Xopy trằn trọc trên chiếc ghế ở công viên Mêđixơn, khi những con ngỗng trời văng vẳng kêu đêm, khi những người đàn bà không có áo da hải cẩu trở nên dịu dàng với các đức ông chồng và khi Xopy trằn trọc trên chiếc ghế của mình ở công viên thì bạn có thể biết được rằng mùa đông đã đến gần.
Một chiếc lá vàng rơi vào lòng Xopy. Đó là tấm danh thiết của Thần Rét. Thần rất tốt đối với những khách trọ thường xuyên của công viên Mêđixơn và thẳng thắn báo trước cho họ biết cuộc đến thăm hàng năm của mình. Tại các ngã tư, thần đã trao lá thiếp của mình cho gió bắc, gia nhân của lâu đài Ngoài trời, để những người trọ ở lâu đài có thể chuẩn bị sẵn sàng.
Xopy nhận thấy đã đến lúc phải lập ra ủy ban một người bàn biện pháp và phương tiện chống cái rét đang tới, chính vì thế mà anh ta cứ trằn trọc mãi trên ghế.
Nhưng tham vọng tránh rét của Xopy không có gì là cao xa lắm. Anh ta không hề tơ tưởng đến những chuyên du hành trên Địa Trung Hải, đến bầu trời ru ngủ của miền Nam hoặc những cuộc đi chơi thuyền lênh đênh trên vịnh Vêđuyvơ. Tất cả sự khao khát của lòng anh chỉ là được sống ba tháng ở Khám Đảo. Ba tháng chắc chắn có cơm ăn, có giường ngủ và có bạn đồng cảnh thoát khỏi gió bấc và bọn cảnh sát đối với Xopy, có vẻ là cái tinh tuý của những điều đáng thèm muốn. Đã bao năm nay khám Blăc-oen mến khách đã là nơi trú ngụ của Xopy về mùa đông y như những người dân Niu-yoóc giàu có hơn, cứ mùa đông đến lại mua vé đi Pam Bich và Riviêra thì Xopy cũng khiêm tốn thu xếp cho chuyến đi hàng năm của mình tới Khám Đảo. Và nay thì đã đến lúc rồi. Đêm qua, ngủ trên ghế gần bệ nước phun, trong công viên cổ kính này, ba tờ báo ra ngày chủ nhật lót dưới áo đắp trên cổ chân và trên bụng đã không còn chống nổi cái rét nữa. Vì thế mà trong đầu óc anh Khám Đảo lù lù hiện ra rất đúng lúc. Anh vốn coi khinh những thức ăn người ta lấy danh nghĩa làm phúc ban cho dân nghèo của thành phố. Theo quan niệm của Xopy, pháp luật còn dễ chịu hơn là lòng từ thiện, anh có thể đến đấy và được cho ăn, cho ngủ, theo cái mức sống đạm bạc, đơn sơ. Nhưng với một tâm hồn đầy tự hào như Xopy thì những của làm phúc ấy thật nặng nề. Mọi thứ nhận được của các bàn tay từ thiện, nếu không phải bằng tiền thì lại phải trả bằng sự nhục nhã về tinh thần. Tựa như Xêđa có Brutut, mỗi chỗ ngủ làm phúc đều phải trả giá bằng một sự tắm gội, mỗi miếng bánh đều phải được bù lại bằng một sự soi mói vào đời tư của cá nhân. Cho nên thà làm khách của pháp luật còn hơn, tuy có bị luật lệ câu thúc thật đấy nhưng pháp luật cũng không vô cớ xen vào những việc riêng của một người lịch sự.
Sau khi đã quyết định sẽ ra Khám Đảo, Xopy liền bắt tay ngay vào việc thực hiện nguyện vọng của mình. Cố nhiên cách dễ dàng để làm việc đó, cách dễ chịu nhất là đến ăn một bữa thật sang ở một khách sạn đắt tiền, ăn xong tuyên bố không có tiền trả là sẽ được người ta lặng lẽ không om sòm trao cho cảnh sát. Một vị quan toà dễ tính sẽ làm nốt những việc còn lại.
Xopy rời ghế, lững thững ra khỏi công viên và đi ngang qua mặt đường nhựa phẳng lì nơi đại lộ Brôt-uây và dừng lại trước một căn tiệm lộng lẫy, đêm đêm nơi đây tập trung những sản phẩm chọn lọc nhất của nho, tằm và chất nguyên sinh.
Xopy tự tin ở mình từ chiếc khua áo gilê cuối cùng trở lên. Râu anh cạo nhẵn nhụi, áo anh chỉnh tề và chiếc nơ đen thắt sẵn, gọn gàng là của một giáo sĩ biếu anh nhân ngày lễ tạ. Nếu anh được một bàn trong hiệu ăn mà không lộ thì anh sẽ thành công. Phần con người anh hở ra bên trên mặt bàn sẽ không làm cho gã hầu bàn nghi kỵ gì hết. Xopy nghĩ bụng: có lẽ là nên làm một chút vịt trời quay với một chai vang trắng Sabli, rồi phomát Canămbe, một tách cà phê và một điều xì gà. Thứ xì gà một đôla là được rồi. Tổng số tiền sẽ không lớn quá khiến chủ hiệu phải dùng đến biện pháp trả thù tối cao. Nhưng bữa ăn cũng phải làm cho anh no nê, hể hả mà đi tới nơi trú ẩn mùa đông của mình.
Nhưng Xopy vừa đặt chân vào bên trong cửa tiệm ăn thì một con mắt của lão "xếp" bồi đã gắt gặp chiếc quần sờn gấu và đôi giày tàng của anh. Những bàn tay khoẻ mạnh, nhanh nhẹn đã xoay anh lại, lặng lẽ và chóng vánh tống anh ra vỉa hè, cứu chú vịt trời đang bị đe doạ, thoát khỏi số phận hẩm hiu.
Xopy rời khỏi đại lộ Brôt-uây. Con đường của anh đến Khám Đảo có vẻ không phải là một con đường đầy lạc thú. Cần phải nghĩ ra một cách khác để vào tù.
Tại một góc phố của đại lộ thứ Sáu, ánh đèn điện và những hàng hoá bày biện khéo léo sau tấm kính dày làm một cửa hiệu nọ nổi bật lên. Xopy nhặt một hòn đá củ đậu choang vào cửa kính. Mọi người đổ xô đến góc phố, dẫn đầu là một viên cảnh sát. Xopy đứng im tại chỗ, hai tay đút túi quần và mỉm cười khi trông thấy những chiếc khuy đồng. Viên cảnh sát hỏi dồn:
- Đứa ném vỡ cửa kính đâu rồi?
- Thế ông không nghĩ rằng tôi có thể có liên quan đến chuyện ấy hay sao? Xopy thân mật nói như ta đón chào một vận may, tuy không phải là không có phần châm biếm.
Đầu óc viên cảnh sát từ chối không chịu tin lời Xopy dù chỉ xem đó là một manh mối. Nhưng kẻ đập vỡ tủ kính không bao giờ đứng lại để hội đàm với tay chân của pháp luật. Chúng ù té bỏ chạy ngay, nhác thấy ở giữa phố có một người đàn ông đang chạy đuổi kịp một chiếc xe buýt, viên cảnh sát liền rút dùi cui ra đuổi theo. Chán ngán sau hai thất bại, Xopy lững thững bước đi.
Bên kia đường có một quán ăn không có gì là sang trọng. Quán ăn này phục vụ cho những cái dạ dày to mà túi tiền lại nhỏ. Không khí trong quán đặc sệt nhưng xúp thì loãng, bát đĩa bì dày nhưng khăn trải bàn lại mỏng dính. Xopy lê đôi giày tố giác và chiếc quần lộ tẩy của mình vào trong quán, không gặp trở ngại gì. Anh ngồi vào bàn, xơi bít tết, bánh nướng, bánh rán và patê. Ăn xong, anh tiết lộ cho gã hầu bàn biết là một đồng xu nhỏ với bản thân anh hoàn toàn xa lạ nhau.
- Bây giờ thì hãy nhanh nhảu lên, đi gọi một tên cớm lại đây, - Xopy nói, - và đừng để một người lịch sự phải chờ lâu.
- Không cần phải gọi cớm với cái thứ mày. - gã hầu bàn đáp, giọng như bánh ga tô phết bơ mà mắt thì cứ long lên như quả anh đào trong cốc rượu coctail kiểm Manhatan. - Đồ ăn quịt.
Hai gã hầu bàn quẳng Xopy ra cửa, mang tai trái anh đập xuống vỉa hè gồ ghề. Xopy cố nhắc từng khớp xương đứng dậy, như mở một cái thước thợ mộc rồi phủi bụi quần áo. Việc bị bắt hình như chỉ là một giấc mộng vàng. Khám Đảo xem ra xa vời quá. Một viên cảnh sát đứng trước một cửa hiệu tạp hoá cách đấy hai nhà, cười phá lên rồi bỏ đi xuống cuối phố.
Đi được năm dãy nhà, lòng can đảm của Xopy mới lại cho phép anh mơ tưởng đến chuyện bị bắt. Lần này, dịp may đưa đến một cơ hội mà anh ngốc nghếch cho là "ăn chết". Một phụ nữ trẻ tuổi ăn mặc nhũn nhặn, dễ coi đang đứng trước một cửa hàng, thích thú ngắm những chiếc cốc cạo râu và lọ mực bày trong tủ kính, và cách đấy hai thước, một viên cảnh sát to lớn bộ dạng nghiêm nghị đang đứng tựa vào một cái vòi nước.
Xopy dự định sẽ đóng vai một gã "ghẹo gái" khốn nạn, đáng khinh. Vẻ mặt lịch sự và thanh tú của nạn nhân, cùng với sự gần gũi của viên cảnh sát đầy tinh thần trách nhiệm khiến anh tin chắc rằng chỉ lát nữa thôi anh sẽ cảm thấy bàn tay êm dịu của Nhà nước nắm chặt cánh tay anh, đảm bảo cho anh có được nơi trú ngụ qua mùa đông trên hòn đảo nhỏ ấm cúng kia.
Xopy nắn lại cái nơ làm sẵn của bà giáo sĩ, kéo hai cổ tay áo sơ mi nhăn nhúm cho thò ra ngoài, hất lệch cái mũ thành một độ nghiêng thật "càn" rồi sán lại gần người đàn bà trẻ tuổi. Anh đưa mắt liếc cô ta, đột nhiên hết ho lại "e hèm", cười nụ, cười duyên và trơ tráo, giở ra đủ trò thô bỉ và đáng ghét của tên "ghẹo gái". Xopy liếc mắt thấy tên cảnh sát đang chăm chú theo dõi mình. Người đàn bà trẻ tuổi nhích xa ra mấy bước rồi lại chăm chú nhìn những chiếc cốc cạo râu. Xopy đi theo, mạnh bạo bước lại cạnh cô ta, nhấc mũ chào và nói:
- Ô kìa, Bêđêlya! Em có muốn đến chơi ở sân nhà anh không?
Viên cảnh sát vẫn nhìn theo. Người đàn bà trẻ tuổi bị chòng ghẹo chỉ cần vẫy một ngón tay là Xopy sẽ thực sự lên đường tới nơi trú ngụ trên đảo. Anh đã tưởng đâu như cảm thấy không khí ấm áp dễ chịu của đồn cảnh sát. Người đàn bà trẻ tuổi quay lại nhìn anh và đưa tay ra nắm lấy tay áo Xopy:
- Có chứ, anh Maikơ - cô ta nói vui vẻ, - nếu anh thết em một chầu rượu. Đáng lẽ là em nói với anh từ khi nãy kia, nhưng tên cớm đang theo dõi.
Với người đàn bà trẻ tuổi diễn cái trò dây bìm bìm bám vào cây sồi. Xopy rầu rĩ đi ngang qua mặt viên cảnh sát. Hình như số mệnh buộc anh cứ phải sống tự do.
Tới góc phố gần đấy, Xopy vùng ra khỏi tay cô bạn và bỏ chạy. Anh dừng lại trong một khu phố ban đêm có những đường phố sáng nhất, những cô gái nhẹ dạ nhất, những lời thề chóng quên nhất và những vở kịch hời hợt nhất. Đàn bà mặc áo lông thú, đàn ông khoác áo choàng vui vẻ bước đi trong không khí giá lạnh. Xopy bỗng lo sợ cảm thấy có một phép lạ kinh khủng nào đó làm cho anh không sao có thể bị bắt được. Ý nghĩ ấy khiến anh hơi hốt hoảng. Và khi gặp một viên cảnh sát khác đang bệ vệ đi dạo trước cửa một rạp hát rực rỡ ánh đèn, anh như người sắp chết đuối vội vớ lấy cái cọng rơm trước mắt là "làm rối loạn trật tự".
Trên vỉa hè, Xopy gân cổ, giọng khàn khàn gào toáng lên những câu nhố nhăng như say rượu. Anh nhảy nhót la hét, nói năng huyên thuyên như hoá rồ, làm đủ các trò váng trời khác.
Viên cảnh sát múa tít cái dùi cui, quay đi phía khác và nói với mọi người qua đường:
- Một sinh viên trường Yêlơ đấy mà, họ ăn mừng vì họ vừa mới cho trường Hacto ăn trứng ngỗng (thua trận bóng đá). Ồn một chút nhưng vô hại. Chúng tôi đã được lệnh để mặc họ.
Thất vọng, Xopy chấm dứt cái trò huyên náo vô hiệu quả. Cảnh sát sẽ không bao giờ chịu mó đến anh. Trong trí tưởng tượng của anh. Khám Đảo hiện ra như một cảnh bồng lai không thể nào với tới được. Anh cài lại chiếc khuy áo mỏng để chống lại cơn gió buốt.
Trong một hiệu bán thuốc lá, Xopy thấy một người đàn ông ăn mặc sang trọng đang châm điếu xì gà vào một ngọn lửa chập chờn. Lúc vào hiệu, ông ta dựng cái ô lụa bên cạnh cửa. Xopy bám vào, cầm lấy cái ô và thong thả ung dung bước ra. Người đang châm xì gà vội vàng chạy theo. Ông ta nghiêm nghị nói:
- Ô của tôi.
- Ô, thế à, đã ăn cắp lại còn khiêu khích, - Xopy cười mũi. - Thế sao anh không đi mà gọi cảnh sát? Tôi lấy đấy, Ô của ông! Sao ông không gọi cớm đến? Có một tên đứng ở góc phố kia kìa.
Người có ô đi chậm lại. Xopy cũng đi chậm lại và linh cảm thấy mình lại không gặp may rồi. Viên cảnh sát tò mò nhìn hai người.
Ông có ô ấp úng:
- Tất nhiên... vâng, ông cũng biết những chuyện nhầm lẫn như thế thường xảy ra như thế nào... Tôi... nếu đấy là ô của ông, mong ông thứ lỗi cho... Sáng nay tôi nhặt được nó ở một tiệm ăn... Nếu ông nhận ra là của ông, vâng... tôi mong ông sẽ...
- Dĩ nhiên đây là ô của tôi, - Xopy nói một cách đểu cáng.
Người trước đây có cái ô bèn rút lui, còn viên cảnh sát thì vội vã chạy tới giúp một cô gái tóc vàng cao dong dỏng, mặc áo choàng đi xem ca kịch đang sang ngang đường trước mũi một chiếc xe buýt đang lao tới còn cách đấy hai dẫy nhà.
Xopy đi về phía Đông qua một đường phố đào bới ngổn ngang vì đang sửa chữa. Anh giận dữ quăng chiếc ô vào một cái hố. Anh lẩm bẩm rủa bọn người đội mũ sắt, mang dùi cui. Anh thì muốn rơi vào nanh vuốt của họ thế mà họ thì hình như lại cứ coi anh như một ông vua không bao giờ có thể làm cái gì sai được.
Cuối cùng Xopy đến một trong những đại lộ ở phía Đông thành phố, nơi ánh đèn và tiếng ồn ào đều yếu ớt. Anh đã quay về đây, hướng về phía công viên Mêđixơn. Vì, dù cho tổ ấm chỉ là một chiếc ghế ở công viên thì cái bản năng trở về tổ ấm vẫn tồn tại.
Nhưng tới một góc phố kia tĩnh mịch lạ thường Xopy bỗng đứng sững lại. Nơi đây, có một ngôi nhà thờ cổ kính, kiến trúc lạ mắt, rắn rỏi. Một anh sáng dịu chiếu qua khung cửa kính màu tím. Bên trong chắc hẳn người chơi đại phong cầm đang nhẹ tay lướt trên phím đàn, ông luyện thêm bản thánh ca cho ngày chủ nhật sắp tới. Tiếng nhạc du dương bay ra, lọt vào tai Xopy, giữ chặt anh lên những hình uốn lượn của hàng rào sắt.
Trăng đã lên cao, rực rỡ, thanh bình. Xe cộ và khách bộ hành đã vãn, bày sẻ mơ màng líu ríu dưới các mái hiên và trong giây lát cảnh vật tựa hồ như một nghĩa trang nơi thôn dã. Bản thánh ca người nhạc công đang dạo như trói chặt Xopy vào hàng rào sắt, gợi anh nhớ lại thời mà anh còn người mẹ, hoa hồng, ước mơ và bạn bè. Những ý nghĩ trong sáng và những chiếc cổ cồn trắng tinh.
Tâm trạng nhạy cảm của Xopy, lúc ấy cùng với ảnh hưởng của ngôi nhà thờ cổ kính làm tâm hồn anh bỗng thay đổi một cách đột ngột và kỳ lạ. Đột nhiên, anh kinh hoàng, nhìn thấy vực sâu anh đã rơi xuống, những thèm khát thấp hèn, những hoài vọng đã chết, những khả năng bị huỷ hoại và những động cơ đê tiện đã tạo nên cuộc đời anh.
Và trong chốc lát, trái tim anh rung động đáp lại cái tâm trạng mới lạ ấy. Một xúc động mạnh mẽ đột ngột thôi thúc anh chiến đấu chống lại số phận tuyệt vọng của mình. Anh sẽ tự kéo mình ra khỏi vũng bùn, anh sẽ chiến thắng cái xấu đang chiếm lĩnh con người anh. Vẫn còn kịp, anh hãy còn tương đối trẻ. Anh sẽ làm sống lại những ước mơ hăng hái ngày trước và sẽ theo đuổi chúng không hề nao núng. Những nốt nhạc đại phong cầm trang nghiêm mà êm dịu kia đã dấy lên những thay đổi trong lòng anh. Ngày mai anh sẽ tới khu buôn bán ồn ào, náo nhiệt của thành phố để tìm việc. Một nhà nhập khẩu lông thú đã có lần muốn thuê anh làm lái xe. Ngày mai, anh sẽ tìm ông ta để xin việc. Anh sẽ như những người chân chính khác. Anh sẽ...
Xopy bỗng cảm thấy có một bàn tay đặt lên cánh tay anh. Anh vội quay lại và thấy ngay bộ mặt phèn phẹt của một viên cảnh sát.
- Mày làm gì ở đây? - Viên cảnh sát hỏi.
- Không, tôi chẳng làm gì cả, - Xopy trả lời.
- Thế thì đi theo tao. - Viên cảnh sát nói.
Sáng hôm sau, tại tòa án xử những vụ vi cảnh, quan tòa tuyên bố: "Ba tháng tù ở Khám Đảo!"