Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Từ xưa đến nay, ánh trăng với các thi nhân mà nói luôn là nguồn cảm hứng bất tận để sáng tạo ra những tác phẩm để đời. Ánh trăng là bạn, là người thương, là tri kỉ đối với họ. Như Bác Hồ của chúng ta, Người cũng say mê ánh trăng, vầng trăng ấy với biết bao bài thơ về trăng như Vọng nguyệt, Rằm tháng Giêng, ... Và Nguyễn Duy cũng là một người yêu trăng như bao thi sĩ khác, thế nhưng ánh trăng ấy với ông lại mang thêm một tầng ý nghĩa mới, không chỉ là bạn, là tri kỷ, ánh trăng ấy còn tượng trưng cho quá khứ, cho tuổi thơ, cho những năm tháng hào hùng của dân tộc. Ông đã thể hiện điều đó thông qua hai khổ thơ đầu bài thơ Ánh trăng của mình:
"Hồi nhỏ sống với đồng
Với sông rồi với biển
Hồi chiến tranh ở rừng
Vầng trăng thành tri kỉ
Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ
Ngỡ không bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa".
Lời thơ ở đây không mỹ miều, không thi vị hóa, nó giản dị, mộc mạc như đang kể một câu chuyện ngày xưa. Chỉ bằng bốn câu thơ ngắn ngủi, Nguyễn Duy đã dựng lên cho chúng ta thấy cuộc sống của một con người từ những ngày còn thơ ấu cho đến những lúc trưởng thành. Chẳng có một sự đong đếm nào ở đây, nhưng người đọc lại như cảm thấy được bước đi của thời gian từ "hồi nhỏ" - lúc thơ ấu, đến "hồi chiến tranh" - khi là thanh niên. Và trong tất cả quãng thời gian ấy, ánh trăng là hình ảnh trung tâm, là hình ảnh xuyên suốt đi cùng con người. Điệp từ "hồi" như nhấn mạnh cái quá khứ đã xa xôi, nhưng vẫn còn nguyên, hiện rõ trong tâm khảm của nhà thơ. Đó là sự hồi tưởng về những ngày tháng quá khứ, gợi lên những hình ảnh không thể quên từ lúc còn thơ ấu, đến khi hành quân bên đồng đội, ánh trăng vẫn luôn đồng hành cũng nhà thơ. Không gian ở đây được mở rộng từ "đồng" đến "sông" rồi đến "biển" theo trình tự liệt kê, đó là quá trình trưởng thành từ nhỏ tới lớn của nhà thơ, từ quê hương rộng ra đất nước.
Ngày còn bé, ánh trăng cùng chơi đùa với con người. Sau này, lên tới chiến khu, "vầng trăng thành tri kỉ" bởi đi đâu vầng trăng ấy cũng theo sau, cùng con người trải qua những tháng năm gian khổ chiến tranh, cùng nhau tình tự lúc nghỉ ngơi dọc đường. Như Chính Hữu cũng đã từng nhắc về vầng trăng ấy trong tác phẩm "Đồng chí" của mình:
"Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo".
Phải, vầng trăng ấy, ánh trăng ấy gắn bó với con người thật sâu sắc, thật gần gũi, chân thành biết bao! Nó là chứng nhân cho hết thảy những năm tháng gian khổ, vất vả của con người.
Cái vầng trăng ấy với con người tưởng chừng đã gắn kết, một sự gắn kết tự nhiên, thân thuộc như hơi thở, không còn khoảng cách:
" Trần trụi với thiên nhiên
Hồn nhiên như cây cỏ"
Nhà thơ đã tưởng chừng như cái vầng trăng ấy đã biến thành một người bạn tri kỉ, chẳng bao giờ có thể thôi không nhớ tới. Vầng trăng ở đây được nhân hóa thành một con người, một nhân vật trữ tình đầy xúc cảm, một tri kỉ đã theo suốt những tháng năm tuổi thơ và thời kì hành quân vất vả. Nhà thơ đã nghiễm tưởng sẽ chẳng bao giờ có thể quên đi được:
"ngỡ chẳng bao giờ quên
Cái vầng trăng tình nghĩa"
Bởi nó quá gắn bó, quá thủy chung với con người. Nhà thơ nhấn mạnh hai chữ "tình nghĩa" như nhấn mạnh sự gắn kết, nhấn mạnh thứ tình cảm bao năm tháng của con người đã có với nhau.
Ánh trăng ở đây không còn đơn thuần là một người bạn tri kỉ nữa, nó là chứng nhân của năm tháng con người, là thứ biểu tượng cho quá khứ. Con người sống ở hiện tại, hướng tới tương lai nhưng không được phép quên đi cái quá khứ ngày xưa đã từng gian khổ đi lên. Đây là chân lý, là bài học mà tác giả Nguyễn Duy muốn gửi gắm tới chúng ta qua hai khổ đầu bài thơ Ánh trăng này.
Thể thơ năm chữ nhịp nhàng, uyển chuyển, không viết hoa chữ cái đầu dòng thơ, bởi mỗi khổ thơ, Nguyễn Duy lại kể cho chúng ta nghe một câu chuyện về vầng trăng mà ông đã gắn bó. Cùng với các biện pháp nhân hóa, so sánh, Nguyễn Duy muốn nhấn mạnh ý nghĩa của vầng trăng kia, nó là một người bạn, là một chứng nhân cho quá trình trưởng thành của con người, cho những năm tháng khốc liệt của chiến tranh trong quá khứ.
Ánh trăng ở đây không còn đơn thuần là ánh trăng nữa mà nó còn tượng trưng cho quá khứ, chi những năm tháng đã từng gắn bó với nhau. Qua hai khổ thơ, Nguyễn Duy không chỉ muốn viết về ánh trắng mà còn muốn nhắc nhở chúng ta bài học: không được phép quên đi quá khứ, phải sống chung thủy, trọn vẹn nghĩa tình, đúng với đạo lý cha ông ta từng nói "ăn quả nhớ kẻ trồng cây".
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |