Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai, Festival dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 9 - 11/11/2018, với sự tham gia của khoảng 1.200 nghệ nhân, diễn viên thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên.
Các hoạt động chính tại Festival cồng chiêng gồm có: lễ hội đường phố diễn ra trên các đường phố chính ở TP. Pleiku; phục dựng một số lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa như: mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, phục dựng nghi lễ của các dân tộc; trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; sinh hoạt văn nghệ dân gian như diễn xướng sử thi Tây Nguyên, hát dân ca; triển lãm ảnh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; triển lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc.
Buôn làng là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc trong Festival Văn hóa cồng chiêng 2018.
Theo ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Gia Lai, tỉnh đã có sự chuẩn bị chu đáo từ năm 2017, đặc biệt là ở các buôn làng, nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc.
“Trong Festival lần này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến lễ hội dân gian, tức là yếu tố cộng đồng và yếu tố dân gian. Chính vì vậy, các hoạt động của Festival hướng tới người dân, hướng tới cộng đồng - những chủ nhân của không gian văn hóa cồng chiêng.
Trong năm 2017 và năm 2018, tất cả các huyện thị xã thành phố đều tổ chức lễ hội cồng chiêng. Việc tổ chức lễ hội cồng chiêng ở cấp huyện và cấp xã nhằm chuẩn bị lực lượng để tham gia Festival Văn hóa cồng chiêng 2018", ông Phan Xuân Vũ cho biết.