Người vợ, người mẹ, người con gái Việt Nam xưa nay vốn đã trải qua biết bao khó nhọc, vất vả. Bài thơ "Thương em" của nhà thơ Nguyễn Đức Dũng như nói lên được cái sự tảo tần ấy, như mang vào từng con chữ, từng âm thanh thiết tha mà sâu lắng. Đó là sự vất vả, là tình thương, là hình ảnh một người con gái đẹp đẽ mà phi thường.
Nhan đề bài thơ đã bao phủ nội dung toàn bài, nó gợi lên sự yêu mến và xót xa của nhà thơ với người phụ nữ. Có lẽ, hình ảnh tảo tần, khó nhọc của người con gái đã in sâu trong tâm trí nhà thơ."Thương em chịu khó từng ngày/ Đường xưa lối cũ ướt gầy thân em" Năm tháng qua đi, bóng hình ấy vẫn còn đó, là sự lao động, chăm chỉ, cần cù mà vất vả, khó nhọc, là sự tảo tần, nặng nhọc mỗi ngày. Trên con đường xưa đó, giọt mồ hôi thể hiện sự chịu khó vương sau lưng, thấm đẫm lên chiếc áo nâu mỏng, trên bờ lưng giản dị, chất phác. Thân em gầy lắm, nhỏ bé, nhưng chính sự nhỏ bé ấy lại làm nên những điều phi thường, lại một thân chống chọi với đời.
" Ai ơi ngắm nhìn mà xem
Thước tha trìu mến vẫn em thuở nào"
"Ai ơi" - vốn là bản giao hưởng thân quen trong ca dao lao động Việt Nam, sự thân thương ấy một lần nữa gợi nhó về em, về cô gái thôn quê hiền dịu. Câu thơ tựa đang kêu gọi mà cũng tựa như đang tự hào, ngắm nhìn vẻ đẹp chan chứa ấy, vẻ đẹp bình dị, thân thương. Em đã là một cô thiếu nữ, một thiếu nữ mang trong mình tâm hồn xinh tươi, vẻ đẹp của em vẫn từ chính cái làng quê xóm cũ ấy, một cái đẹp nhẹ nhàng, ngọt ngào, trìu mến khiến người ta nhớ nhung. Một người con gái tần tảo lao động sớm hôm, lại mang trong mình sự thanh bình, chất phác đến vậy.
"Quãng đường khó nhọc mời chào
Mây đưa gió thôi rừng bao kín đầu"
Cuộc đời vốn chập chùng gian khó, em vẫn bước đi trên con đường đầy khó nhọc, "mây đưa gió thổi" - những khó khăn em phải vượt qua vốn vô cùng khắc nghiệt, gian nan. Cả quãng đường em đi vốn là cuộc hành trình không hồi kết, tương lai dù có như thế nào, em vẫn bước về phía trước.
"Bỗng trời lại đổ mưa ngau
Mắt em nhỏ lệ nỗi sầu chơi vơ"
Đời người như một vở kịch, có lúc thăng trầm, bi đát, số phận và nghịch cảnh cớ sao lại thích trêu đùa người ta đến thế? Những cơn mưa ngau của cuộc đời như xé tan vào ý chí kiên cường đó, chúng dữ dội và mang đến những bi thương. Giọt lệ rơi xuống cũng là lúc mà đứng giữa chông gai của cuộc đời. Em đứng một mình với cuộc sống, nước mắt thể hiện sự cô đơn, đau thương, mất mát. Nhưng chính những giọt lệ đó khiến em thêm mạnh mẽ, thêm dũng khí và can đảm nhìn về tương lai. Cô gái ấy không bỏ cuộc, cô gái ấy không gục ngã, cũng chẳng có bất kì thứ gì làm em bỏ cuộc.
Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát - một thể thơ vô cùng thân thuộc của ca dao Việt Nam, của tiếng hát người dân làng quê Việt. Xuyên suốt bài thơ, hình ảnh ẩn dụ "đường xưa lối cũ","quãng đường khó nhọc"." mưa ngau"," mây mưa gió thổi" như khắc họa lên cả cuộc sống khó khăn của người phụ nữ. Nó ẩn dụ cho những khó khăn, chông gai, những thách thức phải vượt qua để trưởng thành.
Bài thơ "Thương em" là một khúc hát thân thương dành cho những cô gái đang vất vả ngoài kia, củng cố thêm động lực để bước qua những thách thức trên con đường của mình. Số phận trớ trêu cho những mảnh đời bất hạnh, nhưng hãy nhìn về phía trước, nhìn về tương lai mà tiến lên, mà lạc quan. Ta có thể khóc, có thể yếu đuối, có thể vất vả, nhưng đừng bỏ cuộc trước thách thức. Mỗi người con gái Việt Nam đều mang trong mình vẻ đẹp và sức mạnh phi thường, đó là nguồn sức mạnh tuyệt vời của họ.