Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
10 tuổi, lần đầu tiên chúng tôi được học tiếng Anh, nhưng không phải học ở trường mà phải đạp xe hơn 3km sang nhà thầy giáo ở làng bên để học. Trong căn nhà cấp 4 nhỏ bên bờ đê lộng gió, một thầy giáo và 4 học trò ríu rít với những bài học tiếng anh vỡ lòng. Mỗi buổi học thêm tiếng Anh khi đó chỉ có 500 đồng, cách đây 12 năm về trước. Khi đó bốn đứa chúng tôi chỉ biết học, không quan tâm 500 đồng là đắt hay rẻ cho một buổi học tiếng Anh vỡ lòng. Thầy là một người thầy đặc biệt cùng lớp học đặc biệt và một căn nhà cũng đặc biệt. Ngôi nhà chỉ có một gian thấp bé được xây hoàn toàn bằng xi măng. Đến những cái bàn và giường ngủ cũng được làm từ xi măng. Từ xa, ngôi nhà trông như một chuồng chim bồ câu bám trên bờ đập. Thầy viết trên một tấm bảng đen nhỏ treo trên tường, trò ngồi bàn xếp, khoanh chân trên tấm phản xây bằng xi măng. Những câu hello, goodbye… thầy vừa dạy viết vừa dạy đọc. Thầy đứng xoay ngang khuôn mặt, miệng mở rộng, lưỡi chuyển động thật chậm để chúng tôi tập đọc theo cho đúng.
Tôi nhớ còn nhớ câu chuyện thầy kể về một nước Nga xa xôi, nơi mà thầy đã từng theo học, nơi có một người con gái thầy đã yêu và đã rời xa. Thầy kể cho chúng tôi nghe về một thời trai trẻ nhiều ước mơ nơi xứ tuyết… Trong câu chuyện đó có cái gì đó đã đổ vỡ, đã chia lìa và giờ thầy ở đây, trước mặt chúng tôi…Thầy sống lầm lũi và hơi lập dị trong mắt người làng. Đuôi mắt nhiều nếp nhăn của thầy hay nheo lại, nhìn về nơi nào đó xa thẳm. Thầy có nụ cười thật lạ, trước mặt chúng tôi thì vô cùng ấm áp, quay đi là ngay lập tức nhếch lên khó hiểu khiến tôi thấy hay hay và chỉ thích nhìn thầy cười.
Cũng như bao người nông dân khác, thầy cũng trồng lúa, đặt rớ tôm (vó tôm) để có tiền trang trải cho cuộc sống. Triền đập thoai thoải thầy đặt bao nhiêu là rớ. Tép cất được, thầy vừa ăn, vừa bán, con nào nhỉnh hơn thầy bỏ vào cái bể cũng được xây bằng xi măng để nuôi cho lớn.Mỗi ngày tới học, chúng tôi hay vào bể tôm của thầy chơi, té nước khiến cho những con tôm nhảy lên loạn xạ. Lúc đó thầy liền rối rít la chúng tôi. Nhưng cái rối rít của thầy trông rất hiền từ nên không làm chúng tôi sợ và như thế ngày nào trò nghịch dại đó cũng được lặp lại.
Thầy nói, có chúng tôi tới học thầy cảm thấy rất vui. Thầy say sưa nói với chúng tôi thứ ngoại ngữ mà một thời thầy say mê. Có chúng tôi, thầy bận rộn hơn vì phải lo ngăn những trò nghịch dại, lo cho chúng tôi học sao cho giỏi.Khi không còn học thầy nữa, tôi vẫn thường đạp xe qua nhà thầy, vẫn cái dáng cao gầy ấy, đặt những rớ tép dọc triền đập, bước đi liêu xiêu. Hai ba lần tôi đi qua, vẫn yên tâm khi cái dáng liêu xiêu ấy đi dọc bờ sóng ì ập vỗ. Rồi kí ức cũng như những con sóng, va đập kiểu gì mà tôi không còn nhớ từ lúc nào, tôi không còn thấy dáng người thầy ấy nữa. Hôm nay, như bao đứa học trò vô tâm khác của thầy, tôi lại ngồi kể về những kỉ niệm ngày xa xăm ấy. Tôi nhớ bóng thầy khi thả những con tép nhỉnh hơn vào trong cái bể xi măng và mong chúng lớn, khi đó trông thầy như cô Tấm đang nuôi con cá bống để chờ phép màu. Tôi luôn mong thầy đã đi khỏi căn nhà ấy, ngôi làng ấy, đi đến xứ sở của riêng thầy. Nơi có nhiều ước mơ hơn, biết đâu phép màu tôm, cá sẽ cho thầy gặp lại người con gái thầy đã yêu. Tôi luôn mong điều đó vì tôi biết gương mặt ấy, nụ cười ấy, dường như không thuộc về nơi này, không nên ở lại nơi này.
Ông giáo và tách cafeMột nhóm sinh viên giờ đã thành đạt trong công việc cùng nhau về thăm thầy giáo cũ. Cuộc nói chuyện nhanh chóng được chuyển sang những vấn đề trong cuộc sống và công việc…
Muốn mời những học trò cũ uống cà phê, ông giáo vào bếp và quay lại với rất nhiều cà phê đựng trong những chiếc cốc khác nhau: cái bằng sứ, cái bằng nhựa, cái bằng thuỷ tinh, cái bằng pha lê, một số trông rất đơn giản, số khác lại có vẻ đắt tiền, vài cái được chế tác rất tinh xảo…
Khi tất cả mọi người đều đã cầm cốc cà phê trong tay, ông giáo nhẹ nhàng lên tiếng: “Không biết các trò có chú ý không, nhưng những chiếc cốc trông đẹp đẽ, đắt tiền luôn được lựa chọn trước, để lại những cái trông đơn giản và rẻ tiền.
Mặc dù rất đơn giản và dễ hiểu khi các trò muốn điều tốt đẹp nhất cho bản thân nhưng đó cũng là nguồn gốc, nguyên nhân của mọi vấn đề căng thẳng của các trò.
Một điều chắc chắn rằng cái cốc không phải là thứ quyết định chất lượng của cà phê đựng bên trong. Một số trường hợp, nó chỉ đơn giản là cái vỏ đắt tiền hơn và một số khác thậm chí che giấu cái mà nó đang chứa đựng.
Điều các trò thực sự muốn là cà phê chứ không phải cái cốc, nhưng các trò vẫn có ý thức lựa chọn cái cốc tốt nhất. Sau đó các trò mới để mắt đến những cái cốc khác.
Cũng như vậy, cuộc sống của chúng ta là cà phê, công việc, tiền bạc và vị trí xã hội là những cái cốc. Chúng chẳng qua chỉ bao bọc lấy cuộc sống. Và loại cốc mà trò có không làm nên cũng như không thay đổi cuộc đời mà trò đang sống…”.
Đôi khi, chúng ta chỉ quan tâm đến cốc mà quên thưởng thức thứ cà phê ông trời đã ban tặng cho chúng ta. Người hạnh phúc nhất không phải là người có những thứ tốt nhất mà là người biết biến những thứ mình đang có thành thứ tốt nhất
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |