Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Điều kỳ diệu của văn chương đâu chỉ là tái hiện lại cuộc đời mà còn mở ra trong lòng người một thế giới của tình yêu. Câu chuyện của văn chương là câu chuyện của sự rung động bắt đầu từ nhà văn truyền đến độc giả thông qua sợi dây đồng cảm. Đọc Chiếc lược ngà, chúng ta day dứt mãi với tiếng gọi nấc nghẹn của một đứa con khi gặp gỡ cha mình lần đầu cũng là lần cuối. Tình phụ tử thiêng liêng đặt trong chiến tranh lại càng éo le, càng thấm thía. Bằng ngòi bút đôn hậu mang đậm hơi thở của nhân dân Nam Bộ, Nguyễn Quang Sáng đã đưa nhân vật của mình vượt qua bi kịch cuộc chiến để sống mãi với tình cảm gia đình, cất cao bài hát tình cha con sâu nặng.
Nguyễn Quang Sáng là nhà văn trưởng thành trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Sống gắn bó với người lính trong chiến trường và trải qua những cuộc bão táp lịch sử, Nguyễn Quang Sáng được hun đúc bằng tấm chân tình mộc mạc của người dân Nam Bộ. Thế nên văn phong của ông cũng gần gũi, giản dị như một dòng sông chở nặng phù sa. Năm 1966, nhà văn từ miền Bắc về Nam, ghé ngang Đồng Tháp Mười mênh mông nước trắng. Trên cái nhà sàn cao tít, nghe cô giao liên có chiếc lược ngà trắng kể chuyện, Nguyễn Quang Sáng đã hồi hợp như nghe chuyện đời mình, “Chiếc lược ngà” ra đời nhanh chóng sau đó.
Câu chuyện lấy điểm nhìn từ nhân vật tôi, cũng là người bạn của anh Sáu, một nhân vật đồng hành cùng anh Sáu trong chuyến về lại nhà của một người cha biền biệt con bảy, tám năm trời. Điểm trần thuật này giúp nhà văn có cách nhìn khách quan về nhân vật và thông qua ông Ba, nhà văn truyền tải được thông điệp trong tác phẩm. Anh Sáu là một chiến sĩ tham gia kháng chiến. Anh xa nhà từ khi đứa con gái chưa tròn một tuổi. Ngày hoà bình lập lại, anh về quê nhà thăm con. Vì vết sẹo trên mặt mà con không nhận ra cha. Đến lúc anh lên đường thì thì con mới hiểu ra mọi chuyện. Thương con, ở chiến trường anh Sáu tỉ mỉ làm chiếc lược tặng con. Món quà chưa kịp trao tận tay con thì anh đã hi sinh.
Tình cha con của anh Sáu và bé Thu được khắc hoạ trong hai hoàn cảnh đó là trước khi Thu nhận cha và sau khi cuộc chia tay nước mắt diễn ra.
Bảy, tám năm trời xa cách con, anh Sáu cũng như bao chiến sĩ quên mình vì nghĩa lớn, đã âm thầm gom niềm thương, nỗi nhớ thành ý chí quyết tâm đánh đuổi quân thù, chờ ngày hoà bình để gặp lại người thân. Tấm lòng người cha chắc ngày đêm khắc khoải nỗi nhớ mong con. Hoà bình lập lại, anh Sáu được phép về thăm nhà, có lẽ con đường về nhà hôm ấy là con đường dài nhất trong đời người lính của anh. Bởi lẽ bao niềm phấn khởi, hồi hợp chi phối bước chân người lính. Thế nên vừa nhìn thấy “một đứa bé độ tám tuổi tóc cắt ngang vai, mặc quần đen, áo bông đỏ đang chơi nhà chơi dưới bóng cây xoài trước sân nhà” anh Sáu đã đón biết không ai khác ngoài con mình. Dù chẳng có nhiều dấu hiệu để nhận ra nhưng chỉ cần nhìn thấy dáng vóc ấy, đôi mắt ấy là người cha đã đủ linh cảm để biết chính xác giọt máu nóng của mình đang chảy trong cơ thể con bé. Được gặp con, lòng anh càng nôn nao “nhảy lên bờ khi xuồng chưa kịp cập bến”, “bước những bước dài” để nhanh đến bên con. Từng cử chỉ, hành động của anh, dù nhỏ thôi nhưng cũng đủ để bày tỏ được tâm trạng không thể chờ đợi thêm giây phút nào nữa. Ngần ấy thời gian mong mỏi, nay hình hài thân yêu ấy đã hiện hữu trước mắt anh, anh Sáu cất tiếng gọi con trong nỗi xúc động đã dâng lên đầu lưỡi “Thu! Con!” Đấy đâu chỉ là tiếng gọi mà còn là tiếng lòng, làm tình thương của người cha cất giữ bấy lâu, dồn nén tám năm trời chờ đến ngày được bật ra thành tiếng. Để rồi dòng thác lũ hi vọng bị chặn lại bởi thái độ hờ hững, xa lạ của con mình. Thu đã không ôm chầm lấy anh, không thút thít gọi ba. Những gì Thu làm khiến anh không dưới một lần thất vọng. Người lính kiên cường trên chiến trường đã vắng mặt, trước sân, đối diện với đứa con gái nhỏ, chỉ còn lại một người cha thua cuộc. Anh buông thõng cả hai tay, cảm giác hụt hẫng chiếm lấy anh. Có lẽ anh Sáu đã lặng người đi rất lâu, cái lặng người không thể tin rằng mọi chuyện lại xảy ra theo cách khiến anh đau lòng nhất.
Anh Sáu có buồn nhưng không trách con, con bé còn nhỏ đâu phải mọi chuyện đều thuận theo ý mình. Đặc biệt là khi anh không bên cạnh con bảy, tám năm, tình cảm chưa thể nối kết trong một sớm, một chiều. Vì thế mà anh Sáu dành cả ba ngày bên cạnh con, hi vọng thời gian đó có thể khiến con nhận ra mình cũng là cho anh cơ hội bù đắp sự quan tâm của một người cha mà Thu đã không nhận được. Mọi chuyện đâu đơn giản như anh nghĩ, nhất là khi Thu là đứa trẻ cá tính. Mong muốn được nghe một tiếng “ba” với anh sao khó quá. Nỗi chờ đợi suốt bảy, tám năm trời kéo dài đến tận hôm nay, khoảng thời gian ấy với ba ngày bên cạnh con đâu dễ gì so sánh được thời gian nào dài hơn.
Anh Sáu càng muốn tạo cơ hội để con gọi “ba” thì Thu lại tìm cách chối từ. Anh càng muốn sít lại gần con thì Thu càng rời xa anh. Mọi người trong gia đình cũng tạo ra những tình huống để bé Thu được gần bên cha. Bao nhiêu lần mọi người và chính anh Sáu đã tạo cơ hội để Thu gọi một tiếng “ba”. Vậy mà bấy nhiêu lần khiến anh thất vọng. Chị Sáu đã doạ đánh con với hi vọng ép con bé gọi anh là ba nhưng đòn roi vẫn không thể bắt buộc Thu. Lúc đó, chắc anh Sáu phải khổ sở biết chừng nào khi nhận được những tiếng gọi trống không lại còn xa lạ “người ta”. Không còn gì xót xa hơn đứa con gái của mình gọi mình bằng “người ta” nghe cứ như một người dưng không hơn không kém. Thế nên anh Sáu mới không thể khóc được mà “chỉ khe khẽ lắc đầu cười”. Cái lắc đầu bất lực, nụ cười héo hắt khi biết rằng trong mắt con, anh chưa phải một người cha. Nỗi khổ sở của anh cũng khó mà có thể cười hay khóc. Thu tiếp tục xát muối làm lòng anh Sáu khi con bé chẳng chịu nhận sự giúp đỡ từ anh. Thu tự chắt nước cơm, dù lo sợ mẹ quở trách, hốt hoảng với nồi cơm sôi sắp nhão và trước gợi ý của anh Ba, nhưng Thu nhất quyết không thốt một tiếng gọi “ba”. Không gọi đã đành, sự quan tâm của anh Sáu dành cho Thu cũng bị gạt đi. Cái trứng cá vàng ngon nhất dành phần con đã bị Thu hất ra ngoài. Thời gian không còn nhiều, anh không thể kìm được nỗi nóng lòng, tức giận nên chưa kịp nghĩ đã đánh con. Thu không khóc nhưng nước mắt đã ngập lòng anh. Anh Sáu day dứt suốt mãi sau này, cảm giác thất vọng não nề.
Trái ngược với sự mong đợi nơi ba, bé Thu tỏ ra mình là đứa trẻ ương bướng, cá tính. Không đáp lại lời của ba, Thu đã hốt hoảng vụt chạy và gọi mẹ. Thu cố chấp vì có sự hiểu lầm anh Sáu không phải ba mình. Trong lòng Thu chỉ duy nhất người cha trong tấm ảnh mà Thu được mẹ cho xem từ bé. Dù bị mẹ doạ đánh, bắt buộc Thu gọi ba, Thu vẫn kiên quyết chối từ. Tiếng gọi thiêng liêng đâu dễ dàng tốt ra từ miệng của cô bé có suy nghĩ riêng như Thu. Chính điều đó đã không ít lần khiến anh Sáu đau lòng. Danh xưng “người ta” mà Thu dành cho ba mình cứ như gọi một người dưng.
Thêm một tình huống khó khiến Thu phải lưỡng lự. Má bảo Thu cơm sôi thì gọi ba chắt nước giùm. Một đứa trẻ lên bảy đối diện với hoàn cảnh sắp sửa bị la rầy nếu như để nồi cơm nhão trong khi bản thân không thể tự làm thì chỉ cần gọi tiếng ba là có thể giải quyết vấn đề. Vậy mà Thu cố chấp đến cùng. Thu lờ đi gợi ý của ông Ba, chẳng cần bận tâm đến nỗi mong chờ nằm dài trên khuôn mặt người cha, Thu vẫn giữ thái độ ban đầu, con bé gọi trống không “cơm sôi rồi, chắt nước giùm cái”.
Đâu chỉ có bao nhiêu, Thu tiếp tục thêm chút đắng cay vào trong lòng ba mình bằng việc chối từ một cách thẳng thừng cái trứng cá mà ba đã gắp cho trong bữa cơm. Một đứa trẻ thông thường sẽ vô tư đón nhận sự quan tâm của người lớn, sẽ thích thú khi được cho trứng cá vì đó là phần ngon của cá. Tuy nhiên một đứa trẻ bướng bỉnh như Thu sẽ không thể cứ mặc nhiên mà đón nhận tình cảm của bất cứ người đàn ông nào khác ngoài người mà Thu nghĩ là ba. Trong suy nghĩ của Thu, nếu như vô tư ăn trứng cá kia, mặc nhiên mà đón nhận đồng nghĩa với việc chấp thuận ông ấy là ba mình. Cuộc chiến giữ vững suy nghĩ của Thu vẫn kiên quyết đến cùng. Bức thành trì mà một đứa con gái cá tính tạo nên đâu dễ vì cái trứng cá mà sụp đổ. Khi bị ba đánh, Thu đau nhưng không khóc lóc. Con bé lặng lẽ bỏ lại trứng cá vào chén cơm rồi sang bên nhà ngoại. Chi tiết Thu cố tình khua dây xuồng thật kêu để báo cho mọi người biết mình đi lại đúng thật là tâm lý của một đứa trẻ. Dù không khóc đó nhưng Thu vẫn báo rằng mình đi vì mình giận. Thu vẫn mong muốn được chú ý, được sự quan tâm của người lớn như bất cứ đứa trẻ nào. Đọc đến đây, tuy có chút đồng cảm với anh Sáu và thương cho một người cha chưa tròn ước nguyện nhưng cũng không vì thế mà nỡ ghét bỏ Thu. Suy cho cùng mọi sự cố chấp của Thu cũng xuất phát từ tình yêu thương, kính trọng đối với một người cha mà em tôn thờ. Sự kiên quyết không cần suy xét lý do của một đứa trẻ không cho phép Thu gọi ai là “ba”. Người đàn ông có vết sẹo dài trên mặt và người cha trong trí tưởng tượng của Thu hoàn toàn khác nhau.
Ấy vậy mà trong giây phút sau cùng trước khi anh Sáu lên đường, Thu đã kịp bộc lộ hết tình cảm của một đứa con xa cha, cần hơi ấm vòng tay người cha và khao khát được gọi “ba”. Thu đâu phải đứa trẻ vô tâm, cũng không phải ngang bướng hay cứng đầu. Mọi hành động em làm điều có lý do. Tất cả cũng vì vết sẹo lớn trên gương mặt ba. Thu cũng thấy ân hận vì lỡ làm ba mình buồn lòng. Cô bé đâu chỉ là trẻ con, khi đã nghe và hiểu, Thu đâu khác gì một người lớn hiểu chuyện. Thu nhận ra mình đã sai và lần đưa tiễn này đây chính là cơ hội cuối cùng. Thu là một đứa trẻ, mà trẻ con thì luôn muốn được thương yêu và thể hiện sự yêu thương của bản thân dành cho người khác bằng hành động mãnh liệt nhất. Lời chào tạm biệt của người cha như giọt nước nhỏ vào ly đã đong đầy. Thu thốt lên tiếng kêu xé lòng, tiếng gọi là Thu đã ấp ủ từ tấm bé nay được thỏa nỗi mong chờ. “Ba ….a..a..ba!”Gọi vẫn còn chưa đủ, Thu chạy tới trong cử chỉ cuống quýt, vồ vập. Thu dùng cả cơ thể mình để đón lấy tình phụ tử thiêng liêng. Hàng loạt những động từ thể hiện hành động của Thu như chạy xô tới, hót lên, giang chặt hai tay ôm lấy cổ ba, hôn ba cùng khắp, hôn tóc, hôn cổ… Cả vết sẹo mà trước đó không lâu Thu còn e sợ thì giờ đây Thu không hề né tránh thậm chị còn hôn lên nó. Với Thu, vết sẹo kia mới thật sự oai phong làm sao, nó là chiến tích của một người người hùng. Trong lòng Thu giờ đây ắt hẳn cảm thấy có lỗi với cả vết sẹo này vì Thu đã từng xem nó là bằng chứng để Thu xa lánh ba mình. Cô bé cố thâu tất cả những tình thương vào trong nụ hôn và vòng tay siết chặt ba mình cho thỏa những tháng ngày mong mỏi. Thu đã trở về là một đứa con nít, không gai góc xù xì, không ương bướng khó bảo, Thu trở về là Thu nguyên vẹn trong hình hài một đứa con khao khát tình cha, một đứa trẻ nhõng nhẽo không muốn ba mình phải rời đi. Sự nhõng nhẽo ấy mới đúng tâm lý của cô con gái. Giây phút tiếng “ba” bật lên từ đôi môi bé xíu của Thu, cũng là giây phút cảm động nhất của câu chuyện.
Lúc chia tay, tình yêu mãnh liệt của bé Thu đã khiến anh Sáu hạnh phúc nhất.“một tay ôm con, tay kia lấy khăn chấm nước mắt ” Nếu biết đó là giọt nước mắt đầu tiên cũng là cuối cùng khi nghe đứa con gái nhỏ gọi ba chắc có lẽ anh Sáu đau lòng biết mấy. Tiếng gọi “ba” xoắn chặt lấy tâm can anh Sáu, trong buổi chia ly, ai ngỡ đó là giây phút cuối cùng. Anh Sáu đã ân hận khi trót đánh con và cũng luyến tiếc khi chẳng thể ở gần con thêm nữa. Tấm lòng người cha gửi hết vào món quà mà anh tự tay làm cho con. Mong ước đơn giản của đứa co gái bé bỏng cũng là niềm vui lớn lao khiến người cha không tiếc công sức mài dũa từng răng lược. Nhìn vẻ mặt hớn hở của anh khi nhặt được khúc ngà trong rừng cũng đủ để thấy được món quà là tất cả tình thương, là hiện thân cho ước mơ ngày gặp lại. Thời gian rảnh ở chiến khu, anh “cưa từng răng lược”, anh còn khắc lên đó dòng chữ nhỏ “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”…Những lúc nhớ con ông lại mang cây lược ra mái lên tóc mình cho cây lược thêm óng mượt. Anh nâng niu chiếc lược như đôi bàn tay cha nâng niu đứa con bé nhỏ. Anh chải lên tóc mình để cảm nhận được hơi ấm của những ngón tay con vuốt lên tóc anh ngày nào.
Chiếc lược ấy đã gỡ rối được lòng anh, đã xoa dịu được trái tim với quá nhiều nỗi đau của người cha bất hạnh. Người lính đâu chỉ can trường mà còn đem tình thương của mình thành nghệ thuật. Chiếc lược có lẽ là tác phẩm cuối cùng cũng là duy nhất được tạc nên bằng tình thương vô bờ của người cha. Người chiến sĩ dũng cảm đã mãi mãi ở lại chiến trường. Sự hi sinh của anh không thể giết chết tình phụ tử “dường như chỉ có tình cha con là không thể chết”. Giờ phút cuối cùng, điều người cha đau đáu nhất vẫn là chưa tận tay trao cho con chiếc lược. Anh Sáu đã nghĩ gì trong lúc nhờ người bạn của mình gửi lại cho Thu? Phải chăng trong đáy mắt là hình ảnh cô bé mặc áo bà ba đỏ đang chơi nhà chòi, ngước đôi mắt thơ ngây nhìn anh hay là cô bé nấc lên nghẹn ngào gọi tiếng ba. Câu chuyện khép lại với nỗi buồn vô hạn cũng chan chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Vượt qua nỗi đau mất mát người thân, Thu tìm thấy được sức mạnh tình thương của người cha để biến đau thương thành động lực. Trong giây phút cầm trên tay chiếc lược được trao lại từ tay ông Ba, cô giao liên Thu đã nhận được một món quà còn vĩ đại hơn thế nữa, đó là tình cha con sâu nặng, là động lực giúp Thu vững bước hơn trên con đường mình đã chọn.
Anh Sáu, anh ba, bé Thu đều là những con người đã hi sinh tuổi đời cho cách mạng. Riêng nhân vật anh Sáu, anh xứng đáng là người hùng thầm lặng khi ngã xuống trên hành trình cả nước tiến đến ngày thống nhất. Tuy vậy, Nguyễn Quang Sáng không chủ ý hướng ngòi bút của mình để xây dựng bản anh hùng ca, nhà văn chọn những chi tiết rất đỗi bình thường nhưng lại đắt giá vì có sức ám ảnh sâu sắc. Chiếc lược ngà chính là chi tiết nhỏ nhưng làm nên ý nghĩa lớn. Chiếc lược ngà xuất hiện ở gần cuối đoạn trích, trong lúc mọi người tiễn anh Sáu lên đường cũng là khi bé Thu nhận ba mình. Chiếc lược là mong muốn của bé Thu, là ao ước giản dị của một cô con gái muốn được cha mình thể hiện tình yêu thương.
Chiếc lược là kỷ vật, là món quà cuối cùng của một người cha. Quá trình làm nên chiếc lược ngà đã gửi gắm bao nhiêu tình thương, niềm hi vọng, đợi chờ ngày trở lại quê nhà để giữ tròn lời hứa cũng là để tận tay trao chiếc lược cho con. Thế nên hình tượng chiếc lược còn là nỗi day dứt, nuối tiếc của một lời hứa chưa trọn vẹn. Dẫu người cha không thể nhìn mặt con lần cuối nhưng đã có chiếc lược chải vào mái tóc dài đen mượt của con. Dòng chữ khắc trên ấy là tất cả tâm sự của anh Sáu muốn nói cùng con. Đâu chỉ là tình cha, chiếc lược còn là lời nhắn nhủ Thu tiếp bước thế hệ đã ngã xuống, giữ gìn từng tấc đất, từng cánh đồng cho con cháu mai sau. Lời động viên, nhắc nhở ấy được Thu đón nhận bằng cả tấm lòng và sự biết ơn sâu sắc. Chiến tranh có thể cướp mất đi sinh mạng, đẩy con người vào cảnh ngộ éo le, nhưng không thể cắt đứt chùm rễ của niềm tin, hi vọng sống, càng không thể chia cắt được tình cảm thiêng liêng.
Đọc văn Nguyễn Quang Sáng nói chung và Chiếc lược ngà nói riêng ta thấy được cuộc sống gần gũi, giản dị của người dân Nam Bộ như hiện ra trước mắt. Với lối viết đơn giản như kể, sử dụng nhiều hình tượng nghệ thuật mang chiều sâu ý nghĩa, Chiếc lược ngà đâu chỉ là bản hùng ca về một thời oanh liệt mà còn là khúc đau thương nhưng cảm động về tình cha con bất diệt. Cái tài tình của nhà văn còn nằm ở cách lựa chọn ngôi kể, tạo tình huống truyện và nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tự nhiên. Vì thế mà “Chiếc lược ngà” đã gây một nỗi ưu hoài không bao giờ dứt đối với độc giả.
Vết sẹo trên gương mặt anh Sáu đã gây ra những hiểu lầm để hai cha con dù gần nhau mà con chẳng nhận ra cha, cha không được ôm con vào lòng cho thuở nhớ mong. Vết sẹo vô hình của chiến tranh lại càng tàn khốc, nó lấy đi cơ hội ngày về của một người cha. Câu chuyện khép lại, người đọc vẫn còn tiếc thương cho tình phụ tử chưa trọn vẹn và cảm phục trước tấm lòng của những bậc làm cha dành cho con cái. Bản tình ca về tình phụ tử sẽ mãi sống cùng năm tháng, nhắc nhở thế hệ chúng ta biết quý trọng tình cảm gia đình, quý trọng sự hi sinh của mẹ cha và những người đi trước.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |