Việt Nam còn có các mỏ khoáng sản có giá trị trải dài từ Bắc đến Nam, với nguồn dầu hỏa và khí đốt dồi dào[15]. Việt Nam đã phát hiện được trên 5.000 mỏ, điểm quặng với trên 60 loại khoáng sản khác nhau, có một số loại khoáng sản quy mô trữ lớn, là nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hóa-hiện đại hóa[16]. Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với hơn 5000 điểm mỏ của 60 loại khoáng sản, với một số loại có trữ lượng quan trọng như bô xít (672,1 triệu tấn), apatit (0,778 triệu tấn), titan (15,71 triệu tấn), than (3.520 triệu tấn), đất hiếm (1,1 triệu tấn) và đá granit (15 tỷ m3). Trữ lượng dầu mỏ ước tính khoảng 6 tỷ tấn và khí đốt khoảng 4.000 tỷ m3, phân bố chủ yếu ở vùng trầm tích từ Nam đến Bắc. Năm 2012, Việt Nam đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương (110 triệu gallon barrels), đóng góp 2,3% tổng sản lượng thiếc trên thế giới và 1,8% tổng sản lượng xi măng, 1% tổng sản lượng Barite trên thế giới. Theo tính toán, trong giai đoạn 2008 – 2013, đóng góp của ngành khai khoáng vào GDP của Việt Nam tăng từ 9,07 % năm 2008 lên 11,49% vào năm 2013, tương đương với 411.673 tỷ đồng.