Tổng thống Barack Obama từng nói: "Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn". Quả thật, việc đọc và hình thành văn hóa đọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tất thảy những tinh túy, những kiến thức quý báu, vô giá đều đã được đúc kết trong chính những trang sách. Tuy nhiên, một hiện tượng đáng buồn trong cuộc sống hiện nay chính là tình trạng học sinh ít đọc sách và thờ ơ với sách. Sách là nơi lưu giữ kho tri thức của nhân loại, tất cả mọi hiểu biết của loài người đều được ghi lại trong sách. Đọc sách là cách tiếp thu nhanh nhất và ngắn nhất mọi thành tựu tri thức của nhân loại. Khi xã hội ngày càng phát triển, mọi thứ cũng thay đổi rất nhiều. Thời xưa ta thường hay nghe câu “Sách gối đầu giường”, nhưng thời nay “gối đầu giường” của đại đa số bạn trẻ, học sinh, sinh viên lại là điện thoại, máy tính, ipad. Mọi hoạt động của con người vận hành đều gắn liền với những thiết bị điện tử. Chúng ta có thể tiếp cận và tìm tòi thông tin mà không cần phải giở từng trang sách. Theo một khảo sát của báo Nhân Dân gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Quả là một thực trạng đáng buồn là phần lớn học sinh hiện nay chỉ thích những hình thức giải trí khác đặc biệt là game online, trò chơi điện tử, hay đi cà phê tán gẫu, tụ tập hàng quán mà ít khi đọc sách để bồi dưỡng tâm hồn hay nâng cao kiến thức. Cũng có nhiều bạn học sinh học và đọc sách với tình trạng chống chế, đối phó với gia đình, thầy cô hoặc cho qua kì thi của mình chứ không say mê với việc học và nghiên cứu kiến thức từ sách vở. Và điều này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là vốn kiến thức và tư duy hiểu biết của thế hệ tương lai của đất nước giảm sút, rất dễ sa vào những con đường tối tăm. Kéo theo đó là tương lai của đất nước sẽ không phát triển bền vững, tốt đẹp được, đời sống con người cũng không có sự cải thiện, và liệu rằng lịch sử về “giặc dốt” có lặp lại ngay trong thời đại 4.0? Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này đầu tiên phải kể đến chính là ý thức của mỗi cá nhân chưa cao, họ chưa thật sự lo lắng về tương lai. Nguyên nhân nữa là do công nghệ hiện đại được ra đời và đang có chiều hướng phát triển sâu rộng như máy tính, điện thoại, tivi, những máy móc có độ xử lý và tính năng giải trí cao làm cho học sinh thích thú và bị hấp dẫn. Và khi có trong tay một chiếc điện thoại hay máy tính với nguồn internet bất tận ấy, họ sẽ ỷ lại về việc: tại sao mình phải đọc sách trong khi đã có internet nhỉ? Để khắc phục hiện tượng này, trước hết mỗi người cần tự rèn luyện cho bản thân mình thói quen đọc sách, tích cực tìm hiểu những thông tin trong sách vở để hoàn thiện mình. Văn hóa đọc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ nâng cao nhận thức mà còn hình thành nhân cách con người. Ta có thể nói đến về Darwin, một nhà bác học nổi tiếng, khi về già vẫn chăm chỉ đọc sách trau dồi kiến thức. Con gái ông thấy lạ, thắc mắc tại sao cha đã lớn tuổi mà vẫn chăm chỉ học tập, ông trả lời: “Bác học không có nghĩa là ngừng học”. Vì vậy, ngay từ khi ở bậc tiểu học, cha mẹ và thầy cô giáo hãy khuyến khích, hướng dẫn trẻ cách tìm kiếm sách, cách đọc sách sao cho hiệu quả. Điều đó sẽ giúp hình thành thói quen đọc sách và có thể khuyến khích giới trẻ đến với sách nhiều hơn. Hoặc chúng ta có thể tận dụng sự phát triển của Internet để củng cố văn hóa đọc theo nhiều hình thức: đọc online, nghe podcast,... “Một cuốn sách là một giấc mơ mà bạn cầm trong tay”. Hãy sống và định hướng bản thân đến những điều tích cực, tốt đẹp nhất và rèn luyện cho bản thân thói quen đọc sách để trở thành một công dân tốt góp phần cho xã hội phát triển văn minh hơn.