của giới mình. Xuân Hương là người đầu tiên và có thể là duy nhất đưa vào văn học giai đoạn này không phải là cô gái quý tộc mà đích thực là những cô gái bình dân.  Bà tìm thấy vẻ đẹp thực sự của họ, nêu bật vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp tâm hồn của họ (Bánh trôi nước, Con ốc nhồi, Quả mít); ca ngợi tuổi trẻ tươi mát, trắng trong các cô gái đang xoan (Đề tranh tố nữ); đi vào đến từng chi tiết của vẻ đẹp cơ thể (Thiếu nữ ngủ ngày)…

          Tuy nhiên, trong quan niệm của dân tộc ta thời kì này thì người phụ nữ đẹp thường gắn liền với số phận bất hạnh. Điểm lại gương mặt nhân vật nữ thời kì này ta thấy một điểm chung ở họ là có một cuộc đời đầy sóng gió, bẽ bàng, không mấy người có được hạnh phúc thật sự. Đặc điểm này phải chăng là do quan niệm “hồng nhan bạc mệnh”.

 

2. Hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương

 

2.1. Người phụ nữ với số phận nhỏ bé, bất hạnh

 

          Thân phận của những người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương thường nhỏ bé, cuộc đời của họ long đong lận đận. Họ phải sống trong một chế độ xã hội phong kiến lạc hậu, trọng nam khinh nữ, người phụ nữ không có chỗ đứng và địa vị trong xã hội. Vì vậy, những người phụ nữ có tài như Hồ Xuân Hương thường không được coi trọng, đồng thời việc làm của một người vợ thường ít được người chồng cảm thông, dù cho quanh năm lam lũ vất vả nuôi chồng nuôi con chăm sóc cho gia đình luôn được yên ấm. Họ là những người phụ nữ có tài có sắc nhưng cuộc đời lận đận, số phận bi đát, bé nhỏ trong xã hội:

                             Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

                             Bảy nổi, ba chìm với nước non

                                                (Bánh trôi nước)

                             Canh khuya văng vẳng trống canh dồn

                             Trơ cái hồng nhan với nước non

                                                     (Tự tình II)

          Trong giai đoạn này, ta cũng bắt gặp những bài thơ nói về số phận hẩm hiu của người phụ nữ. Họ là những người  như bà Tú trong Thươngvợ của Tú Xương kiếm sống vất vả, cơ cực, luôn phải đối diện với nỗi hiểm nguy:

                             Quanh năm buôn bán ở mom sông

                             Nuôi đủ năm con với một chồng.

Và của những số kiếp nổi nênh:

                             Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh

                             Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh

                                                               (Chiếc bách)

Trong chế độ phong kiến suy tàn ở Á Đông hàng mấy nghìn năm con người rất đau khổ, nhưng khổ nhất là người đàn bà. Không phải vô cớ mà Nguyễn Du đã nấc lên thay cho người phụ nữ trong Văn chiêu hồn:

                                       Đau đớn thay phận đàn bà!

                                Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?

Trong Truyện Kiều Nguyễn Du một lần nữa lại xót xa:

                                       Đau đớn thay phận đàn bà!

                                Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm cũng có nói đến cái khổ của người chinh phụ. Trong thơ Xuân Hương, bà không chỉ than cho người đàn bà dưới chế độ phong kiến mà còn nói lên nỗi đau của bản thân mình. Xuân Hương đã nói một cách trần trụi nhất, với cái mạnh mẽ của sự phản kháng và gắn chặt đời mình cùng với số phận của những người phụ nữ nói chung trong xã hội cũ       :

                                    Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

                                    Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

         Ở xã hội xưa, trai năm thê bảy thiếp là thường, còn người phụ nữ không cho phép được như vậy. Họ đâu có quyền làm chủ đời mình, trong ca dao ta cũng bắt gặp rất nhiều câu ca nói về số phận hẩm hiu của người phụ nữa:

                                    Thân em như tấm lụa đào

                                    Phất phơ giữa  chợ biết vào tay ai

hay:

                                    Thân em như hạt mưa sa

                                    Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.

          Người phụ nữ trong thơ Xuân Hương nói riêng và trong xã hội phong kiến nói chung đều là những con người với số phận bi đát. Càng đọc, ta càng hiểu thêm bối cảnh xã hội nước ta lúc bấy giờ và càng trân trọng họ. Họ là những đóa hoa sen thơm mát, tỏa hương cho đời, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

           Từ đây ta càng cảm thông sâu sắc cho số phận người phụ nữ Việt Nam xưa, phải chịu nhiều khổ cực, tủi nhục, hiu quạnh, tình duyên hẩm hiu, trắc trở.

 

2.2. Người phụ nữ với nỗi đau trong đường tình duyên

 

           Do sống trong xã hội phong kiến - một xã hội coi thường phụ nữ và luôn bị lễ giáo trói buộc, không được hoạt động xã hội, không được học hành thi cử, chịu nhiều thiệt thòi cả ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Chính vì vậy, người phụ nữ không chỉ chịu thiệt thòi, bất hạnh trong cuộc sống mà còn  đau khổ trong đường tình duyên. Có lẽ phải chịu nhiều lận đận trong đường tình duyên, hai lần làm lẽ nhưng cả hai lần đều ngắn ngủi nên Hồ Xuân Hương rất hiểu và đồng cảm với phận của những người phụ nữ không may mắn trong đường tình duyên. Đó là nỗi khổ của người phụ nữ làm lẽ, người phụ nữ không chồng mà chửa, người phụ nữ chết chồng…Điều đáng nói ở đây là bà dám lên tiếng tố cáo gay gắt, quyết liệt xã hội phong kiến thối nát, mục ruỗng mà không ai dám lên tiếng. Hồ Xuân Hương khắc họa thân phận khổ nhục của người làm lẽ, năm thì mười họa mới được gần chồng. Họ là thứ làm mướn không công và để thỏa ham muốn nhục dục của bọn nhà giàu. Nhà thơ vạch trần bản chất xấu xa của chế độ đa thê phong kiến.

                                    Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng

                                    Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

                                    Năm thì mười họa hay chăng chớ,

                                    Một tháng đôi lần có cũng không,

                                    Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm                      

                                    Cầm bằng làm mướn, mướn không công.

                                                        (Làm lẽ)                                                                                                                                                                                               Nhà thơ nói về thân phận của người phụ nữ làm lẽ nhưng đồng thời đó cũng là cảnh ngộ của bản thân bà.

          Ai cũng biết trong cuộc đời cũ, đau khổ chẳng phải là phần riêng dành cho ai, nhưng những người chịu đựng nhiều hơn cả vẫn là phụ nữ và nỗi đau của họ bao giờ cũng có khía cạnh chua xót, tái tê riêng. Hồ Xuân Hương là nhà thơ của phụ nữ, bà thấu hiểu tất cả những nỗi đau đó bằng kinh nghiệm của cuộc đời chung và cuộc đời riêng chẳng ra gì của mình; và bằng tiếng thơ, muốn nói lên những tiếng nói chia sẻ với họ. Vì vậy, thơ Xuân Hương luôn là tiếng kêu xé lòng của những người con gái nhẹ dạ.Trong bài Không chồng mà chửa, nhà thơ lại viết về một cảnh ngộ của một người phụ nữ, cảnh ngộ những cô gái không may có may có mang với người yêu của mình nhưng không được xã hội chấp nhận.

                            Cả nể cho nên hóa dở dang,

                           Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng…

                            Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc,

                            Phận liễu sao đà nảy nét ngang.

                            Cái nghĩa trăm năm chàng  nhớ chửa?

                            Mảnh tình một khối thiếp xin mang.

                            Quản bao miệng thế lời chênh lệch

                            Không có, nhưng mà có mới ngoan

        Trong bài thơ này Hồ Xuân Hương đã nhấn mạnh cái nghĩa, cái trách nhiệm mà người đàn ông nào đó vô tâm trước hậu quả để lại cho người phụ nữ và tác giả đã đứng về phía cô gái mà dùng một ý của câu ca dao:

                            Không chồng mà chửa mới ngoan

                            Có chồng mà chửa thế gian sự thường

         Không chỉ cảm thông với thân phận của người làm lẽ, người phụ nữ không chồng mà chửa mà Hồ Xuân Hương còn muốn an ủi những người phụ nữ mất chồng, muốn dịu dàng với họ, để cho họ khuây khỏa nỗi đau và dìu họ trở lại với cuộc sống bình thường:

                             Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng

                             Nín đi kẻo thẹn với non sông    

                                                         (Dỗ người đàn bà khóc chồng)

Lúc thì đùa nghịch nhưng rất thân tình:

                             Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì

                             Thương chồng nên mới khóc tì ti…

                                                         (Bỡn bà lang khóc chồng)

         Trong văn học phong kiến của ta hiếm có nhà thơ nào độc đáo mà nhân tình đến thế. Có thể nói từ sự ý thức sâu sắc về giá trị của người phụ nữ và cảnh ngộ ngang trái của họ trong xã hội phong kiến, Hồ Xuân Hương đã trở thành một nhà thơ chống đối phong kiến quyết liệt, một con người đả kích gay gắt những kẻ đại diện cho giai cấp phong kiến thống trị cùng những gì chà đạp con người.

          Ở bài Tự tình II, tác giả lại viết:

                                 Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,

                                 Mảnh tình san sẻ tí con con

 Sự sống của đất trời cứ vận hành như muôn thuở vậy, còn  riêng mình thì vẫn cứ bất hạnh, hẩm hiu trong số phận, trong tình duyên, tình duyên đã ít lại còn phải chia ba sẻ bảy nữa.

           Ðọc thơ bà, người đọc có cảm giác người phụ nữ trong thơ Xuân Hương gần như chưa một lần nhận diện được hạnh phúc.

 

2.3. Người phụ nữ phê phán, đả kích giai cấp phong kiến thống trị

           

            Trong văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, Hồ Xuân Hương là một nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa, bởi vì thơ bà trước hết là tiếng nói tâm tình của phụ nữ. Không phải người phụ nữ lầu son gác tía, chinh phụ hay cung tần, mà là người phụ nữ bình thường, người phụ nữ lao động có nhiều bất hạnh trong cuộc sống.  “Có thể nói, ngoài văn học dân gian, Hồ Xuân Hương là nhà thơ đầu tiên trong lịch sử văn học dân tộc đã đem đến cho thơ văn tiếng nói của những người phụ nữ ấy: những tiếng than và những tiếng thét, những tiếng căm hờn và những tiếng châm biếm sâu cay”. Bởi trong xã hội lúc bấy giờ, phụ nữ là người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Họ không chỉ bị áp bức về mặt giai cấp mà trong tư cách là người phụ nữ nói chung, họ còn bị áp bức về mặt giới tính với đạo “tam tòng”. Tất nhiên, họ cũng không lặng câm mà chịu đau khổ, họ vẫn nói, vẫn kêu, vẫn đòi hỏi. Nhưng nhìn chung, tiếng nói ấy chỉ là nững tiếng kêu thương thất vọng. “Đại diện cho giới phụ nữ, Hồ Xuân Hương đã nói bằng thứ ngôn ngữ riêng của mình, kết hợp nhuần nhuyễn với tiếng nói của nhân dân lao động. Tiếng nói đã kích, tố cáo được nữ sĩ sử dụng thông qua công cụ cố hữu của truyền thống văn học dân tộc, cũng như phổ biến trên thế giới: tiếng cười châm biếm”. Mặc dù bị trói buộc trong những quan niệm, phong tục cổ hủ và lạc hậu... nhưng trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn đẹp, vẫn sáng, vẫn luôn vùng lên để đòi bình quyền để muốn nói rằng: họ là nữ nhi nhưng vai trò của họ trong xã hội là rất lớn.

          Đến giai đoạn này, có người đã chống lại vua khi vua không ra vua nữa. Riêng Hồ Xuân Hương với thân phận nữ nhi, chắc bà không có ý định chống vua, mà chỉ mắng nhẹ mà đau vô kể:

                              Hồng hồng má phấn duyên vì cậy

                              Chúa dấu yêu vua một cái này

          Nếu đối với chúa, Hồ Xuân Hương châm chích thói mê hoa, hiếu sắc thì với bọn quan thị, nữ sĩ đã giơ cao đánh thẳng vào cuộc sống trái lẽ tự nhiên của chúng. Đứng trước cái dị hợm, quái gở ấy, bà văng tục, bà chửi đổng, cười mỉa:

                                Đố ai biết đó vông hay chốc

                                Còn kẻ nào hay cuống với đầu

           Hồ Xuân Hương châm biếm, đã kích từ vua đến quan, nhưng có lẽ chịu nhiều nhất là bọn “hiền nhân quân tử”, bọn mô phạm phong kiến. Đối với “quân tử”, Xuân Hương không chỉ chôn chân chúng trước bức tranh thiếu nữ ngủ ngày, mà còn bắt chúng “mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo” lên đèo Ba Dội.

         Bên cạnh những "hiền nhân quân tử" là đám nho sĩ dốt nát lại còn huênh hoang. Xuân Hương gọi chúng là “phường lòi tói”, là “lũ ngẩn ngơ”, xưng chị và đòi dạy chúng làm thơ:

                                    Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?

                                    Lại đây cho chị dạy làm thơ

        Sự dâm đãng không chỉ lén lút phía hậu hiên, mà còn công khai trước bàn thờ phật:

                                    Oản dâng trước mặt dăm ba phẩm

                                    Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà.

                                    Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe

                                    Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha.

         Không những thế, hàng ngũ đại diện cho Nho giáo bà cũng không bỏ qua:

                                    Khen thay con tạo khéo khôn phàm

                                                            (Hang Thánh Hóa)

                                    Khen ai đẽo đá tài xuyên tạc

                                                            (hang Cắc Cớ)

         Qua thơ Xuân Hương ta thấy cả một xã hội phong kiến thời bà bị chế giễu, đả kích. Bà dùng tiếng cười, thông qua yếu tố tục, xoáy vào đời sống bản năng của giai cấp thống trị để từ đó đả kích, tố cáo thói đạo đức giả của chúng. Nhưng thơ Xuân Hương đâu chỉ biết cười, mà đọc thơ bà ta nghe như có tiếng nấc bên trong.  Tôi muốn lấy ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu thay cho lời kết của mình: “những nhà trào phúng vĩ đại không nhe răng ra mà cười, không chửi bằng cả lời nói, họ ném trái tim của họ, ném cả cuộc đời của họ vào cuộc đời, cũng như những nhà trữ tình vĩ đại. Trong xã hội cũ, thơ của họ thực chất là máu và nước mắt mặc cái áo trào phúng đó thôi”.

 

2.4. Vẻ đẹp của hình tượng người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương

       

         Viết về người phụ nữ, Hồ Xuân Hương có những bài thơ bày tỏ niềm kiêu hãnh của mình về vẻ đẹp hình thức, vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp của tài năng, trí tuệ của người  phụ nữ.

 

a. Vẻ đẹp hình thức.

 

          Người phụ nữ trong văn học giai đoạn này xuất hiện không còn cái khép nép trong cái mô thức “tại gia tòng phụ, phu tử tòng phu” hay “công, dung, ngôn, hạnh”. Trong cuộc tao ngộ các giai nhân của văn học giai đoạn này, người ta thấy thường là những cô gái trẻ đẹp, thanh lịch, với nụ cười trên môi và chan chúa tình yêu đời, yêu người trong lòng. Hồ Xuân Hương sáng tác trong bối cảnh ấy, với tính cách và cảnh ngộ riêng của mình, nhà thơ  viết rất nhiều về phụ nữ, nữ thi sĩ xứng đáng là nhà thơ của phụ nữ. Điều này càng được làm rõ hơn qua  bài thơ “Đề tranh tố nữ”:

                                 Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình

                                 Chị cũng xinh mà em cũng xinh

                                 Đôi lứa như in tờ giấy trắng.

                                 Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.

                                 Xiếu mai chi dám tình trăng gió,

                                 Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh,

                                 Còn thú vui kia sao chẳng vẽ,

                                 Trách người thợ vẽ khéo vô tình

        Trong văn học ta có lời thơ nào ca ngợi các cô gái và tuổi trẻ của các cô gái đẹp hơn thế nữa. Nhưng độc đáo hơn cả là bài thơ “Thiếu nữ ngủ ngày” của nhà thơ. Đây là một bài không phải ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ nói chung, hay ca ngợi tuổi trẻ, mà ca ngợi vẻ đẹp trên cơ thể của một cô gái trẻ tuổi. Văn học giai đoạn này, ta bắt gặp nhiều tác giả miêu tả vẻ đẹp của giai nhân như Nguyễn Du miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân, Thúy Kiều. Hay trong tác phẩm Hoa tiên tác giả cũng miêu tả vẻ đẹp của Dao Tiên, hay trong Truyện Tây sương miêu tả vẻ đẹp của Thôi Oanh Oanh…Đó là cái vẻ đẹp trên khuôn mặt với đôi mắt và nụ vười, cái đẹp của đôi mắt và làn da….cách miêu tả của các nhà thơ nói chung là ước lệ tượng trưng. Riêng với Hồ Xuân Hương thì công khai ca ngợi và khẳng định vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ. Cách miêu tả của Xuân Hương thuộc vào loại độc đáo nhất của thời đại. Bà chú ý đến những bộ phận thân thể thường được giấu kín của con người. Những bộ phận đó văn học thời đại thường né tránh. Riêng Hồ Xuân Hương lại nhìn thấy đó chính là một trong những biểu hiện của vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ. Cách miêu tả của bà cụ thể, không chung chung, mờ nhạt:

                                   Lược trúc chải dài trên mái tóc,

                                   Yếm đào trễ xuống dưới nương long

                                   Ðôi gò bồng đảo sương còn ngậm

                                   Một lạch đào nguyên suối chửa thông

                                                                         (Thiếu nữ ngủ ngày)

         Đây là sự trinh trắng ngây thơ, là sự hồn nhiên trọn vẹn. Cách miêu tả của nhà thơ không có một chút bỡn cợt, trái lại thể hiện một thái độ hết sức nâng niu, trân trọng. Trong thời buổi suy tàn của xã hội phong kiến, con người bị chà đạp, bị giày xéo, nhiều giá trị bị đảo lộn, bị nghi ngờ, nhà thơ giữ cho mình nguyên vẹn cặp mắt trong veo để nhìn người, nhìn đời, để thấy hết mọi giá trị đẹp của con người.  Cũng vì thế mà thơ Xuân Hương có giá trị nhân đạo sâu sắc.

 

b. Vẻ đẹp tâm hồn.

 

         Trong xã hội cũ, có ai dám như Xuân Hương đứng ra bênh vực cho những người con gái dở dang ấy, có ai dám ngang nhiên thừa nhận những quy tắc đi ngược lại khuôn mẫu của lễ giáo phong kiến như bà. Những điều đó chỉ có ở bản lĩnh, một trái tim tha thiết, nồng ấm sự cảm thông của một tâm hồn nghệ sĩ.

         Từ những tiếng nói cảm thông ấy, Xuân Hương còn lên tiếng đề cao ca ngợi họ, tìm thấy vẻ đẹp thực sự chân chính ở họ. Trong một loạt hình tượng nói về số phận bấp bênh, hẩm hiu của người phụ nữ như “chiếc bánh trôi” “bảy nổi ba chìm”; hay quả mít “vỏ nó xù xì”; con ốc nhồi “đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi”... nhà thơ luôn chú trọng nêu bật cái đẹp bên trong, cái đẹp tâm hồn của họ. Quả mít tuy “vỏ nó xù xì” nhưng “múi nó dày”. Trong bài Bánh trôi nước, nhà thơ đã ca ngợi, đề cao, trân trọng phẩm chất kiên trinh của người phụ nữ. Dù sống trong hoàn cảnh nào họ cũng giữ được tấm lòng son sắt:

                                  Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn

                                  Mà em vẫn giữ tấm lòng son

                                                            ( Bánh trôi nước)

         Mặc dù, số phận người phụ nữ không được định đoạt, lênh đênh giữa cuộc đời nhưng họ không cam chịu, họ vẫn giữ sự thủy chung, son sắt, bất biến với tình yêu. Một lời nói thể hiện niềm tự hào về phẩm chất thủy chung của người phụ nữ.

         Trong bài thơ Ðề tranh tố nữ, tác giả đã ca ngợi vẻ đẹp bất diệt của tuổi xuân, sự trinh trắng, ngồn ngộn sức sống của những cô gái đang xoan:

                                 Ðôi lứa như in tờ giấy trắng

                                 Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh

         Bài Mời trầu lại là cái nhìn về vẻ đẹp của khát vọng sống.

                                 Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi

                                 Này của Xuân Hương mới quệt rồi.

                                 Có phải duyên nhau thì thắm lại,

                                 Ðừng xanh như lá, bạc như vôi.

         Giống như bao cô gái khác, Xuân Hương cũng khao khát có một tình yêu bền chặt, nồng cháy. Nàng cũng muốn mở lòng mình ra để đón lấy tình yêu nồng thắm từ người bạn đời tri âm tri kỉ, đón những hương sắc của cuộc đời. Xuân Hương hồi hộp chờ đợi. Nhưng rồi năm tháng trôi qua, những mùa xuân đi không trở lại, nhà thơ dần dần nhận ra cái bạc bẽo của con người và cuộc đời, cái hẩm hiu của số phận. “Câu thơ nhân hậu của hờn dỗi, duyên dáng mà có cái gì như đanh đá, thách thức

 

c. Vẻ đẹp  của tài năng, trí tuệ

           

         Trong các nhà thơ phụ nữ ở nước ta, Hồ Xuân Hương và thơ ca của bà là một hiện tượng khá đặc biệt được rất nhiều người đàm luận từ xưa đến nay. Tục truyền hồi Xuân Hương còn đi học; một hôm gặp phải trời mưa, đến sân nhà trường, đất trơn, cô nữ sinh trượt chân ngã oạch một ái, các bạn học thấy thế đều cười ầm lên. Nhưng Xuân Hương đã đứng ngay dậy, ung dung đọc hai câu thơ rằng:

                                     Giơ tay với thử trời cao thấp

                                     Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài

rồi bình thản đi vào. Mấy chàng trai thấy thế cũng phục tài.

          Lại có chuyện, một hôm Xuân Hương đi thăm chùa Trấn Quốc về, nàng đang lững thững trên bờ Hồ Tây, bỗng thấy có mấy thầy khóa bước rảo lên theo sát ở đằng sau rồi trêu ghẹo nàng, có người lại mang cả văn chương chữ nghĩa ra nữa, nàng đọc cho một bài thơ rằng:

                                    Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ?

                                    Lại đây cho chị dạy làm thơ

         Có thể nói rằng, trong cái xã hội phong kiến “trọng nam khinh nữ”như vậy, Xuân Hương vẫn dám khẳng định tài năng, trí tuệ hơn người của mình.

         Hay trong bài Ðề đền Sầm Nghi Ðống, tác giả đã thể hiện được sự tự ý thức về mình, thể hiện được tài năng của người phụ nữ.

                                 Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo

                                 Kìa đền thái thú đứng cheo leo

                                 Ví đây đổi phận làm trai được.

                                 Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.

          Ði qua ngôi đền thờ tên tướng bại trận, nhà thơ phụ nữ này đã không chịu cất nón, cúi đầu chào kính cẩn, trái lại còn buông lời chê cười, mỉa mai: ghé mắt tức là nhìn liếc, nhìn bằng nửa con mắt. Ðặc biệt ở hai câu kết nhà thơ đã dám nói một điều táo bạo: Nếu được làm trai thì sự nghiệp anh hùng của ta sẽ không xoàng, không tồi tệ như sự anh hùng của nhà ngươi đâu.

        Qua đây, ta cũng hiểu thêm ít nhiều về người phụ nữ xưa, không chỉ đẹp về hình thể mà họ còn là những con người có đầy tài năng.

 

III. Nghệ thuật xây dựng hình tượng trong thơ Hồ Xuân Hương

       Với ngôn ngữ dân gian, với bản lĩnh của một người khát khao được sống và sống mãnh liệt, với cặp mắt quan sát sắc sảo và biết chọn lọc cái gì cần thiết….Xuân Hương có một nghệ thuật xây dựng hình tượng độc đáo, không lẫn với ai, tạo cho mình một phong cách riêng. Ngôn ngữ thơ bà được lựa chọn trong kho tàng ngôn ngữ của văn học dân gian. Trong kiến trúc câu thơ, yếu tố ca dao, tục ngữ được bà đặt rất đúng chỗ nên rất tự nhiên và nó có sức mạnh riêng của nó. Tác giả dùng những vần khó gieo, thi pháp trung đại gọi là tử vận-vần chết, khó họa lại nhưng khi sử dụng thành công lại có giá trị độc đáo. Chẳng hạn vần ênh trong bài Tự tình số III, vần này đã gợi cảm giác bất định, mong manh về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

          Thơ Ðường luật vốn được dùng trong thi cử, niêm luật chặt chẽ, hình thức đường bệ, nội dung cũng đường bệ. Hồ Xuân Hương đã đem đến cho thể thơ này một nội dung rất thông tục “hình ảnh trong thơ thì sinh động, góc cạnh, luôn chuyển động chứ không chết dí một chỗ”

 

                                               KẾT LUẬN

          

            Tiếng thơ Xuân Hương là tiếng thơ của một người phụ nữ tài hoa, cá tính nhưng phải chịu sự gò bó của lễ giáo phong kiến khắt khe, kìm kẹp cuộc sống. Bao khao khát, bao nguồn sống mãnh liệt không được bộc lộ trong cuộc sống được bà gởi gắm cả vào trong thơ. Thơ Xuân Hương là những nỗi niềm không chỉ của riêng tác giả mà của tất cả những phụ nữ bất hạnh trong xã hội phong kiến.Cuộc đời và thơ Hồ Xuân Hương là một hiện tượng hết sức phức tạp, còn nhiều điều chưa rõ. Dẫu sao ta cũng tự hào vì trong văn học Việt Nam có một nữ thi sĩ đầy tài năng lại xuất hiện trong một xã hội mục ruỗng.

        Ai cũng biết, cuộc đời đau khổ chẳng phải là phần riêng dành cho ai, nhưng những người chịu đựng nhiều hơn cả vẫn là phụ nữ và nỗi đau của họ bao giờ cũng có khía cạnh chua xót, tái tê riêng. Hồ Xuân Hương là nhà thơ của phụ nữ, bà thấu hiểu tất cả những nỗi đau đó bằng kinh nghiệm của cuộc đời chung và cuộc đời riêng chẳng ra gì của mình; và bằng tiếng thơ, muốn nói lên những tiếng nói chia sẻ với họ.

        Trong lịch sử văn học dân tộc, có lẽ Xuân Hương là người đầu tiên dám cất lên tiếng nói khẳng định tài năng trí tuệ của người phụ nữ, nói lên ước vọng được khẳng định mình. Và cao hơn hết chính là tư tưởng nhân đạo trong thơ Xuân Hương đem lại cho đến nay vẫn còn giá trị.

         Có thể nói, tuy chưa phản ánh được những mâu thuẫn lớn của thời đại, chưa có tầm nhìn xa để thấy hết những đau khổ và khát vọng của con người, song Hồ Xuân Hương cũng đã đóng góp cho nền thơ ca dân tộc một tiếng thơ hết sức độc đáo. Thơ bà là thứ thơ giải phóng cá tính, dám khẳng định cá tính và bản lĩnh riêng. Bà là nhà thơ đầu tiên dám đưa cá tính vào trong thơ. Chính cá tính ấy đã giúp cho tiếng thơ của bà khi nói về người phụ nữ có một sắc thái riêng, hoàn toàn khác với những nhà thơ viết về phụ nữ trước đó và cả sau này. Hình tượng người phụ nữ trong thơ Xuân Hương luôn ngẩng cao ở tư thế hiên ngang, đầy bản lĩnh và bà không chìm vào khóc thương cho số phận của họ.

       Ngày nay, cuộc sống đã đổi thay nhiều, xã hội đã công bằng hơn với người phụ nữ. Nhưng có những nỗi đau khổ đã trở thành hằng số muôn đời của người phụ nữ và đâu đó xung quanh ta vẫn còn nhiều mảnh đời chị em bất hạnh. Vì vậy, mà thơ Xuân Hương vẫn còn vẹn nguyên giá trị và sức sống. Đọc thơ Xuân Hương, không chỉ là để đồng cảm, để sẻ chia mà còn là chiêm nghiệm, suy ngẫm

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư