Suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi
Đây là tình trạng cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng chủ yếu là các chất sinh năng lượng bao gồm thiếu glucid, protid, lipid. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên, các nguyên nhân hầu như xuất phát từ chế độ dinh dưỡng cho trẻ, thói quen ăn uống không hợp lý hay những vấn đề dinh dưỡng không tốt trong thai kỳ của người mẹ.
Thiếu vi chất dinh dưỡng
Tình trạng này xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Vi chất dinh dưỡng gồm 2 nhóm: nhóm các nguyên tố khoáng (kẽm, sắt, đồng, canxi, i-ốt...) và nhóm vitamin (A, B, C, D, E, K...) đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển thể trạng, sức khỏe, trí tuệ, nâng cao sức đề kháng, phòng chống bệnh tật. Thiếu vi chất dinh dưỡng được ví như "nạn đói tiềm ẩn" gây hậu quả nghiêm trọng, làm suy giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh cấp và mãn tính, trẻ còi cọc, chậm phát triển...
Biếng ăn
Biếng ăn là tình trạng người bệnh ăn ít hơn bình thường và không vui vẻ, "tự nguyện" ăn uống khiến mỗi bữa ăn trở thành một "cuộc chiến" căng thẳng. Bệnh lý này thường gặp ở trẻ em mọi lứa tuổi và cả người lớn, nếu không can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả thiếu vi chất, suy dinh dưỡng, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Thừa cân béo phì
Tình trạng này hiện đang là vấn nạn của toàn cầu. Bệnh có nhiều hậu quả nguy hiểm như chứng ngưng thở khi ngủ, các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư...
Táo bón
Người bị táo bón thường có số lần đi tiêu ít hơn 3 lần/tuần. Đồng thời, khi đi tiêu có thể gặp khó khăn, cảm giác đau rát, chảy máu hậu môn, phân cứng... Táo bón dễ gặp ở trẻ từ 2 - 6 tuổi và ít hơn ở người trưởng thành. Mặc dù táo bón không gây nguy hiểm đến tính mạng, nếu để bệnh kéo dài có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến sức khỏe và làm chậm tăng trưởng ở trẻ em.
Suy dinh dưỡng trong thai kỳ và sau sinh
Đối với mẹ bầu và mẹ sau sinh, dinh dưỡng tốt giúp tăng sức đề kháng, "vượt cạn" thành công, sớm phục hồi sức khỏe sau sinh, tăng cường nguồn sữa cho con bú, giảm nguy cơ mắc một số tai biến sản khoa hoặc các bệnh lý dễ gặp trong thai kỳ. Ngược lại, nếu mẹ có chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ mà còn khiến thai chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, tăng tỷ lệ sinh non.