Đây có lẽ là dịp tốt để tôn vinh cuộc đời của nhà kỹ sư, nhà vật lý người Serbia: Không có Tesla, bạn sẽ không thể có điện cho ngôi nhà của mình.
Tesla sở hữu hơn 300 bằng sáng chế trong suốt 86 năm cuộc đời mình và những phát minh của ông đặt nền móng cho sự ra đời của dòng điện xoay chiều (AC), động cơ điện, radio, đèn huỳnh quang, laser và điều khiển từ xa, cùng rất nhiều phát kiến khác.
Tuy vậy, một số trong những ý tưởng ra đời sau của Tesla dường như vẫn còn lạ lẫm, thậm chí cho đến tận bây giờ. Lấy ví dụ, ông từng miêu tả những ý tưởng về tia tử thần và ám chỉ một ý tưởng khác về một "bức tường vũ trang" không thể xuyên thủng nhằm phá hoại và chặn đứng các cuộc ngoại xâm.
Sau đây là một vài nét điểm xuyết về cuộc đời đáng nhớ của một trong những thiên tài vĩ đại nhất và cũng kỳ cục nhất trong lịch sử.
Nikola Tesla sinh ngày 10/7/1856 tại Smiljan thuộc đế chế Áo-Hung (nay là Croatia).
Cha của ông, Milutin Tesla, là một cha sứ chính thống người Serbia và mẹ của ông, Djuka Mandic, là một nhà phát minh đồ gia dụng.
Khi vào đại học, ban đầu Tesla quan tâm nghiên cứu vật lý và toán học, nhưng ông nhanh chóng trở nên thích thú với ngành điện.
Tesla theo học trường Realschule, Karlstadt năm 1873, Học viện Bách khoa Khoa học ở Graz, Áo và Đại học Prague. Ông từng làm kỹ sư điện tại một công ty điện thoại ở Budapest vào năm 1881.
Tesla đã phát triển khái niệm động cơ cảm ứng khi đang đi bộ trong công viên cùng bạn bè.
Sau này, khi sinh sống tại Strasbourg, Pháp năm 1883, Tesla đã xây dựng một nguyên mẫu động cơ cảm ứng (một động cơ AC được cung cấp năng lượng qua cảm ứng điện từ) và thử nghiệm của ông đã thành công.
Do công trình của mình không thu hút được sự quan tâm tại Châu Âu nên Tesla đã chuyển đến Mỹ và làm việc cho Thomas Edison tại New York.
Giấc mơ thời thơ ấu của Tesla là khai thác năng lượng từ thác Niagara.
Năm 1895, ông đã thiết kế nhà máy thủy điện đầu tiên tại con thác này, dấu mốc quan trọng của dòng điện xoay chiều. Người ta đã dựng tượng Tesla trên đảo Goat để vinh danh ông.
Tài năng xuất chúng nhưng Tesla lại là một người khá kỳ cục. Từng có thời gian ông không ăn các loại thức ăn rắn.
Ông chỉ ăn mật ong, uống sữa ấm và dùng một loại đồ uống được làm từ các loại rau như atisô và cần tây.
Tesla cho hay ông không bao giờ ngủ nhiều hơn hai giờ một lần.
Vậy nhưng, Tesla cũng thừa nhận mình hay ngủ gật để "sạc pin". Một báo cáo cho biết ông từng làm việc suốt 84 giờ mà không ngủ.
Năm 1882, Tesla phát hiện từ trường xoay chiều, nguyên lý vật lý tạo cơ sở cho gần như tất cả các thiết bị sử dụng điện xoay chiều.
Ông đã sử dụng nguyên lý này để chế tạo ra motor điện từ AC và hệ thống đa pha cho máy phát, truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng điện.
Khi Tesla đang làm việc trong phòng thí nghiệm của Thomas Edison ở New Jersey, giữa hai người đã xảy ra một cuộc "nội chiến" tranh luận đâu là dòng điện tốt nhất.
Edison ưa dùng dòng điện một chiều hay DC, trong khi Tesla chuộng dòng điện xoay chiều hay AC (định kỳ thay đổi hướng). Điều này dẫn đến "cuộc chiến giữa các dòng điện", mà cuối cùng Tesla là người chiến thắng nhờ hiệu quả cao hơn của AC.
Tesla cũng cộng tác chặt chẽ cùng nhà công nghiệp, nhà phát minh George Westinghouse và sự hợp tác này đã giúp thiết lập mạng lưới điện trên khắp nước Mỹ.
Ông từng viết một tài liệu kinh điển mang tên "Một hệ thống mới của động cơ và bộ chuyển đổi dòng điện xoay chiều" năm 1888, trong đó đưa ra quan điểm về động cơ và các hệ thống điện của ông. Tài liệu này thu hút sự chú ý của Westinghouse và họ bắt tay hợp tác để mang điện đến các vùng đất khác trên nướcMỹ.
Hệ thống AC của Tesla vẫn là tiêu chuẩn cung cấp điện của thế giới cho đến tận bây giờ.
Ông cũng phát minh ra cuộn dây Tesla, một thiết bị được sử dụng rộng rãi ngày nay trên radio, TV và các thiết bị điện tử khác.
Năm 1891, Tesla phát triển một cuộn dây cảm ứng tạo ra dòng điện xoay chiều tần số cao, nay được gọi là cuộn dây Tesla. Ông đã sử dụng nó trong các thí nghiệm tạo sét, tia X-quang và điện không dây.
Cuộn dây đã trở thành nền móng của đài phát thanh và truyền hình. Ngày nay, cuộn dây Tesla chủ yếu được sử dụng trong ngành giáo dục và giải trí.
Tesla được cấp bằng sáng chế cho hệ thống cơ bản của đài phát thanh vào năm 1896.
Đài phát thanh thường được ghi nhận là phát minh của Guglielmo Marconi, người đã thực hiện việc truyền sóng vô tuyến đầu tiên vào năm 1901. Tuy nhiên, Tesla mới là người đã phát triển các yếu tố cấu thành cơ bản của một máy phát thanh, sau đó được Marconi sử dụng – tình huống khiến cả hai phải gặp nhau tại tòa.
Tesla từng nhen nhóm hai giấc mơ mới chỉ trên lý thuyết: "tia tử thần" và "bức tường vũ trang không thể xuyên thủng" có thể ngăn chặn các cuộc ngoại xâm.
FBI lưu trữ hồ sơ về Tesla trong suốt thời gian ông sinh sống tại Hoa Kỳ và vẫn giữ nó đến tậnnăm 2011, khi được công bố hồ sơ đã lên đến 250 trang.
Vào năm 1943, khi Tesla qua đời, kỹ sư điện và nhà nghiên cứu công nghệ quân sự John G. Trump – người được gọi là ông chú "hạt nhân" của Tổng thống Trump trên một bài báo tháng 4/2016 - đã thẩm tra những ảnh hưởng của Tesla và báo cáo lại cho FBI.
John Trump được cho là đã báo cáo lên FBI: "Ý tưởng và nỗ lực của Tesla trong ít nhất 15 năm qua chủ yếu là những suy đoán cá nhân, mang tính triết học và theo cách PR bản thân", chứ "không có lấy một nguyên lý hay phương thức nào khả dụng, hợp lý, mang lại kết quả".
Suốt cuộc đời mình, Tesla chưa một lần lập gia đình, nhưng ông lại dành tình yêu của mình cho một chú chim bồ câu.
Teslacó thói quen đi dạo trong công viên và cho chim bồ câu ăn. Ông nảy sinh tình cảm với một chú chim bồ câu trắng thường ghé thăm ông mỗi ngày.
"Tôi thích chú chim bồ câu ấy như cách một người đàn ông yêu một phụ nữ, và cô ấy yêu tôi. Chừng nào tôi còn bên cạnh cô ấy thì cuộc đời tôi còn ý nghĩa",Tesla đã nói.
(sưu tầm)