Dế Mèn là một nhân vật điển hình của Tô Hoài. Qua ngòi bút miêu tả sống động, Tô Hoài đã mang đến thế giới trẻ con một nhân vật Dế Mèn dũng cảm, gan dạ, phông pha, luôn mang một khát khao được khám phá, trải nghiệm. Từ những từ ngữ được tác giả chọn lọc, cân nhắc để khắc hoạ nên hình tượng Dế Mèn gần gũi nhưng lại không kém phần sống động, thực tế. Thông qua chuyến phiêu lưu của Dế Mèn, Tô Hoài đã lồng ghép vào đó những bài học mang giá trị nhân văn, giáo dục sâu sắc. Điều đó được thể hiện rõ nhất qua cảnh "Dế Mèn bênh vực kẻ yếu”.
Dế Mèn là một chú dế khỏe mạnh, cường tráng và có lối sống khoa học: “Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm”, “chẳng bao lâu tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng”. Bên cạnh đó, Tô Hoài đã lồng ghép một giá trị giáo dục sâu sắc cho trẻ nhỏ là phải rèn luyện sức khoẻ và ăn uống điều độ để có một cơ thể tốt. Dưới cái nhìn tinh tế và trí tưởng tượng phong phú, Tô Hoài đã tái hiện chân chung của một chàng dế thanh niên thật khoẻ mạnh và đầy ấn tượng: “thân hình cường tráng, đôi càng mẫm bóng, những vuốt ở chân và ở khoeo cứng và nhọn hoắt”.
Không chỉ về ngoại hình, nhà văn còn khéo léo xây dựng nên những tuyến hành động của chàng Dế Mèn. Để thử sự lợi hại của những chiếc móng, Dế Mèn đã “co cẳng lên đạp phanh phách vào các ngọn cỏ”. Cậu đã tự nhận xét về bản thân: “Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu”, “thỉnh thoảng, tôi ngứa chân đá một cái”. Những hành động ấy đã cho thấy sự khỏe mạnh, dũng mãnh của Dế Mèn.
Trải qua cuộc hành trình cùng với cuộc gặp gỡ bác Xiến Tóc, Mèn đã rút ra được những bài học vô cùng quý giá và lột xác về thể chất lẫn tinh thần để trở thành một Dế Mèn mới. Sau khi trở về, Mèn trở thành một chàng trai đứng đắn, làm nhiều việc nghĩa, trừng trị những kẻ hay bắt nạt kẻ yếu. Điều đó được thể hiện qua việc một ngày Dế đi qua đám cỏ xước xanh dài, chen nghe “tiếng khóc tỉ tê” và nhìn thấy chị Nhà Trò đang “gục đầu bên tảng đá cuội”. Nếu là người khác chắc sẽ thờ ơ, bỏ mặc nhưng Dế Mèn đã “đến gần” và “gặn hỏi”. Từ đây, cho thấy Dế Mèn là một nhân vật biết quan tâm đến mọi người.
Đối lập với hình tượng khoẻ khoắn, đầy năng động của Dế Mèn thì hình ảnhcL chị Nhà Trò “đã bé nhỏ lại gầy yếu quá”, đôi cánh mỏng “ngắn chùn chùn” và tiếng khóc của chị ta đã làm cho chú Dế Mèn cảm thấy thương cảm, muốn được giúp đỡ và che chở. Chú càng xúc động hơn trước cảnh ngộ đau khổ của chị ta: mẹ mất, sống “thui thủi”, ốm yếu quá nên làm không đủ ăn, lại đang bị bọn nhện đòi nợ một cách riết róng! Bọn nhện đánh đập chị ta mấy bận, lần nào chúng đe bắt để “vặt chân, vặt cánh ăn thịt”. Cuộc sống và tính mạng chị Nhà Trò đang bị uy hiếp nghiêm trọng. Và lúc này đây, Mèn ý thức được việc bảo vệ những người yếu thế, bảo vệ chính nghĩa bằng chính sức mạnh vốn có của bản thân.
Cử chỉ “xòe cả hai cẳng ra” dắt chị Nhà Trò đi biểu thị một sức mạnh sẵn sàng bênh vực kẻ yếu và câu nói của chú Dế Mèn đã thể hiện biết bao nâng đỡ chở che, đầy nghĩa hiệp: “Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây. Đứa độc ác không thể cậy khỏe ăn hiếp kẻ yếu”. Dế Mèn xuất hiện như một chàng dũng sĩ đầy nghĩa hiệp, giúp đỡ những kẻ yếu thế thoát khỏi sự bóc lột, độc ác của bọn Nhện.
Chàng dũng sĩ Mèn lại được Tô Hoài điểm tô sức mạnh oai hùng khi đến trận địa mai phục của lũ nhện. Trước sự “bày binh bố trận” của bọn nhện, nào là “chăng từ bên nọ sang bên kia đường biết bao tơ nhện”, mụ nhện “đanh đá, nặc nô” khi bước ra thì có hai vệ sĩ vách đi kèm, vô số lũ nhện nanh ác do nhện Gộc chỉ huy. Nhưng Dế Mèn chẳng hề tỏ ra lo ngại, dũng mãnh tiến lên xưng “ta”, thể hiện một thái độ hiên ngang, không lùi bước trước những mối hiểm nguy của bọn ác.
Tiếng nói của chú cất lên nghe thật oai vệ, ngang tàng và đĩnh đạc: “Ai đứng chóp bu bọn này? Ra đây ta nói chuyện”. Vừa thoáng thấy mụ nhện từ trong hang đá “cong chân nhảy ra” với hai nhện vách đi kèm, Dế Mèn bèn ra oai thị uy: “quay phắt lưng, phóng càng đạp phanh phách”. Đó là miếng võ gia truyền của họ hàng nhà dế! Thật là bất ngờ và ngạc nhiên: “Mụ nhện co rúm lại rồi rập đầu xuống đất như cái chày giã gạo”. Mụ nhện và lũ tiểu yêu đã bạt vía kinh hồn!
Dế Mèn đã đanh thép hạch tội lũ nhện là bọn người “béo múp núp” mà lại tham lam ti tiện “cứ cố tình đòi một tí tẹo nợ đã mấy đời rồi?”. Chú ta “cấm” bọn nhện “từ giờ không được đòi nợ chị Nhà Trò nữa”. Như một lời phán truyền nghiêm khắc, Dế Mèn bắt bọn nhện: “Hãy phá các vòng vây đi! Đốt hết văn nợ đi!”. Tức thì quân tướng lũ nhện “sợ hãi cùng dạ ran”, chúng vội vàng “phá hết các dây tơ chăng lối”. Và con đường về tổ Nhà Trò “quang hẳn”. Chị Nhà Trò đã thoát nạn tai ương. Lời cảnh cáo của Dế Mèn đối với bọn Nhện cũng chính là lời phê phán mà Tô Hoài muốn gửi gắm vào trong tác phẩm. Và điều quan trọng trên hết, Tô Hoài đã khẳng định được một chân lý: cái thiện, cái tốt sẽ luôn giành chiến thắng. Từ đó mà giá trị chân - thiện - mỹ được tôn lên, nổi bật và đầy ý nghĩa.
Thông qua mạch tình tiết của đoạn trích “Dế Mèn bênh vực kẻ yếu”, Tô Hoài đã mang đến với thế giới văn học thiếu nhi những bài học và giá trị nhân văn vô cùng sâu sắc mang tính giáo dục cao. Các truyền tải các thông điệp rèn luyện sức khoẻ đến phải biết bảo vệ kẻ yếu hơn mình, luôn đứng về phe của chính nghĩa của tác giả rất sinh động, thu hút người đọc, đặc biệt là đối tượng thiếu nhi. Với lối viết văn đầy ấn tượng, lôi cuốn nhưng cũng không kém phần hấp dẫn, sinh động, Tô Hoài đã rất thành công xây dựng hình tượng nhân vật Dế Mèn với các đặc điểm ngoại hình, tính cách đầy ấn tượng, phù hợp trở thành một “tấm gương”- một người bạn tốt trong trí tưởng tượng của trẻ con để trẻ có thể đặt mình vào trong câu chuyện, soi rọi bản thân.