Cuộc sống thường ngày, tất cả mọi người luôn luôn tồn tại nhiều ‘bài toán’ và phương pháp giải quyết, dù ít hay nhiều. Dĩ nhiên, mỗi bài toán đó đều có cách hóa giải, nhưng, đa số chúng ta chỉ đi theo duy nhất phương pháp tối ưu mà đã được áp dụng hoặc đã chứng minh trước. Nếu phương pháp này không thành công, ta sẽ trượt dài trong thất vọng và ngẫm nghĩ:” Chẳng còn gì đúng cho mình”. Tại sao chúng ta không nghĩ đến một cách giải quyết khác, dù ít người tìm kiếm, dù không phải số nhiều đi theo? Tuổi trẻ cũng vậy, sẽ có những tháng ngày ‘lông bông’, có những ngày chán nản, uể oải, cực mệt mỏi chẳng muốn làm gì ai và cũng không muốn ai tác động đến mình. Một xu hướng giải quyết lúc này là đọc sách, giới trẻ chúng ta hầu như chỉ tìm đến những bài viết làm tăng mức độ cảm hứng, làm tăng hứng khởi ngay tức thì mà sau đó lại quên bẵng nó đi, như thể năng biến mất đi nhanh chóng rồi quay lại cảm giác không khác ban đầu.
Cứ như thế, luôn lục lọi, tìm tòi những cuốn sách cực tốt, cực kì chất lượng về thứ gọi là self-help khi trống rỗng, buồn bực nhưng chẳng áp dụng được gì cả. Thay vì vậy, đổi phương pháp, đọc ít lại những sách self-help, hãy tìm và đọc những trải nghiệm. Tất nhiên, kỹ năng chúng ta không mất đi, vẫn sẽ ở đó, lưu ở tâm trí, lại được cộng thêm những trải nghiệm thuyết phục và thực tế, phải chăng không đáng để thử?
Đọc “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?”, mỗi phần lại có nhiều điểm hay, như được trải nghiệm thực tế cùng tác giả. Bàn về việc học, Rosie Nguyễn đã cảm thấy hối hận khi kể lại, chính vì điều này, những người trẻ, đọc qua phần này, sẽ hiểu được tâm sự của tác giả, cũng như nên biết làm gì cho tuổi trẻ của mình, đừng để trôi qua một cách vô nghĩa và phải tiếc nuối.
“Các bạn trẻ không nên bỏ phí tuổi trẻ của mình vào những thú vui khác mà quên đi việc đọc sách mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng”. Quan điểm của tác giả về đọc sách luôn là “sách chính là cả thế giới”, thật sự đọc sách cực kì quan trọng, có thể thay đổi con người, tuy nhiên đi cùng với đó phải biết đọc sách đúng cách ta mới thể học tập và hiểu thêm được nhiều kiến thức. Đồng ý rằng, việc cùng bàn về đọc sách là một trong những điểm nhấn nổi bật của cuốn sách.
Người thành đạt là người đọc sách, đọc rất nhiều sách, chính vì vậy, tác giả thường xuyên đề cập đến vấn đề không nên quên đi việc đọc sách mỗi ngày, đây cũng là điểm chung của nhiều cuốn sách kỹ năng sống và thói quen cần cải thiện những bạn trẻ hiện nay.
“Đừng dựa vào trường học”- Liệu nên học hay không học? Học ở trường và học ở cuộc sống như thế nào? Với tác giả, đánh giá về trường học khá thấp, không phải tất cả nhưng ý kiến của Rosie Nguyễn là một điểm “nói nặng”, thể hiện đúng tính chất của việc học hiện đại này. Tiếp theo, những câu chuyện về khó khăn, thử thách tạo động lực cho các bạn trẻ vượt qua, để cùng tiến bộ và tự tay vẽ ra câu chuyện của bản thân cũng là một phần chứng minh cho tính thực tế của cuốn sách.
“Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” còn là cẩm nang tạo một hành trình mới mẻ cho nhiều bạn đang làm việc tại chốn công sở, thường áp lực, mệt mỏi và “đấu tranh” kịch liệt. Bởi, có những lúc thật sự thấy phải thay đổi môi trường mới, chuyển công việc gò bó thàn đam mê, tạo ra bước ngoặt khác biệt cho chính mình.
Sẽ có chỉ trích và khen ngợi, bàn luận trung gian khi một cuốn sách xuất bản. Dù chỉ trích hay ủng hộ, chúng ta cũng phải xem xét khách quan nhất trước khi đưa ra kết luận, không một lý luận hay quan điểm nào phù hợp với tất cả mọi người trên thế giới và chắc chắn không có ngoại lệ. “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” quả thực mang đến những thay đổi cho nhiều bạn trẻ và cả những người đã đi qua thời niên thiếu đó.
Sau cùng, không đơn thuần là sách kỹ năng sống, còn hơn thế nữa, là trải nghiệm rất chân thật, gồm cả lý thuyết và thực hành, mang lại nguồn động lực và nhiệt huyết lâu dài cho mọi người, đặc biệt là những người trẻ – thế hệ tiến bộ, đang cần thêm nhiều tinh thần, trí tuệ và thực tiễn để sẵn sàng nâng đôi chân đi về phía trước một cách dũng cảm