Mỗi người đều đã, đang và sẽ cùng nhau chung tay để xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước của chính mình. Những chú công an trong bài thơ "Ngựa biên phòng" cũng vậy. Hòa chung vào không khí sẵn sàng đánh thắng giặc ngoại xâm, luôn trong tư thế chuẩn bị chống giặc, những chú công an đã cùng với những con ngựa biên phòng tập luyện, trau dồi thêm kĩ năng và kinh nghiệm. Những chú ngựa hiện lên trong bài thơ với sự phi nhanh như gió, băng qua mọi trở ngại mà chưa từng vấp ngã khi đánh giặc và khi ổn định mọi việc, những chú ngựa ấy lại bước đi thong thả với sự vỗ về của chú công an. Như vậy, không chỉ con người biết đứng lên đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà đến cả những chú ngựa, cũng muốn góp mình vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc ấy. Qua đó, tác giả đã cho người đọc thấy sự tự hào về một đất nước Việt Nam đoàn kết, luôn dũng cảm, sẵn sàng đứng lên chống giặc xâm lược. Đồng thời, nhà thơ còn ca ngợi vẻ đẹp của hình ảnh những chú công an cùng những chú ngựa đã kiên cường, cố gắng chiến đấu đến cùng. Đến với bốn câu thơ cuối của bài thơ, hình ảnh những em bé hậu phương phơi cỏ thơm để tặng những chú công an vào mùa đông đã hiện lên thật chân thật và giản dị. Ở ngoài chiến trường khốc liệt kia vẫn luôn có một tập thể hậu phương vững chắc để chờ đợi, cầu mong mọi người chiến đấu thắng lợi, trở về an toàn. Như vậy, bài thơ "Ngựa biên phòng" đã thể hiện tình thần yêu nước, sự đoàn kết, đồng lòng hướng về hai chữ "Tổ quốc" thân yêu của nhân dân ta. Qua đó, ngày nay, để có được một đất nước độc lập, tự do như bây giờ, đã phải biết bao mồ hôi, sương máu của những người đi trước để lại, chúng ta cần biết trân trọng, giữ gìn, bảo vệ và phát huy những vẻ đẹp, truyền thống và phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc.