Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Với 47 dân tộc cùng sinh sống, Đắk Lắk là tỉnh có đông dân tộc nhất. Mỗi dân tộc đều có những nét đặc trưng về văn hóa nổi bật, một trong số đó là nghề thủ công truyền thống làm gốm không sử dụng bàn xoay của dân tộc M’nông Rlăm ở xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
Huyện Lắk là địa bàn sinh sống của cư dân lúa nước với hồ Lắk rộng lớn, nổi tiếng trong ngành du lịch. Tuy nhiên, những sản phẩm/sản vật địa phương để phục vụ cho ngành du lịch thì dường như chưa được chú trọng đúng mức. Sản phẩm gốm của người dân tộc tại chỗ - M’nông Rlăm - là một ví dụ. Đã có rất nhiều bài viết nói về kỹ thuật làm gốm không sử dụng bàn xoay của người M’nông Rlăm ở đây, tuy nhiên việc so sánh gốm hiện đại - gốm đang được chế tác với gốm tiền sử là một vấn đề cũng cần được quan tâm thích đáng nhằm tạo thêm một hướng đi mới cho “làng gốm cổ” này.
Đắk Lắk là tỉnh có hơn 40 di tích tiền sử, với số lượng rất lớn gốm tiền sử. Qua tài liệu nghiên cứu khảo cổ cho thấy gốm tiền sử Đắk Lắk có nhiều nét gần gũi với gốm hiện đại cả về chất liệu và kỹ thuật chế tác. Sau công đoạn tạo dáng cơ bản, các đồ gốm sẽ được chỉnh sửa để hoàn thiện kiểu dáng như mong muốn. Xương gốm sẽ được làm mỏng cùng với phần thân bên ngoài, đặc biệt là đáy và phần thân gần đáy sẽ được chỉnh sửa để tạo đáy tròn hoặc hơi cong. Nạo bên trong lòng đồ gốm bằng vòng tre mỏng để làm cho thành gốm mỏng hơn và đều hơn. Người thợ gốm đặt đồ gốm lên đùi, dùng vòng tre nạo phía trong, nạo đến đâu xoay đồ gốm đến đó. Trong lòng đồ gốm thường để lại dấu vết cạo sửa này. Sau khi cạo trong lòng, họ sẽ tiếp tục cạo sửa phần đáy gốm và phần thân sát đáy. Các đồ gốm khi tạo dáng thường có đáy bằng. Sau đó dùng cuội chà toàn bộ phần da gốm cho gốm bóng mịn hơn, tạo cho đồ gốm có một lớp áo mịn, bóng, gốm chắc. Chuốt bóng bề mặt gốm đến khi nổi sét lên tạo thành một lớp màng mỏng giống như “áo gốm”. Trong một số di tích khảo cổ, đồ gốm phát hiện được vẫn còn quan sát được dấu vết cạo sửa, đồng thời tìm thấy một số viên cuội đánh bóng. Có thể nhận thấy những đồ gốm phục vụ cho việc đun nấu và phục vụ việc ăn uống, trong lòng thường được miết nhẵn bóng như nồi, bát, bát bồng, mâm bồng, còn những đồ gốm có lòng hẹp sâu hoặc không có chức năng sử dụng thực tế thì dường như dấu vết bên trong đôi khi chưa được xóa hết. Hầu hết đồ gốm tiền sử đều trang trí văn thừng ở phần thân bên ngoài, đặc biệt là phần thân sát đáy và đáy. Đây chính là những dấu vết mang tính kỹ thuật. Ngoài ra, mặc dù xương gốm của sản phẩm thường thô hoặc rất thô nhưng bề mặt lại rất mịn và bóng như được phủ một lớp áo. Có thể tạo áo gốm bằng cách dùng giẻ ướt xoa vuốt gốm sẽ làm cho lớp sét mịn nổi lên bề mặt tạo cho gốm mịn và bóng.
Những tư liệu gốm tiền sử này rất gần gũi với gốm truyền thống của người M’nông Rlăm ở huyện Lắk trong kỹ thuật chế tác, đây là một giá trị lịch sử rất quý giá. Do vậy, vấn đề còn lại là làm sao để tìm đầu ra cho sản phẩm này nhằm bảo tồn nét văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mất đi. Bởi một thực tế hiện nay là những sản phẩm gốm làm ra ít mang tính ứng dụng, giá trị kinh tế không cao, trong khi phải tốn rất nhiều công sức trong việc tìm nguồn nguyên liệu và các khâu chế tác thành sản phẩm hoàn chỉnh. Chúng ta phải xác định rằng người tiêu thụ sản phẩm này hầu như không phải để sử dụng đúng mục đích sản phẩm mà chỉ nhằm mang tính trang trí và nguồn tiêu thụ chính là khách du lịch. Phát triển ngành nghề truyền thống gắn với du lịch là một hướng đi đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, giúp nâng cao thu nhập cho người dân, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần giảm nghèo bền vững.
Du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa đang là một thế mạnh tại huyện Lắk, việc xây dựng một mô hình, mô thức phù hợp để vừa phát triển du lịch, vừa kết hợp tìm hiểu nghề truyền thống của người dân bản địa cần phải tuân thủ theo một số nguyên tắc chính sau đây: đảm bảo tính thẩm mỹ để mang lại sự hài lòng cho du khách trong việc dùng sản phẩm trang trí, vừa đảm bảo mang lại nguồn lợi kinh tế cho nghệ nhân chế tác sản phẩm. Trong nghiên cứu văn hóa nói chung, thì văn hóa làng nghề nói riêng là một vấn đề rất khó. Từ thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới… đã và đang đặt ra những yêu cầu vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong việc bảo tồn và phát huy, phát triển di sản văn hóa làng nghề. Vấn đề quan trọng là chúng ta chưa triển khai những chính sách của Nhà nước đến tận làng, tận buôn… do vậy cần phải có sự học hỏi kinh nghiệm từ các thiết chế văn hóa khác.
Sự kết hợp với ngành du lịch đang là một thế mạnh tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, bằng chứng là hầu như du khách nào khi đặt chân đến Đắk Lắk đều có mặt tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk để tìm hiểu về văn hóa bản địa. Vậy tại sao ngành du lịch Đắk Lắk không tổ chức hẳn một chương trình (tuor) tham quan làng nghề truyền thống, để làng nghề này trở thành một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong suốt hành trình khám phá Đắk Lắk. Trước đây, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương mở một số lớp dạy nghề làm gốm cho thanh thiếu niên tại các buôn, làng; đồng thời giới thiệu một số sản phẩm gốm của đồng bào làm ra cho các đơn vị du lịch. Tuy nhiên, do chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa người làm du lịch và người làm ra sản phẩm nên sản phẩm gốm sản xuất ra hầu như không tiêu thụ được, khách tham quan thưa dần nên làng nghề truyền thống này dần dần bị mai một.
Tỉnh Đắk Lắk là trung tâm của vùng Tây Nguyên, vì vậy, việc xây dựng chiến lược bảo tồn văn hóa gắn kết với hoạt động du lịch là hết sức cần thiết. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, loại hình du lịch này còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và giữ gìn bản sắc dân tộc. Nằm trong đề án “Phát triển làng nghề giai đoạn 2014-2015 và định hướng đến năm 2020” - nghề làm gốm truyền thống ở xã Yang Tao, huyện Lắk đang có rất nhiều cơ hội để phát triển. Đây chính là cơ sở để tiếp tục nâng cao năng lực tổ chức và quản lý sản xuất, tiếp cận thị trường; thiết kế nhãn mác; hỗ trợ tham gia các hội chợ thương mại; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống… Trong tương lai không xa, du khách đến với huyện Lắk không chỉ được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng của hồ Lắk, được cưỡi voi, chèo thuyền độc mộc, du ngoạn trên sông nước, được thưởng thức những ẩm thực, sản vật hồ Lắk, mà còn có dịp tham quan cụm nghề truyền thống có từ bao đời nay của dân tộc M’nông Rlăm, được thực tế chiêm ngưỡng những công đoạn để tạo nên những sản phẩm mang đậm yếu tố truyền thống bản địa này.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |