Hai tiếng “Mùa xuân” có lẽ rất gần gũi với các ngòi bút của những nhà văn, bởi lẽ nó khơi gợi lên sức sống và sự trẻ trung, niềm kiêu hãnh mà tác giả muốn gửi gắm vào lòng độc giả những xao xuyến bổi hổi của một mùa mới bắt đầu. Trong bài thơ “Mùa xuân ơi hãy về” Nguyễn Lãm Thắng đã có một tình yêu mùa xuân tha thiết gửi gắm vào đó là giấc mơ có một cuộc sống tươi đẹp, êm ấm hòa bình, đồng thời nói lên tình yêu quê hương đất nước. Tác giả khi nói về mùa xuân của mình rất gần gũi và mộc mạc bởi: “Mùa xuân ơi hãy về/ Mang thêm nhiều nắng ấm”, dường như trong lời thơ là một thứ gì đó mà tác giả muốn ước nguyện có được, mong muốn mùa xuân trở về để lan tỏa những hơi ấm tới những mái nhà tranh xen qua những hàng ngói, lá cọ. Nắng ấm biểu thị một sức sống tuy giản dị mà mãnh liệt nó như tiếp thêm một động lực mới để có thể sống hết mình với cuộc sống, cống hiến và hy sinh tới nơi tổ ấm. Những câu thơ tiếp theo đã vẽ nên một khung cảnh rực sắc khi xuân về trên làng quê với hàng loạt những hình ảnh như: hoa thắm, con ong làm mật, chim én bay về, dòng sông trong vắt, thuyền trôi êm đềm,… cảnh nào sắc ấy đều mang dáng vẻ hồn nhiên, trong sáng với tràn đầy sức sống của mùa xuân. Tác giả đã ở một khía cạnh nào đó ngắm nhìn và quan sát rất kĩ khi sự vật đang dần chuyển hóa theo thời gian và từ đó đã hòa mình vào để cống hiến và yêu thiên nhiên quê hương. Không chỉ riêng Nguyễn Lãm Thắng mà bao ngòi bút khác cũng đều ước muốn được nắm lấy mùa xuân trọn vẹn mà không nỡ rời đi, trong thơ của Nguyễn Du (Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi) nói đến thời gian đang dần trôi rất nhanh khi về cuối mùa hình ảnh ẩn dụ con én đưa thoi bộc lộ càng rõ hơn về sự trôi chảy của thời gian. Bên cạnh đó cũng có những niềm nuối tiếc thầm kín với bao dự định chưa thực hiện được, nhưng đó thôi đã gợi lên một bức tranh mùa xuân mang vẻ đẹp thanh tú và tươi mát. Tất cả đã đều mượn sự vật để miêu tả nên mùa xuân những qua đó mà ẩn dụ chính bản thân mình vào đó, không muốn rời khỏi những thời khắc tươi đẹp nhất của cuộc đời bởi lẽ nếu rời đi sẽ không thể nào trở lại, vì thế mà mỗi tác giả đều ước muốn là được sống mãi trong nó. Nhưng cuối bài thơ tác giả lại viết nên những mơ ước của mọi đứa trẻ là được thêm tuổi mới, thêm quần áo mới nhận được nhiều lộc lá để cùng đi hội xuân. Có lẽ ai xa nhà khi đọc đến đây sẽ nao nao nhớ về những giây phút êm ấm quây quần bên gia đình, những tiếng hò reo tấp nập của phiên chợ tết đông vui và đều hướng tới một niềm hy vọng có một năm mới tràn đầy hạnh phúc và tốt đẹp.