Bài thơ ''Thiên thần của cha'' đã để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ, tác giả đã ca ngợi tình phụ tử thiêng liêng và tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con một cách chân thận và sâu sắc. Ngay từ những câu thơ đầu tiên, hình ảnh người cha hiện lên trong tâm trí tôi thật giản dị và mộc mạc. Khi con ốm đau, ''cha nguyện cầu van vái cao xanh'' mong cho con được bình an, ''cha đây giảm thọ cũng dành phần con''- những câu thơ thể hiện sự lo lắng, bồn chồn, và tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con. Hai từ ''giảm thọ'' là sự hy sinh cao cả, sẵn sàng đánh đổi mạng sống của mình để con được bình an. Thật là một tình phụ tử thiêng liêng! Khi con chập chững tập đi tập nói, ''hai dòng lệ ngấn châu sa''. Những giọt nước mắt ấy không chỉ thể hiện niềm vui sướng, hạnh phúc khi nhìn con lớn lên từng ngày, mà còn là những giọt nước mắt thương cảm, lo lắng cho con trong những bước đi đầu tiên của cuộc đời của người cha. Hình ảnh ''thiên thần bé nhỏ'' được ví von như ''món quà trời trao'' thể hiện niềm tự hào, hãnh diện của cha khi nhìn con lớn lên. Đến đây, tôi lại có những suy nghĩ thật xúc động về người cha, luôn yêu thương con bằng cả trái tim, dành cho con những gì tốt đẹp nhất. Hôm tiễn con đi học đại học, ''cố mĩm cười nén khóc lệ rơi'' - cha cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để con không lo lắng. Nhưng trong sâu thẳm trái tim, cha vẫn luôn lo lắng, bồn chồn cho con. Tôi nghĩ người cha nào cũng mong cho con ''đặng nên người'', có một cuộc sống tốt đẹp và thành công như người cha trong bài thơ. Ai mà chả muốn con mình thành đạt chứ. Bài thơ kết thúc với hình ảnh ''thiên thần bé nhỏ trong đời của cha''. Hình ảnh này một lần nữa khẳng định tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con. Cha luôn coi con là báu vật quý giá nhất của cuộc đời mình. ''Thiên thần của cha'' là một bài thơ hay, giàu cảm xúc, đã khơi gợi trong tôi nhiều suy nghĩ và cảm xúc đặc biệt. Bài thơ giúp tôi hiểu thêm về tình phụ tử thiêng liêng và vai trò quan trọng của người cha trong cuộc sống của mỗi người. Bài thơ cũng nhắc nhở tôi về trách nhiệm của bản thân trong việc báo hiếu cha mẹ, để không phụ lòng mong mỏi của những người đã sinh thành và nuôi dưỡng ta.