Một là, trung với nước, hiếu với dân. Theo Hồ Chí Minh, đây là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất và chi phối các phẩm chất khác. Từ quan niệm cũ “trung với vua, hiếu với cha mẹ” trong đạo đức truyền thống của xã hội phong kiến phương Đông, Hồ Chí Minh đưa vào đó một nội dung mới, cao rộng hơn là “trung với nước, hiếu với dân”.
Hai là, yêu thương con người. Quan niệm này cho thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về lòng yêu thương con người rất toàn diện và độc đáo. Bởi vậy, Hồ Chí Minh đã xác định tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất cao đẹp nhất. Người luôn luôn dành tình yêu thương rộng lớn cho những người cùng khổ, những người lao động bị áp bức bóc lột. Bác đã viết: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[3]. Ở Hồ Chí Minh, tình yêu thương đồng bào, đồng chí của Người rất bao la, rộng lớn và toàn diện, không phân biệt vùng, miền, trẻ, già, trai, gái...hễ là người Việt Nam yêu nước thì đều có chỗ trong tấm lòng nhân ái của Người. Tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện tấm lòng bao dung cao cả của một người Cha, đặc biệt, đối với những người phạm sai lầm, khuyết điểm. Người căn dặn: mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng, ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời. Chính vì vậy, trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Người căn dặn Đảng: phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, mỗi cán bộ, đảng viên luôn luôn chú ý đến phẩm chất yêu thương con người.
Ba là, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Khổng Tử đã từng nêu lên những khái niệm về cần, kiệm, liêm, chính, ông cho rằng cần, kiệm, liêm, chính là những đức tính do “thiên phú”. Tuy nhiên, khi vận dụng những khái niệm này của đạo đức cũ Người lại cho rằng cần, kiệm, liêm, chính không phải do thiên phú mà do sự rèn luyện bền bỉ mà nên, Người đã khằng định: đạo đức cách mạng không phải tự trên trời sa xuống mà do sự rèn luyện bền bỉ mà nên. Theo Người, cần, kiệm, lêm, chính là tứ đức không thể thiếu được đối với mỗi con người giống như trời có bốn mùa, đất có bốn phương.
Bốn là, tinh thần quốc tế trong sáng. Đó là tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản mà Hồ Chí Minh đã nêu lên bằng một mệnh đề “bốn phương vô sản đều là anh em”, là tinh thần đoàn kết với các dân tộc bị áp bức, với nhân dân lao động các nước mà Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp bằng hoạt động cách mạng thực tiễn của bản thân mình và bằng sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc, là tinh thần đoàn kết của nhân dân Việt Nam với tất cả nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới vì hòa bình, công lý và tiến bộ xã hội, vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và chủ ngĩa xã hội, là tinh thần hợp tác và hữu nghị.