Mối quan hệ căng thẳng giữa chính quyền dân sự và quân sự là vấn đề đã tồn tại qua nhiều giai đoạn của nền chính trị Myanmar. Dưới góc độ cá nhân, sự đối lập về tính cách của hai nhà lãnh đạo đại diện cho hai chính quyền được thể hiện rất rõ và điều này càng được củng cố khi Đảng Lao động vì Dân chủ Myanmar (NLD) lên nắm quyền vào năm 2016.
Cuộc xung đột được đẩy lên cao trào khi một loạt sự thay đổi về hiến pháp do NLD đề xuất nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của quân đội trong Quốc hội bằng việc giảm tỷ lệ “ghế ngồi” của chính quyền quân đội. Nhưng đề xuất này đã không được thông qua vì vấp phải nhiều sự phản đối của các thành viên quân đội và các thành viên có mối quan hệ với chính quyền quân sự.
Vào ngày 01/02/2021, chỉ vài giờ trước lễ khai mạc Quốc hội mới, Myint Swe-một trong hai phó Tổng thống của nước này tuyên bố Tổng thống Myanmar U Win Mynit và cố vấn nhà nước kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bà Aung San Suu Kyi đã bị bắt giữ và phế truất do những cáo buộc liên quan đến gian lận bầu cử. Để củng cố vai trò của chính quyền quân sự, ông Myint Swe đã đảm nhận vị trí Tổng thống, đồng thời các lực lượng vũ trang dưới quyền chỉ huy của Đảng này sẽ tiếp quản các quyền Lập pháp, Tư pháp, Hành pháp.
Ngay sau đó, để chống lại sự tiếp quản của Quân đội, hàng loại các cuộc biểu tình của nhiều tầng lớp trong đó đặc biệt là tầng lớp thanh niên đã diễn ra rất mạnh mẽ, sau đó phong trào này lan rộng ra khắp cả nước. Ban đầu các cuộc biểu tình diễn ra khá sôi nổi với mong muốn quân đội nước này sẽ rút lui về doanh trại, nhưng sau đó dưới sự đàn áp đẫm máu của chính quyền quân sự bằng súng đạn, vòi rồng…, đã buộc các cuộc biểu tình này phải lắng xuống.
Ngày 16/04/2021, chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) đã được thành lập, chính phủ NUG đã tập hợp các thành viên của NLD, các đại diện của những nhóm dân tộc khác nhau và những người khác ở nước ngoài nhằm chống lại chính phủ quân sự. Nỗ lực của NUG là tấn công vào quân nhân và các tài sản khác của chính phủ, và một tuyên bố về “cuộc chiến phòng thủ” – thực chất là cuộc nổi dậy chống chính quyền đã được nhen nhóm qua nhiều thập kỷ đã đẩy Myanmar vào một cuộc chiến toàn diện.
Mặc dù lệnh ngừng bắn được thỏa thuận giữa chính quyền quân sự Myanmar và các bên nổi dậy đã được ký kết, gia hạn nhưng tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Myanmar vẫn rơi vào bế tắc trong suốt năm 2021. Khi đó, chính phủ quân sự có thể đàn áp được những phong trào nổi dậy chống chính quyền, nhưng lại không đủ tiềm lực để quản lý đất nước, mặt khác trong nội bộ của những cuộc nổi dậy đã có ít nhiều những thay đổi. Nếu họ tranh thủ được sự ủng hộ của quốc tế và đồng lòng hơn trong các cuộc chiến hoặc chính quyền quân sự có đủ khả năng để kiểm soát lãnh thổ thì diễn biến cuộc xung đột đã đi theo chiều hướng khác-có lợi cho người dân[1].
Năm 2022, các hoạt động chống chính quyền khác nhau của các lực lượng đối lập, đã đẩy nền chính trị, xã hội nước này vào một tình thế mới, không đơn thuần là những động thái biểu tình chống chính quyền nữa mà thay vào đó là các cuộc nổi dậy có vũ trang, điều này làm gia tăng tình trạng căng thẳng tại khu vực và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của Myanmar.
Các lực lượng nổi dậy và chính quyền không thể kiểm soát được đối với lãnh thổ và người dân mà thay vào đó, người dân phải sống dưới sự quản lý phức tạp của cả chính quyền lẫn các lực lượng nổi dậy.
Hội đồng hành chính nhà nước (SAC) và các đồng minh thân cận bao gồm các đảng phái, các tổ chức dân tộc chủ nghĩa Phật giáo cứng rắn và lực lượng Biên phòng đã cung cấp vũ khí cho dân thường, nhưng chủ yếu tại các khu vực do chính phủ quân sự quản lý – chủ yếu là các trung tâm thương mại, hành chính, thường ít xảy ra các cuộc xung đột.
Lực lượng chống SAC là tổ chức chống chính quyền có trụ sở chủ yếu tại các khu vực người Bamar sinh sống, nhóm này thường hợp tác với nhau ở các mức độ khác nhau ở từng địa phương. Tiếp đó, là các tổ chức vũ trang dân tộc (EAO), đại diện cho các nhóm dân tộc tại khu vực biên giới, nhóm vũ trang này đã tồn tại qua nhiều thập kỷ nhưng phản ứng của EAO lại có những điểm khác nhau. Có những EAO phản đối và có những xung đột gay gắt với chính quyền, một số khác lại có những động thái khá hòa hoãn.
Cuộc nội chiến ở Myanmar không đơn thuần là cuộc chiến giữa hai phe đại diện cho hai ý chí khác nhau, mà đó là cuộc chiến tranh hỗn hợp giữa nhiều bên tham chiến và đại diện cho nhiều ý chí, mục đích khác nhau. [2]
Để đàn áp các phong trào nổi dậy, quân đội nước này không ngại tấn công thẳng vào các cơ sở dân sự. Đáng chú ý là cuộc không kích vào lễ kỷ niệm của Tổ chức độc lập Kachin khiến ít nhất 80 người chết và 100 người bị thương, sau đó lực lượng Junta đã ngăn chặn quyền tiếp cận y tế đối với những người bị thương.
Tiếp đó, quân đội ra sức đàn áp người Rohingya bằng cách hạn chế quyền đi lại và cắt nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ với nhóm người này, gây ra tình trạng thiếu thốn nguồn nước và thực phẩm. Trong công cuộc kiểm soát người dân bằng chính sách kỹ thuật số, chính phủ nước này đã bắt giữ những người Hồi giáo vốn đã có từ nhiều thập kỷ vì nhập cư bất hợp pháp và gắn mã ID cho người Rphingya là người nước ngoài.
Bên cạnh đó, nhằm tăng cường quyền hạn của mình trong các vấn đề quốc gia, chính phủ quân sự đã cho đóng cửa các tòa án bên trong nhà tù, hạn chế tối đa về mặt pháp lý với những người bị cáo buộc, các tòa án quân sự địa phương được giao quyền đặc trách trong các trường hợp và công chúng không được phép giám sát.
Quyền công dân, quyền phụ nữ và trẻ em gái cũng không được đảm bảo, khi chính phủ liên tiếp đàn áp bằng các hình thức vũ trang quân sự. Vào ngày 9/10/2023, một ngôi làng ở Kachin tại Myanmar bị chính quyền tấn công khiến hàng trăm thường dân phải sơ tán, trong đó có 11 trẻ em bị chết do cuộc tấn công này. Trong vấn đề quyền phụ nữ và trẻ em gái, sự gia tăng tình trạng tấn công tình dục đối với phái nữ từ sau cuộc đảo chính được cho là do các thành viên quân đội và phi nhà nước thực hiện càng làm tăng thêm bạo loạn quốc gia, đồng thời làm tăng nguy cơ về buôn bán và bóc lột tình dục đối với phụ nữ ở quốc gia này. [3]