Biện pháp nào thường được áp dụng bởi chính sách đô hộ của phương kiến phương Bắc?
Sau khi Hồ Quý Ly thất bại (1407), nước ta bị phong kiến Minh đô hộ. Nhà Minh đã thi hành nhiều chính sách vơ vét, bóc lột về của cải và tìm cách đồng hóa nhân dân ta.
Chính sách đô hộ của nhà Minh
Chiếm được nước ta, nhà Minh muốn vĩnh viễn xóa bỏ nước ta, sáp nhập hẳn vào lãnh thổ Trung Quốc. Năm 1407, nhà Minh hạ chiếu đổi nước ta thành quận Giao Chỉ. Chính quyền đô hộ ở Giao Chỉ được tổ chức như một chính quyền địa phương của nhà Minh và lệ thuộc trực tiếp vào triều đình nhà Minh.
Chính quyền đô hộ còn ra sức cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền. Hàng vạn nông dân bị mất ruộng. Bên cạnh đó, chúng còn đặt ra nhiều thứ thuế đánh vào mọi hạng người và mọi nghề. Đối với thuế ruộng, chúng bắt dân ta phải khai 1 mẫu thành 3 mẫu nên thực tế ruộng đất tăng gấp 3 lần. Đối với các nghề thủ công đều phải nộp tiền hoặc sản phẩm. Việc buôn bán trong nước bị đánh thuế nặng, nhà Minh nắm độc quyền về buôn bán muối. Còn buôn bán với nước ngoài bị cấm chỉ hẳn.
Ngoài thuế, nhân dân ta còn phải thực hiện chế độ lao dịch nặng nề trong các công trình xây dựng, khai thác tài nguyên, tìm các lâm thổ sản quý. Bọn quan lại đô hộ còn bắt hàng loạt thợ thủ công giỏi mang về Trung Quốc, thậm chí bắt cả phụ nữ và trẻ em để bán làm nô tỳ.
Mặt khác, để thủ tiêu nền văn hóa lâu đời của dân tộc ta và đồng hóa nhân dân ta, trong quá trình thực hiện cuộc chiến tranh xâm lược và đô hộ, nhà Minh tìm mọi cách hạn chế học hành, thi cử, biến trường học thành nơi đào tạo tay sai phục vụ chính quyền đô hộ. Chúng còn tiến hành đốt sách vở, phá hủy các bia đá, tịch thu một số sách vở quý mang về Trung Quốc như: Đại Việt sử ký toàn thư, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Binh thư yếu lược và các bộ luật Hình thư đời Lý, Hình Luật đời Trần… Thậm chí, chúng còn bắt nhân dân ta phải thay đổi cách ăn mặc, phong tục tập quán: cấm con trai, con gái không được cắt tóc ngắn; phụ nữ phải mặc áo ngắn, quần dài.
Như vậy, trong suốt thời kỳ nhà Minh đô hộ nước ta (1407 – 1427), chúng đã thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố tàn khốc và vơ vét, bóc lột của cải nhân dân ta làm cho kinh tế nước ta bị đình trệ, đời sống nhân dân ngày càng khổ cực. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc ta với chính quyền đô hộ nhà Minh ngày càng sâu sắc, làm thổi bùng lên hàng loạt các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Tiêu biểu là khởi nghĩa Lam Sơn.