Văn học là nhân học”- M.Gorki đã từng đưa ra định nghĩa về văn học như thế. Văn học rộng lớn , có lẽ, còn hơn cả thế giới thực tại này, vì nó còn có chiều sâu, chứa đựng trí tưởng tượng, tình yêu, một thế giới không thực tại, hay ta còn có thể gọi là thế giới của óc tưởng tượng con người. Tuy vậy, một tác phẩm văn học được coi là chân chính khi nó hướng tới con người, dù nó diễn tả cái xấu, cái ác cũng chỉ để nhằm thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện. Đã có nhiều tác phẩm văn học tồn tại theo năm tháng, được công chúng đón nhận, vinh danh, truyền đạt lại cho thế hệ sau đã minh chứng cho ý kiến đó.
Cái đẹp, cái lương thiện bao giờ cũng là đích tới cuối cùng, là thiên đường trong lòng mỗi người hướng tới. Nhưng xã hội con người luôn song song tồn tại cả những điều ác, điều xấu xa. Văn học, với nhiệm vụ cao cả của nó, phản ánh cuộc sống chân thực, muôn màu, ghi lại những câu chuyện cuộc sống bằng nhiều góc độ, nhiều phong cách.
Cả một vệt văn học viết về tội ác của loài người như Có được là người của Primo Levi, Không số phận của Kertész Imre, Nhật ký Anne Frank của Anne Frank, Đêm của Elis Wiesel… Rất nhiều cuốn sách trong series này đã được coi là kiệt tác văn chương của nhân loại và được tôn vinh một cách xứng đáng. Kertész Imre được giải Nobel văn học, Elis Wiesel được Nobel hoà bình… Trước hết phải khẳng định rằng những tác phẩm như Đồi gió hú, Anh em nhà Karamazov, Có được làm người… là những kiệt tác của văn học và chủ để chính trong những tác phẩm đó là bạo lực, sự tàn ác của con người. Cái ác được phơi bày ở đủ mọi góc cạnh, nhà văn miêu tả cái ác tỉ mỉ, có lúc trần trụi để con người khiếp sợ với nó và cảnh báo về những hoàn cảnh tương tự có thể xảy ra. Yêu thương bằng hận thù như Heathcliff sẽ chẳng có kết cục tốt đẹp gì. Phóng đãng, đồi truỵ mất hết tình cha con như Fiodor Pavlvitr rồi cũng phải chịu một cái chết bi thảm, hoặc anh chàng Raskolnikov trong Tội ác và hình phạt cũng của Dostoivesky, giết người và đâu được yên thân: sống trong một nỗi sợ hãi và giày vò khủng khiếp… Nhà văn đưa ra cái các và những biểu tượng của nó để thấy rằng cái ác dù có dữ tợn và khủng khiếp thế nào nó cũng chẳng thể trường tồn, nhất định nó sẽ bị trả giá bằng một cái giá rất đắt. Văn học viết về cái ác chính là để đấu tranh với nó, đưa nó ra ánh sáng và kéo người ta đến cái thiện. Viết về cái ác để rèn luyện con người đi trên con đường chông gai hướng đến cái thiện. Cái ác chẳng thể trường tồn, cái đẹp mới là bản thể nâng đỡ con người đi tới tận cùng. Nói về cái ác suy cho cùng cũng chỉ để khẳng định cái đẹp, cái thiện lương.
Minh chứng trong văn học Việt Nam, rõ ràng và quen thuộc nhất chính là Chí Phèo của Nam Cao. Tác phẩm nói về một anh nông dân tên Chí, từ khi sinh ra đã nhận sự bất công, mẹ bỏ rơi, lớn lên trong sự bao bọc của dân làng mà lớn. Anh Chí thiện lương, nhút nhát làm công cho nhà Bá Kiến bị Bá Kiến đánh ghen, vu oan vào tù ngục. Từ đó, Chí trở thành Chí Phèo, tha hóa thành kẻ nát rượu, say khướt ngày đêm, rạch mặt ăn vạ. Chí Phèo gặp Thị Nở, cuộc đời cứ ngỡ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn thì Thị cũng từ chối hắn. Hắn giết Bá Kiến và tự kết liễu cuộc đời. Đọc xong tác phẩm, ta thấy đầu tiên là cuộc đời trượt dài tha hóa của anh Chí thiện lương. Điều gì đã làm anh Chí, kẻ đã từng bị vứt bỏ lớn lên, bị bà ba dụ dỗ cũng không thay đổi, vậy mà biến thành một kẻ khác biệt hoàn toàn? Chính là chế độ thực dân nửa phong kiến, nhà tù thực dân chỉ được nhắc tới lướt qua, không một dòng miêu tả, nhưng nhìn vào kết quả cuối cùng – Chí Phèo, đã để người ta biết nó đáng sợ tới mức nào. Những kẻ chức sắc trong làng, chuyên bắt nạt kẻ yếu, chân chất, còn kẻ vô lại thì chúng nhún nhường, biến thành tay sai. Xã hội tồi tệ, toàn điều bất công, người dân một cổ hai tròng. Trong cảnh xấu xa ấy, lại “lòi” ra một Thị Nở xấu “vô đối”: “Cái mũi thì vừa ngắn, vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lẫn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi: có lẽ vì cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra”, tính nết đã vậy, còn dở hơi. Nếu như Chí Phèo xấu do chế độ, năm tháng khắc lên người hắn thì Thị Nở là một kiểu hoàn toàn ngược lại, hai con người giao thoa với nhau ở một điểm, bùng cháy ngọn tình dữ dội, sau đó lại tách ra hai hướng tách biệt. Nam Cao đã tạo nên hai “kẻ xấu” trong làng Vũ Đại, một kẻ xấu từ trứng nước, một kẻ xấu bởi quá trình, đều trở thành cái ô nhục, cái đáng vứt bỏ của xã hội. Cũng chính vì vậy, hai con người ấy cũng khao khát tình yêu, khao khát hơi ấm hơn bất kì ai. Miêu tả cái xấu xa, cái gớm ghiếc nhưng người đọc lại nhớ đến Chí Phèo ở câu nói: Ai cho tao lương thiện? Chỉ vài ngày bên thị Nở đã làm một kẻ ác trở nên thiện lương ư? Không, chính là bởi cái thiện lương, cái đẹp vẫn luôn tồn tại trong con người Chí, giống như hạt mầm cây béo tốt ngủ đông, chỉ chờ mùa xuân về đánh thức là nó nảy mầm bén rễ. Tuy nhiên, mầm nảy rồi mà không ai chăm sóc, không nơi bấu víu, nó đành chết mà thôi. Kẻ ác thực sự lại là kẻ không có vẻ ngoài xấu xa, thậm chí còn là kẻ có địa vị. Nhát dao cuối đâm chết cả Bá Kiến lẫn Chí Phèo giống như nhát dao công lí tiêu diệt cái xấu, dù nó không thể tiêu diệt hoàn toàn cái ác đó.
Cuộc đời này, cái ác không bao giờ biến mất hoàn toàn, nhân chi sơ tính bản thiện (Mạnh Tử) nhưng cũng ý đó lại nói nhân chi sơ tính bản ác (Tuân Tử). Miêu tả cái ác không phải là sở thích ý muốn của nhà văn mà vì nó là một phần hiện hữu của thế giới. Người ta nhìn thấy cái ác ở khắp mọi nơi: chiến tranh, bạo lực gia đình, giết người... Không ai muốn cái ác nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển cùng với xã hội loài người. Văn học, do vậy, không chỉ toàn cái đẹp, nhưng dù khi người ta viết về cái ác, cái xấu thì cũng là để thể hiện khát vọng với cái đẹp, cái thiện.