Đối chiếu với Cương lĩnh 1991, ta thấy phần viết về 5 bài học trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) gần như được giữ nguyên, từ đầu đề và thứ tự các bài học cho đến nội dung của từng bài học. Sự sửa đổi chủ yếu ở cách diễn đạt theo hướng lược bỏ một vài câu diễn giải để các bài học được trình bày súc tích và nổi bật hơn. Có một số chi tiết quan trọng được bổ sung như: Trước nói ''Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước'', nay nói: ''Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng''(bài học 2). Hoặc trước nói: ''Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu bảo đảm thắng lợi của cách mạng Việt Nam'', nay nói: ''Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam'' (bài học 5) (những chữ ngả là do T.g nêu lên để nhấn mạnh).
Sự sửa đổi và bổ sung, ít như vậy có thể dẫn tới một vài điều băn khoăn. Phải chăng trong quá trình tổng kết Cương lĩnh, Đảng ta đã làm qua loa, không chú trọng đúng mức đến việc đúc rút những bài học kinh nghiệm? Hay vì thực tiễn cách mạng trong mấy thập kỷ qua chưa đủ độ phát triển để rút ra những bài học mới?
Sự thật là, suốt hai mươi năm kể từ sau Cương lĩnh 1991 ra đời, 5 bài học lớn đã là một trong những chủ đề trung tâm của sự học tập, nghiên cứu và giảng dạy chính trị. Đảng ta luôn coi 5 bài học lớn đó là báu vật trong hành trang lãnh đạo của mình, luôn vận dụng chúng vào việc hoạch định đường lối, chủ trương và chính sách, đồng thời thông qua thực tiễn mà kiểm nghiệm, bổ sung và phát triển. Liền trong ba kỳ Đại hội Đảng từ VIII đến X, không Đại hội nào Đảng ta không đề cập tới các bài học lớn và làm phong phú thêm bằng những bài học cụ thể của đổi mới. Quá trình chuẩn bị Đại hội XI và tổng kết Cương lĩnh 1991 cũng diễn ra như vậy. Từ các cuộc thảo luận trong các tiểu ban văn kiện Đại hội cho đến Đại hội Đảng các cấp thảo luận các văn kiện, không ít ý kiến đề nghị bổ sung và phát triển các bài học, nhất là các bài học sống động của đổi mới. Nhưng rồi cũng qua các cuộc thảo luận nghiêm túc và đầy trách nhiệm, Đảng ta đã đi đến nhận thức chung rằng, ở thời kỳ đổi mới, dẫu có thể nêu lên nhiều bài học cụ thể mới, song nếu xuyên suốt quá trình cách mạng 80 năm thì 5 bài học lớn do Cương lĩnh Đại hội VII đúc kết được là cơ bản nhất, bao quát nhất, xứng đáng ở tầm Cương lĩnh. Ở đây, không thể nói sự khẳng định lại các bài học, đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng đắn trong tình hình mới và với nhận thức mới, là không bao hàm ý nghĩa của bổ sung và phát triển.
Có người đặt câu hỏi: Năm bài học kinh nghiệm lớn trong Cương lĩnh là 5 bài học chung của cách mạng Việt Nam hay là 5 bài học cho riêng sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng?
Câu trả lời tùy thuộc vào cách tiếp cận giá trị của những bài học ấy.
Nếu nhìn một cách tổng quát, 5 bài học lớn vừa nêu lên tính chất, nội dung, phương hướng và phương thức phát triển của cách mạng Việt Nam lại vừa làm rõ tính chất, nội dung, phương hướng và phương thức lãnh đạo của Đảng nhằm bảo đảm thắng lợi của cách mạng.
Trước hết, cách mạng Việt Nam trong suốt 80 năm, đã trải qua nhiều thời kỳ với những nhiệm vụ và tên gọi khác nhau như cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhưng bản chất và mục tiêu nhất quán của cuộc cách mạng ấy là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong ngôn ngữ thường dùng có khi ta nói: độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội, hoặc độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, song thực chất vẫn là một.
Về sự lãnh đạo của Đảng, trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, Đảng ta giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến chống Pháp, ngọn cờ của chúng ta là dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội. Trong kháng chiến chống Mỹ, với hai chiến lược cách mạng khác nhau - chiến lược cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và chiến lược cách mạng dân chủ nhân dân ở miền Nam, Đảng ta đồng thời giương cao hai ngọn cờ: ngọn cờ độc lập dân tộc và ngọn cờ chủ nghĩa xã hội. Từ sau ngày đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và có cùng chiến lược chung với hai nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa thì ngọn cờ chiến đấu duy nhất của Đảng và nhân dân ta là ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Chính vì vậy, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bài học lớn đầu tiên được nêu lên trong Cương lĩnh. Bài học này cho thấy: Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Không nắm vững mà để lung lay ngọn cờ này sẽ là lầm lạc chết người về chính trị.
Thứ hai, cách mạng Việt Nam là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử. Đối với cuộc cách mạng ấy, nhân dân vừa là chủ thể vừa là đối tượng phục vụ.
Chính vì vậy, toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.
Thứ ba, cách mạng Việt Nam là cuộc cách mạng vĩ đại của nhân dân ta trong thời đại mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
Trong toàn bộ quá trình của cuộc cách mạng ấy, nhất là trong thời là xây dựng đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay, lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc là thống nhất. Động lực chủ yếu để phát triển đất nước không phải đấu tranh giai cấp mà là đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức.
Chính vì vậy, Đảng ta đặc biệt trân trọng bài học ''không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết: đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Đại đoàn kết là sức mạnh, là bài học từng được chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: ''Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công.''
Đảng ta cũng trân trọng bài học: Kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế. Và khẳng định: Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần kiên định ý chí độc lập, tự chủ và nêu cao tinh thần hợp tác quốc tế, phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ ngoại lực, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại.